Friday, November 20, 2009

Tẩn mẩn Ngày Nhà Giáo

Mấy bữa nay thằng Mít nhà mình cứ dậm dạp tỉ tê với mẹ nó chuyện mua hoa tặng cô giáo ngày 20/11. Hôm qua cu cậu gọi điện cho bà nội, một cựu nhà giáo, hỏi xin hoa học sinh cũ tặng bà để recycle mang đi tặng cô giáo nó.

Mít nhà mình 5 tuổi, đang học mẫu giáo lớn. Tuổi ấy mà biết tính toán thế thì con hơn cha cả cây số rùi đới! Mình lên lớp 6 mới biết recycle quà 20/11 của mẹ, lúc thì cái nón, lúc thì bộ ấm chén, những quả quà bất hủ đầy tính tượng trưng của một thời vừa mới qua và có lẽ chẳng bao giờ quay trở lại. Giờ thì, Gấu nhà mình bẩu, cứ phong bì cho gọn!

Mình bẩu, ừa, em cứ làm cho chu đáo. Thời đại quang vinh mà chúng ta đang sống chẳng phải là Thời Của Phong Bì sao?

Dịp này, mấy tờ lá cải lại ông ổng chiện đưa phong bì cho cô giáo, rặt một giọng hoài cổ “Ngày xưa đâu có chiện quà cáp thế lọ thế kia, người ta chỉ đến bằng tấm lòng, bằng tình cảm thiêng liêng thế lọ thế kia”. Sốt ruột!

Bà già mình là giáo viên toàn tòng, nói theo lối điện ảnh thì xứng đáng được nhận “Giải thưởng trọn đời”. Vì thế từ nhỏ mình đã biết xiền rất quý, đối với nhà giáo viên lại càng quý! Quà cáp của phụ huynh âu cũng là một giải pháp bất đắc dĩ, nhưng khả dĩ nhất trong buổi hỗn mang này. Cứ hiểu đấy là chút bổng lộc bé mọn đặng giúp thầy cô phấn khưởi lên tý cũng được. Hoặc hiểu đấy là một dạng học phí ngoài luồng cũng được, có sao đâu? Nhưng đừng hiểu đấy là hối lộ, bởi nhận hối lộ là đáng khinh. Chỉ vì chút tiền hèn mà khinh thầy cô thì tội lắm!

Tất nhiên, ai chẳng mong một ngày nào đó chế độ lương bổng cho giáo viên trở nên hợp lý hơn và những chiện eo sèo này sẽ qua đi. Ngày ấy, mình sẽ lại biên một bài man mác, nhớ lại ngày đầu tiên mang phong bì đến nhà cô giáo của con. Đó là một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh...

Chiện quà cáp cho thầy cô, tóm lại, chẳng có gì đáng gọi là vấn đề trong toàn cảnh nền giáo dục nước nhà hiện nay. Đấy chỉ là một cái mụn trên cánh tay của một người mắc bệnh ung thư, chẳng là gì so với những triệu chứng khác, như nạn giáo điều, nạn chạy bằng, nạn mua điểm, nạn quay cóp, vưn vưn...

Cách đây lâu lâu, mình có biên một bài [1] nói về việc dạy trẻ con ở lứa tuổi mầm non, nội dung rất sến, đại khái so sánh phương pháp dạy con nít của bọn Khoai Tây với phương pháp của VN. Bài gửi lên đăng trên trang web của Hội nhà văn hẳn hòi, lòe được mấy thằng bạn, nhưng mục đích chính của mình là nhắn nhủ Gấu để cho thằng Mít nó chơi, đừng ép nó học, vậy thôi. Mình biết có nghìn bài cải lương như thế đăng cả lên Nhưn Dưn thì cũng chẳng giải quyết được vứn đề gì. Bởi căn bệnh của nền giáo dục VN chẳng thể chữa bằng cách xoa dầu cù là kết hợp uống thuốc bắc mà được.

Đó là một căn bệnh trong cốt tủy.

******

Cách đây vài tuần, mình đi theo đứa bạn dã ngoại chụp ảnh cưới, tình cờ gặp lại giáo Vương. Giáo Vương thua mình 3 tuổi, ngồi cùng một chuyến máy bay sang Nhựt với mình. Xuống sân bay hai thằng ngồi nói chuyện dăm câu ba điều rồi chia tay, mỗi thằng một đường. Mình về Kyoto, nó đi Shiga, khoảng cách thì không xa nhưng vẫn là tỉnh khác. Mới đấy mà đã hơn ba năm!

Giáo Vương nghiên cứu giáo dục. Thấy mình có vẻ hiếu học, giáo tận tình giảng giải cho mình về khác biệt giữa giáo dục Nhựt với giáo dục VN. Khác biệt từ nền tảng.

Giáo Vương bẩu, muốn xây một ngôi nhà thì trước hết phải mường tượng ra được ngôi nhà sẽ như thế nào, rồi đến thiết kế, rồi mới xây, vưn vưn. Giáo dục cũng thế, muốn dạy trẻ con thì trước hết phải có được cái hình mẫu con người mà mình muốn đứa trẻ trở thành. Cái này VN mình không có!

Mình hỏi, thế Nhựt Bẩn thì sao?

Giáo liên thiên một hồi, rồi bẩu mình về nhà tự gúc ra mà đọc.

Nhờ sự dạy dỗ của giáo Vương, mình gúc ra cái Giáo Dục Cơ Bản Pháp [2], còn được gọi là Giáo Dục Hiến Chương, là đạo luật nền tảng về giáo dục của Nhựt. VN mình, theo giáo Vương, không có đạo luật nào tương tự [3].

Đạo luật gồm 4 chương, 18 điều, in font size 12 ra bốn trang A4, có hiệu lực từ ngày 31/3/1947, được sửa đổi một lần ngày 22/12/2006.

Điều 1 bẩu, mục đích của giáo dục là hướng tới sự hoàn thiện nhân cách và trang bị những tư chất cần thiết về thể lực và tâm lý cho con người để xây dựng quốc gia và xã hội hòa bình và dân chủ.

Điều 2 bẩu, tự do học thuật đương nhiên là được tôn trọng số 1 rùi [4], nhưng thứ đến, giáo dục nên đặt mục tiêu làm cho con người ta:

i) Có văn hóa và kiến thức rộng rãi, biết yêu chuộng và dám bảo vệ sự thật, biết nuôi dưỡng lòng nhân từ và tình cảm phong phú, biết rèn luyện thân thể khỏe mạnh.

ii) Tôn trọng các giá trị cá nhân, nâng cao khả năng sáng tạo, rèn luyện tinh thần tự chủ, tự cường, coi trọng mối quan hệ giữa công việc với đời sống, coi trọng sự lao động.

iii) Quý trọng chính nghĩa, trách nhiệm, sự bình đẳng nam nữ, sự hợp tác và tương ái với người khác, yêu thích đóng góp và chủ động tham gia vào các hoạt động cộng đồng vì sự hình thành và phát triển của xã hội.

iv) Quý trọng sinh mệnh, coi trọng tự nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường.

v) Tôn trọng truyền thống và văn hóa, biết yêu quê hương, đất nước mình, cũng như tôn trọng các nước khác, có ý thức đóng góp vào hòa bình và phát triển của toàn thế giới.

Điều 3 nói về triết lý cho việc học tập suốt đời, khuyên: Mỗi người dân cần tự bồi dưỡng nhân cách của mình, đặng sống một cuộc đời phong phú, vì thế nên mưu đồ việc tận dụng những thành quả của xã hội để học tập hễ có cơ hội, bất cứ ở đâu và suốt cả cuộc đời...

******

Hơn cả một đạo luật, Giáo Dục Cơ Bản Pháp của Nhựt là một minh triết.

Soạn thảo một đạo luật như thế không phải là bất khả thi đối với VN, nhưng cơ sở luật pháp của VN chưa cho phép một đạo luật như thế tồn tại.

******

Sáng nay, mình gọi điện cho bà già mình để chúc mừng. Bà già mình bẩu, nên cho thằng Mít đi học thêm để chuẩn bị vào lớp 1. Mình bẩu, thôi. Bà già mình lại bẩu, rồi đây con người ta đi học thêm cả, điểm cao. Con mình không học thì điểm kém, ảnh hưởng lắm. Mình bẩu, bọn con muốn dạy cháu kiểu khác. Bà già mình hỏi, như nào?

Mình nghĩ bụng trích đoạn đầu của Giáo Dục Cơ Bản Pháp ra để trả lời. Song lại nghĩ, nếu thế bà già mình sẽ nói một câu chắc chắn làm mình tịt ngay. Bà già mình sẽ nói:

“Dạy kiểu đó thì ra đời nó dẫm cho bẹp ruột. Trừ phi xách nó sang Khoai Tây mà sống”.

Minh triết đấy chăng?

Dĩ nhiên! Cô giáo nói bâu giờ cũng đúng!

Chú thích:

[1] Cải cách giáo dục – Chuyện nhỏ

[2] 教育基本法 

[3] Mặc dù ngày 20/11 còn được gọi là Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, nhưng VN không có văn bản nào gọi là Hiến Chương Nhà Giáo cả. Thực ra đó chỉ là cách gọi ăn theo Ngày Quốc Tế Hiến Chương Nhà Giáo do Liên Hiệp Công Đoàn Nhà Giáo Quốc Tế lập ra ngày 20/11/1958. Vì thế, tên gọi Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam nghe thì oách (vì có tý chất Tầu) nhưng sai toét, tiệt đối không nên dùng.

[4] Do điểm này, luật cho phép nhà trường tự đặt ra mục tiêu giáo dục riêng, không nhất thiết phải theo luật. Phạm trù bao gồm của tự do học thuật rất rộng, chẳng hạn, nhà trường có quyền tự chọn sách để làm giáo khoa cho riêng trường mình, không bị kiểm duyệt về những tư tưởng và quan điểm mang ra dạy cho học sinh, vưn vưn...

11 comments:

  1. Anh chị em nầu giỏi tiếng Nhật thì xem lại phần dịch hộ tớ nhế. Trình tiếng Nhật còi chỉ dịch được đến thế, mới cả văn bửn luật cũng khó nhằn...

    ReplyDelete
  2. Bookmark bài này cái đã!
    Nhiều báo lói về cái bệnh nan y của GD roài mà bro vẫn cho ra 1 bài hay thế! Đúng là trị mụn không để làm cái quái gì bro nhờ! Hihi

    Em cũng thấy GD của N khác hẳn, như bọn thằng Tomek đi nhà trẻ, thoải mái làm gì thì làm. Không bao giờ bị ép buộc làm cái gì cả, cứ tự do mà phát triển thôi. Tất nhiên là chương trình các thầy cô giáo đưa ra cũng rất phù hợp và lôi cuốn bọn trẻ. Cả thày và trò đều tôn trọng lẫn nhau. Không có chuyện: "Cô nói thì em phải nghe!" . He he, nhiều khi cô nói nó bảo không nghe, nó bảo đeck đúng! Không thuyết phục nó thì làm sao nó nghe được!

    Về nhà cũng tự giác làm những việc nhỏ như vệ sinh thân thể... dù mới có 2 tuổi...

    Chủ để ngày 20/11 ngày xưa em với Namazu cũng đã nói nhiều, "có nên có hay không 20/11?!" Hihi. Nam huynh nhể?

    ReplyDelete
  3. @Diện: Hôm qua bên lốc của Huy Bom cũng ra một bài "Nhân ngày nhà giáo", trong đó có nói VN nên bắt chước mô hình giáo dục cấp cơ sở mới cả phổ thông của Nhựt. Mek nhà mày ở đây thêm 3 năm nữa thì ngon đới. Nếu thêm 30 năm nữa thì càng ngon, hehe...

    ReplyDelete
  4. Ha ha! Em vừa đọc. Nhưng chỉ sợ là "cuội" thôi. Kiểu NỔ của các bác nghe mà chán!

    Tomek cố gắng đến 5-6 tuổi lại về VN,giống anh Mitto. Hihi!

    ReplyDelete
  5. he he
    Theo em thì nên bỏ hết các ngày vớ vẩn ấy đi. Những ngày nhà giáo, ngày thương nhân... chỉ làm cho xã hội thêm bất công.

    Các ngành trong xã hội đều có giá trị nhất định. Không có thể nói là ngành nào hơn ngành nào cả. Sự tự do, tôn trọng, tôn vinh nên giành cho tất cả mọi người, giành cho cha mẹ.

    Điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến xã hội hóa giáo dục.

    Thầy giáo, cô giáo cần được học sinh đánh giá. Không đạt thì cho lượn. Ngành đó giờ có khác gì mình có 1 cục tiền, đi mua tri thức. he he. Do đó, quyền của học sinh là được chọn món hàng mình muốn.

    ReplyDelete
  6. @Nam: Đúng là mọi ngành nghề đều bình đẳng. Người lao công, thầy giáo hay chính trị gia đều có giá trị như nhau, và đều cần có sự chiên nghiệp, thằng nầu ko làm được việc thì tất nhiên phải lượn.

    Khi xã hội phát triển, tính chiên nghiệp nâng cao rồi thì tự khắc những ngày này ngày kia sẽ chỉ còn giá trị trong ngành. Vì thế chẳng cần phải bỏ làm gì, xã hội sẽ tự điều chỉnh để trở thành như thế. Các nước phát triển vẫn có những ngày tương tự, nhưng chỉ những người quan tâm mới tham gia kỷ niệm thôi.

    ReplyDelete
  7. He he.

    Làm quả nghiên cứu định lượng đi bro ơi. Vô đây nè

    http://dieutraonline.blogspot.com

    ReplyDelete
  8. Hay đới! Tao vote roài. Bầu cử cuốc hội VN cũng làm on lai thía nầy thì gọn nhở, đỡ tắc đường. Kết quả thì đằng nầu cũng có quan chọng gì đâu!

    ReplyDelete
  9. Nhất trí với anh Huy và anh Nam CC. Em thấy trẻ con giờ học nhiều quá, mà có sâu đâu? Vô lý ở chỗ là học sinh mẫu giáo cũng phải thi vào lớp 1. Tí tuổi đầu đi học mà phải nhồi vào não đủ thứ hầm bà lằng. Sau này em mà có con, cho nó học ít ít ở cái tuổi thiếu niên, nhi đồng thôi, học làm người là chính.

    ReplyDelete
  10. @Kai: Cấp cơ sở và phổ thông của bọn Nhựt ngon, nhưng lên ĐH thì thua Khoai Tây.

    Học sinh cấp 3 ở Nhựt cày như trâu để vầu được ĐH công lập. Nhưng sau khi vầu được ĐH rùi thì rất lười, có tâm lý xả hơi, vì kiểu gì thì giáo vưỡn cho tốt nghiệp. Cái nầy anh Người Tốt ở ta gọi là bịnh thành tích.

    Bọn Khoai Tây thì quan niệm, dưới 18 bó thì cho chúng mầy chơi, học ít thui. Nhưng đến tuổi vầu ĐH thì chúng mầy phẩy nghĩ cho kỹ, người nhớn rồi! Thích mặc comple thì vầu ĐH, ko thích học thì đi học nghề, mặc bẩu hộ, chẳng sâu cả. Vì thế, dững thằng vầu ĐH thì học rất nghiêm túc, rất chủ động tìm tòi nghiên kíu, vì chúng thực sự có đam mê! Mờ có đam mê thì mới sáng tậu được! Thành ra, dững quả đột phá công nghệ hoặc lý thuyết tiên phong đều là của bọn Khoai Tây cả, Nhựt Hàn chẳng là cái đinh.

    Tóm lại, em Kai nếu định cho con đi du học thì nên cho sang Khoai Tây. Lo thế mới gọi là xa, phỏng?

    ReplyDelete
  11. Cái này thì nhất trí với bro!

    ReplyDelete