Friday, March 6, 2009

Cải cách giáo dục - Chuyện nhỏ

(Bài đã đăng trên trang web Hội Nhà văn VN)

Tôi đã định đặt đầu đề cho bài viết này một cách nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn ‘Bài tập tô chữ’. Nhưng bằng cách ‘giật’ cái tít này, có lẽ tôi sẽ thu hút được nhiều độc giả hơn, bởi cải cách giáo dục đang là đề tài “hót” của báo chí.

Không! Tôi không hề có ý rằng sự nghiệp cải cách giáo dục của nước ta là một chuyện cỏn con! Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện nhỏ liên quan đến cái sự nghiệp ấy mà thôi.

Tôi năm nay ba mươi ba tuổi. Con trai tôi lên năm. Tóm tắt quá trình học tập thì tôi học ở Việt Nam đến hết cấp 3, sau đó đi học ở nước ngoài đến nay. Con trai tôi thì ngược lại, từ nhỏ sống ở nước ngoài và mới về nước được hai tháng. Cháu đang học lớp mẫu giáo lớn. Dù đang ở nước ngoài nhưng hàng tối tôi vẫn được ‘nghiên cứu’ tình hình học tập của cháu ở nhà qua webcam nối mạng Internet.

Một buổi tối điển hình của con tôi như thế này: Vừa ăn tối xong, mẹ cháu đã giục giã cháu lấy vở ra tập tô chữ. Trong lúc học bài, nếu lơ là một chút là mẹ cháu ‘chấn chỉnh’ ngay. Thế là mẹ quát, con khóc, vừa khóc vừa cố tô nốt ba trang vở, cho đến hơn mười giờ mới đi ngủ.

Báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực để phàn nàn về hiện trạng giáo dục ở ta. Tuy nhiên, tỷ lệ các bài dành cho các lớp mẫu giáo và cấp tiểu học ít hơn so với các cấp cao hơn, do quan điểm của chúng ta về kiến thức và phương pháp giảng dạy ở cấp này có ít ‘vấn đề’ hơn, hay chỉ đơn giản là do chúng ta chưa quan tâm đúng mức?

Sự quan tâm tôi muốn nói ở đây là tính khoa học của kiến thức và phương pháp truyền thụ những kiến thức ấy cho con trẻ. Thực tế là người Việt chúng ta quan tâm đến việc học hành của con cái vào loại nhất thế giới, nhưng chúng ta thường chỉ thể hiện điều đó bằng cách thúc giục chúng học càng nhiều càng tốt, nhưng không biết chúng học gì và học như thế nào.

Tôi có người bạn sống ở Úc. Một lần tôi đến chơi, bé gái con bạn tôi, đang học lớp 1, đưa tôi xem một cuốn truyện tranh do bé sáng tác. Đó là câu chuyện về chuyến đi dạo của một chú cá. Chú tìm thấy rất nhiều cây rong xanh ‘trông thật ngon lành’. Chú định ăn, nhưng rồi lại thấy một con giun béo ngậy, bèn lao tới đớp ngay. “Oách” một cái! Chú đã bị mắc câu! Thế là hết.

Một câu chuyện ngụ ngôn hoàn chỉnh? Tôi đã thực sự ngạc nhiên trước khả năng sáng tạo của bé. Hỏi ra mới biết phần lớn thời gian ở lớp của bé được dành để nghe đọc truyện tranh và tự sáng tác những câu chuyện như thế. Việc tập viết chữ rất đơn giản, các bé được hướng dẫn trình tự các nét, và sau đó tự mình ‘thể hiện’ cách viết của mình, hoàn toàn không có bài tập “tô chữ theo các nét chấm” bắt buộc. Đặc biệt, những bé thuận tay trái thì cứ việc viết bằng tay trái.

Qua ví dụ trên, có thể nhận thấy, các trường tiểu học ở Úc tuyệt đối tôn trọng cá tính của các em nhỏ và tạo cơ hội cho các em thể hiện khả năng sáng tạo riêng biệt của mình và “tỏa sáng” như một ngôi sao, trong khi chúng ta muốn “gò” con em chúng ta vào khuôn mẫu ngay từ tấm bé, không cho tính sáng tạo của chúng một cơ hội nào. Chúng ta cố gắng nhồi nhét rất nhiều để biến các em thành những ‘lỗ đen’, chỉ biết thu nhận một cách thụ động mà không thể tự phát sáng.

Ở nước ta, phương pháp giảng dạy kiểu đọc-chép lỗi thời bị phê phán đang dần được thay đổi ở các cấp từ trung học trở lên. Một sự thay đổi tương tự cũng rất cần thiết ở cấp mẫu giáo và tiểu học. Có ở đâu trên trái đất này ngoài Việt Nam trẻ con phải thi vào lớp 1, và kèm theo đó, phải học thêm, phải luyện thi khi còn chưa biết tự lau mặt? Con cái chúng ta có cần dành nhiều thời gian để luyện chữ đẹp như thế không, ở thời đại vi tính này? Lẽ ra chúng ta phải dạy các em đánh máy thành thạo từ nhỏ!

Bệnh thành tích trong giáo dục và nạn gian lận trong thi cử không đợi đến cấp trung học, đại học và sau đại học mới bộc phát. Những biểu hiện của những căn bệnh nguy hiểm này manh nha từ khi con cái chúng ta buổi đầu đến trường. Nguyên nhân không phải do các em, mà do chính chúng ta, những bậc cha mẹ. Chính chúng ta và cha mẹ chúng ta, thừa hưởng nền văn hóa “xuất thân bằng nẻo thi cử, tiến thân theo lối làm quan” đã và đang làm hỏng cả nền giáo dục và hệ thống hành chính của đất nước.

Tôi đã thử đặt câu hỏi cho chính mình: Tôi có dám để con tôi không được nhận phiếu bé ngoan hàng tuần, nhận giấy khen cuối năm, không được vào trường chuyên lớp chọn? Có dám nghe ai đó xì xào “Bố Tiến sỹ mà con học dốt thế”? Bù lại, con tôi sẽ có nhiều thời gian để chạy nhảy ngoài trời, sáng tác truyện tranh, và lớn lên cháu sẽ học những môn, ngành học ưa thích, rồi tự chọn nghề nghiệp và yêu kết quả của việc mình làm, sẽ không tìm cách đổ lỗi cho khách quan và không né tránh trách nhiệm, sẽ viết cuộc đời của nó theo cách nó muốn thay vì tô lại những nét chấm đã có sẵn?

Câu hỏi đó, theo tôi, chính là điểm khởi đầu của sự nghiệp cải cách giáo dục, sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.

1 comment:

  1. Comments vào trạng web hội nhà văn rồi. He he, thế là lại có thêm 1 good reference nữa vào Ph.D rồi đấy đại ca ơi.

    Tôi cũng là người đang ở nước ngoài, thấy rằng, bạn bè tôi ai sang Nhật hay sang các nước phát triển khác đều muốn đưa con cái mình sang. Ngoài lý do sum họp gia đình thì còn một lý do không kèm phần quan trọng là, giáo dục trẻ nhỏ. Ở những nước phát triển, đúng như anh Huy Bầu nói, trẻ con được tạo điều kiện để tự làm chủ mình, để sáng tạo và để tỏa sáng, chứ không bị gò ép vào những bài vỡ kiểu như tô vẽ.


    Quay lại câu truyện về giáo dục, không thể phủ nhận một thực tế hiển nhiên là nền giáo dục có vấn đề. Có vấn đề thì mới phải đổi mới và cải cách. Và điều đó là cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Đến ngay cả giáo dục những nước phát triển cũng có vấn đề. Quan trọng là vấn đề đó luôn được giải quyết và không trở thành căn bệnh trầm kha.

    Liên quan hơn đến cải cách giáo dục, chỉ hi vọng rằng, nhà nước sẽ cải cách theo hướng từ gốc đến ngọn, chứ không từ ngọn đi xuống gốc như hiện nay.

    Bác Hồ đã có một câu nói xuất phát từ việc đọc các tài liệu của Lão tử rằng.

    Vì lợi ích mười năm trồng cây
    Vì lợi ích trăm năm trồng người

    Để trồng một cái cây đến ngày hái quả, mà phải là quả thơm ngon, cần đến khoảng mười năm. Còn trồng người thì phải mất đến trăm năm. Vâng, lâu hơn, dài hơi hơn và gian truân hơn. Hiện nay, bậc giáo dục mầm non ở nước ta cũng đã được quan tâm hơn một chút. Điển hình là việc xây dựng các hệ thống trường công, trường tư cho trẻ nhỏ. Nhưng xét về góc độ đầu tư của nhà nước thì là quá ít nếu so sánh với sự đầu tư cho các bậc giáo dục cao hơn. Như vậy, có thể kết luận là hiện tượng đầu tư ngược vẫn đang diễn ra.

    Không biết đến bao giáo dục mầm non mới được chú trọng trướt hết đây?

    ReplyDelete