Nếu mảng dân gian/nông thôn trong thơ NVT phơi bày cái nền tảng sâu rộng của tâm hồn 'cậu bé trung du' (một biệt hiệu cũ của anh) NVT thì những bài thơ viết theo phong cách hiện đại, khai thác những đề tài mới hơn lại cho ta thấy tầm cao của lâu đài thơ NVT.
Mỗi ngày tôi nhặt được một sai lầm
Cuối tháng, tôi treo tất cả xung quanh một chiếc gương
Đó là chiếc gương chỉ khi buồn bã
Tôi mới cởi mặt nạ ra để ngắm nhìn mình
Những sai lầm luôn thay dạng đổi hình
Chúng rình rập tôi sau những câu cảm thán
Tôi thấy rõ chúng chẳng chây lười
Chúng dậy sớm, và ngồi chờ tôi một cách bình thản
Tôi hay ví chúng với những viên đạn
Mà tôi bắn vào mọi so bì thiệt hơn
Những sai lầm quện với nhau thành bè bạn
Bất cứ lúc nào tôi cũng cô đơn.
Cuối tháng, tôi treo tất cả xung quanh một chiếc gương
Đó là chiếc gương chỉ khi buồn bã
Tôi mới cởi mặt nạ ra để ngắm nhìn mình
Những sai lầm luôn thay dạng đổi hình
Chúng rình rập tôi sau những câu cảm thán
Tôi thấy rõ chúng chẳng chây lười
Chúng dậy sớm, và ngồi chờ tôi một cách bình thản
Tôi hay ví chúng với những viên đạn
Mà tôi bắn vào mọi so bì thiệt hơn
Những sai lầm quện với nhau thành bè bạn
Bất cứ lúc nào tôi cũng cô đơn.
(Những sai lầm)
Trong thơ NVT, chủ đề của một bài thơ nhiều khi không còn là một sự vật, sự việc cụ thể, có thể nhận mặt đặt tên. Đó có thể là một hình ảnh thoáng hiện một cách vô thức, một ấn tượng siêu thực. Chưa ai từng nhìn thấy nó như nhà thơ nhìn thấy, và công việc nặng nhọc của nhà thơ khi ấy là phải diễn đạt nó, không phải theo cách để người khác dễ hiểu nhất, mà để họ cảm nhận đúng như cảm nhận của nhà thơ. Bằng mồi thính là ngôn từ của mình, nhà thơ phải gắng ráng đánh động, kéo nhử những tưởng tượng đang ẩn sâu trong tiềm thức của người đọc ra khỏi cái hang ổ âm u của chúng:
Bàn tay múa trong đêm thoát ra:
đen, dài, mảnh, lạnh
Chính đêm cũng vừa được thoát ra từ dòng mệt
Nhưng đầy rẫy dây rợ, máu, hơi từ hàng triệu con vượn và lịch sử
Chỉ múa được dăm ba vòng rồi tự co lại nằm ngửa thở
Dòng mệt hay cấu tạo nhỏ mọn đã dập tắt tự do
Bất động còn tự do hơn là chết hẳn.
Đến lượt ý thức can thiệp để bàn tay tiếp tục vươn múa
Nhưng thô kệch giả dối không chịu nổi
Múa gì vì sao lại múa
Dòng mệt nảy thêm một đoạn ruột thừa
Ý thức chuyển sang một khúc ngoặt mới
Từ việc ngắm nghía sự trôi đi của bàn tay
đến việc miễn cưỡng mở lối cho giấc ngủ xâm xẩm vào …
Điệu múa không còn dữ dội
Thỉnh thoảng lạc vào quy củ của sự ngu si
Đêm chui trở lại hơi thở
Mải miết tô cho giấc ngủ đen sì
Bàn tay múa
Lại ướt đầm trong mưa gió của giấc mơ…
(Bàn tay múa)
Sở trường của NVT là năng lực tưởng tượng cực mạnh và tài khâu nối các hình tượng vốn không có quan hệ logic nào với nhau thành một chuỗi liền mạch. Người đọc dễ bị thôi miên trong khi lần theo chuỗi hình tượng ấy, tâm trí phiêu diêu mỗi lúc một xa điểm xuất phát, và không biết cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thơ đích thực phải như thế! Vứt toẹt những ngôn từ rỗng tuếch và vần vèo du dương bất lực đi, thay vào đó những liên tưởng ám ảnh kỳ lạ, đấy mới là thơ. Khi đó, mỗi bài thơ là một cuộc đi mây về gió, có khi vừa đọc xong đã quên mất mình vừa đọc cái gì, không biết bài thơ nói về cái gì, không nhớ nổi tiêu đề bài thơ là gì. Cứ như người ngủ mơ!
Những hình tượng trong thơ NVT có khi rất quen thuộc, nhưng cách và chỗ chúng được sử dụng thì rất lạ lẫm, bất ngờ, ví dụ như cái motip cổ tích trong bài thơ này:
Tôi gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn những cánh tay người
Khi mặt trăng nhe ra một nụ cười
Tôi che thân bằng một tàu lá chuối
Rón rén đi theo cái chết của mình
Bỗng trên thân que ló một chùm gai bưởi
Máu của tôi từng giọt sáng lung linh
Đi hết khu rừng
Tôi chui vào một căn nhà tranh
Sưởi ấm cùng một người con gái
Bếp lửa bập bùng, suối tóc bập bùng
Bức tường lờ mờ, đôi mắt dại.
(Bãi cỏ xanh)
Rất tiếc là những bài thơ như thế này chưa được lòng cái công chúng vẫn còn khá đông đảo các bạn độc giả - đệ tử của các thể loại vè, chẳng hạn vè Tố Hữu, những bạn vốn thỏa mãn với thực đơn thơ chỉ gồm hai món tình cảm rõ ràng: một là yêu thương/ngưỡng mộ, hai là uất ức/căm thù. Các bạn ấy quan niệm thơ trước hết phải có vần, và đề tài hay nhất là ca ngợi quê hương đất nước! Phải chăng hậu quả của cuộc hấp diêm nghệ thuật trong quá khứ vẫn còn ám ảnh công chúng nước nhà, khiến họ quay lưng lại với thơ đương đại nói riêng và văn học đương đại nói chung?
Gặp buổi ế ẩm như hiện nay, khách văn chương chỉ sống dựa vào tác phẩm thì có nước húp cháo. Nghe đâu một bài thơ đăng báo được vài ba trăm nghìn nhuận bút, một cuốn tiểu thuyết được mươi triệu, nên nhà văn thời nay tòan viết báo để sống. Bên nhạc thì khá hơn, nhưng cũng chỉ có lớp váng nổi lềnh phềnh phía trên, gồm các ca sỹ dòng nhạc thị trường, các diva và các nhạc sỹ gạo cội, thức thời nhanh nhạy như Phú Quang thì mới giàu, chứ còn lại thì cũng thường thường bậc trung. Tiến già thơ cũng hay, nhạc cũng hay nhưng chẳng cá kiếm được gì ở hai món ấy, chẳng dư dả gì. Hồi đang thai nghén cái album đầu tay, anh bảo mình, anh định mời các công ty tài trợ tiền sản xuất đĩa, đặt ra mấy mức hẳn hoi, mức cao nhất sẽ được in logo quảng cáo ở bìa sau, mức thấp hơn thì được đánh trống ghi tên. Mình hỏi, mức thấp là bao nhiêu để em chơi? Anh bảo, ờ, thì khoảng dăm mười triệu. Nghe giọng anh có vẻ không tự tin lắm, không hiểu là do anh chưa quen vai này hay do anh nghĩ mình không có tiền, sợ nói thách cao quá, hehe.
Thơ và nhạc tựu trung cũng chỉ là nơi chơi bời của Tiến già, chứ kiếm ăn thì phải nhìn vào 'nghề của chàng' là kiến trúc. Công ty của anh hồi ấy cả nhân viên lẫn cộng tác viên độ chục người, nhận cả phần kiến trúc lẫn kết cấu. Nghề tư vấn ở nhà mình chẳng phải ngon ăn gì, định mức tư vấn tính theo tổng mức đầu tư đã thấp, mà có trình bày với chủ đầu tư họ cũng gạt cái roẹt, bảo, cái này trọn gói nhiêu đây, nhiêu đây, cậu có làm được thì làm. Gặp lúc công ty còn nhỏ, đói việc thì cứ phải nhắm mắt mà nhận. Cái công trình ở Thái Bình ấy, Tiến già ăn phải quả đắng. Có lần hai anh em xuống làm việc từ sớm theo lịch hẹn, xuống đến nơi thì chủ đầu tư bảo bận đột xuất, chiều quay lại nhé. Lại phải thuê phòng nghỉ nằm đợi đến chiều. Tiến già bức xúc lắm, bảo, em xem, tổng giá trị hợp đồng được hai trăm triệu, nửa năm nay anh đi đi về về đến chục lần rồi, tiền thuê xe, ăn uống mỗi lần mất toi bốn triệu, mà chưa đâu vào đâu cả. Không biết chục lần nữa có xong không? Cứ cho là xong thì coi như đi mất tám chục, rồi còn tiền lương nhân viên, tiền thuê văn phòng...thế thì anh còn lại cái gì? Nghe Tiến già tính toán, mình nghĩ, theo cái đà này thì không biết vài năm nữa thơ của anh, nhạc của anh sẽ thành cái gì? Hết dân gian? Hết lãng mạn? Hết siêu thực? Chỉ còn sặc mùi hiện sinh?
Sống nghĩa là phải đối mặt với thực tại trần trụi. Nhưng người nghệ sỹ thì phải đối mặt với nó hai lần. Lần đầu, họ nhìn thấy nó. Lần thứ hai, họ tái hiện nó, săm soi nó, mổ xẻ nó và truyền đạt cảm xúc của họ khi làm việc đó cho công chúng. Khi một sự việc xảy ra, một người bình thường chứng kiến rồi quên đi, nhưng một nhà thơ sẽ đặt những câu hỏi.
Ai vừa qua đời bên kia bản tin?
Ai phí một chăm sóc?
Chao ôi, đất
Lại phải giấu giếm mãi không thôi
Có một cái tên
Bay lên
rồi tan
Tên gì nghe nhàm nhàm
Mọi người có những cái tên nhàm nhàm
Sao không biết chán?
Cả số phận nữa
Nếu nhàm nhàm
Sao không để nó bay lên?
Chết nhạt quá
Bản tin thoăn thoắt quá
Ngày đấy chăng?
Tôi ngồi nhạt quá
Rất bị động
Lẫn lộn giữa mưa tin
Người phát ngôn
Giọng quả quyết
Rằng người có cái tên nhàm nhàm đó đã chết
Sao anh nói say mê thế
Về sự ra đi của một con người?
Tôi ngồi rỗng mặt
Mưa tin tạnh lúc mấy giờ?
(Bản tin cuối ngày)
Những trăn trở về kiếp sống, những câu hỏi hiện sinh như vậy lúc nào cũng lưu trú trong tâm thức của thi sỹ, có cách gì mà tẩy cho sạch được? Hễ gặp cái gì gây cho họ bức xúc, chúng rất dễ sưng tấy, mưng mủ trở lại.
Cụm ý nghĩ, xoắn vào nhau, điên đến nơi
Nhưng tôi thì chưa
Bình tĩnh châm thuốc hút
Thành phố ngủ
Giấc mơ loè loẹt điên loạn
Nó đồng sàng với những người ngủ
Ngay cả đốm đỏ lửa
Trên đầu điếu thuốc
Cũng có vẻ loé điên
Mặt trời rõ điên rồi còn gì
Chực chờ một giấc ngủ sâu thẳm
Tôi bình tĩnh lắm
Hơi run lên ngón tay
Vì cái bóng tôi trên tường
Lẳng lặng chuồn ra những gốc cây
Chúng điên cả rồi
Một vườn ươm những giấc mơ loè loẹt ấy
(Phát điên)
Thời gian chơi với anh Tiến không nhiều nhưng đủ để mình nhận thấy anh là người tự cân bằng rất tốt. Anh ăn nói điềm đạm, lối sống cũng giản dị, tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh ra vẻ ta đây là người nổi tiếng. Anh cư xử với ai cũng chân thành, thân mật nhưng không bỗ bã, vui vẻ nhưng không bốc đồng. Tóm lại là một người nhân hậu, và có lẽ lạc quan, như cái kết này:
Tôi thấy phi lý nhảy dựng lên
Điếu thuốc cuối cùng đã tắt
Buổi sáng lén lút cười giữa đống chăn.
(Phát điên)
***
Trước khi đi Nhật vài tháng, mình gặp anh Tiến trong quán cà phê đầu ngõ vào khu tập thể nhà anh. Mình mang lên gửi anh ít xiền, gọi là cảm ơn công anh giới thiệu cho cái dự án ở Thái Bình. Dự án ấy cuối cùng chẳng đi đến đâu, mình kiếm tý ty, chẳng đáng bao nhiêu nhưng gặp được anh Tiến coi như lãi lớn, chưa kể ba bốn bận đi xe cùng với anh, được anh hát "live" cho nghe mệt nghỉ, toàn bài mới tinh, chưa phát hành bao giờ. Thật, mình chẳng mong anh lao sâu vào nghiệp kinh doanh, bởi như thế đời này sẽ chỉ thêm một doanh nhân hạng quèn mà mất đi một tài năng nghệ thuật hiếm có.
No comments:
Post a Comment