Nguyễn Vĩnh Tiến là một nhân vật 'hot' của báo chí mấy năm nay, kể từ khi "hiện tượng âm nhạc" - Bài hát "Bà tôi" - xuất hiện, rồi không lâu sau đó, bài hát "Giọt sương bay lên" về đầu trong dòng Dân gian đương đại của Bài hát Việt. Những bài báo viết về anh đều na ná giống nhau, gọi anh bằng một dây danh xưng, thường là theo thứ tự: giám đốc, kiến trúc sư, nhạc sỹ, nhà thơ/nhà văn. Mình nghĩ, chính cái danh 'nhạc sỹ' đã có công 'khai quật' mấy cái danh kia lên. Nếu xếp theo số lượng công chúng thì hệ thống danh xưng của anh đúng ra phải như thế này: Nhạc sỹ, nhà thơ/nhà văn, kiến trúc sư, giám đốc. Người ta chỉ biết nhạc sỹ NVT chứ mấy ai biết đến giám đốc NVT, nhưng thời buổi doanh nhân được tung hô quá trời này, có lẽ các bạn phóng viên thấy cứ phải để chức giám đốc lên đầu mới oách?
Phần lớn (chắc phải đến 80-90%) công chúng của nhạc sỹ NVT không phải là công chúng của nhà thơ NVT, chưa từng đọc thơ/văn của anh. Mình cho đó là một điều bất công. Bởi chỗ ngồi của anh trong làng văn học VN không hề thấp hơn, nếu không nói là cao hơn, chỗ đứng của anh trong làng âm nhạc. Âu đấy cũng là cái thiệt thòi của văn học (không phải chỉ ở mỗi xứ ta): Nhạc nhẽo vẫn luôn chiếm vị trí thượng phong hơn trong đời sống văn hóa của người dân so với chữ nghĩa.
Mình biết anh Tiến, theo nghĩa "nghe hơi nồi chõ", từ hồi cấp ba. Hồi ấy báo Hoa Học Trò mới ra, xôm tụ lắm, bài vở của các cây bút học trò nhiều như quân Nguyên, lớp tác giả ấy nhiều người giờ đã thành danh như Nguyễn Thị Châu Giang, Đặng Thiều Quang, Trang Hạ, v.v. Anh Tiến lúc bấy giờ cũng đã có số có má với cái bút danh nghe hơi ái ái 'Tiểu Tuyền Thư' (sau mới biết bố anh tên Tuyền, mẹ tên Thư nên mới đặt bút danh ra thế). Anh đăng cả thơ và truyện ngắn. Mình nhớ nhất bài "Tuổi tôi", một bài rõ là thơ học trò, nhưng có những câu nhiều ông tóc bạc trong Hội nhà văn cũng không viết nổi:
Quê tôi cả thẹn, hay lo
Dòng sông vắng khách, con đò trầm ngâm
Bụi tre thích đứng cười thầm
Giàn bầu, giàn bí thích cầm tay nhau
Con chim sẻ nhớ bẹ cau
Con chào mào lại nhớ màu ổi ương...
Lòng tôi lắm ngách nhiều đường
Trẻ con theo phía trống trường mà đi
Mặt trời vừa giống hòn bi
Lại vừa giống điểm bài thi hôm nào...
Tuổi tôi câu cá bờ ao
Chợt mong chẳng có con nào cắn câu
Tuổi tôi bám chặt lưng trâu
Vượt sông mà ngắm nhịp cầu bắc ngang
Tuổi tôi ra đứng đầu làng
Để xem màu nắng có vàng như hoa?
Tuổi tôi sục sạo khắp nhà
Tìm sao cho đủ tiếng gà ban trưa
Tuổi tôi chạy giữa cơn mưa
Thương con kiến cánh bay chưa kịp về
Tuổi tôi cắt cỏ ven đê
Những khi đầy gánh lại khe khẽ buồn
Tuổi tôi lúc ngắm hoàng hôn
Lo cho diều giấy vẫn còn trên cao
Tuổi tôi có lối rẽ vào
Suốt đời bước thấp, bước cao - Tôi tìm.
Dòng sông vắng khách, con đò trầm ngâm
Bụi tre thích đứng cười thầm
Giàn bầu, giàn bí thích cầm tay nhau
Con chim sẻ nhớ bẹ cau
Con chào mào lại nhớ màu ổi ương...
Lòng tôi lắm ngách nhiều đường
Trẻ con theo phía trống trường mà đi
Mặt trời vừa giống hòn bi
Lại vừa giống điểm bài thi hôm nào...
Tuổi tôi câu cá bờ ao
Chợt mong chẳng có con nào cắn câu
Tuổi tôi bám chặt lưng trâu
Vượt sông mà ngắm nhịp cầu bắc ngang
Tuổi tôi ra đứng đầu làng
Để xem màu nắng có vàng như hoa?
Tuổi tôi sục sạo khắp nhà
Tìm sao cho đủ tiếng gà ban trưa
Tuổi tôi chạy giữa cơn mưa
Thương con kiến cánh bay chưa kịp về
Tuổi tôi cắt cỏ ven đê
Những khi đầy gánh lại khe khẽ buồn
Tuổi tôi lúc ngắm hoàng hôn
Lo cho diều giấy vẫn còn trên cao
Tuổi tôi có lối rẽ vào
Suốt đời bước thấp, bước cao - Tôi tìm.
Bài này mình thích cả bài, trừ hai câu cuối hơi lên gân, kiểu "ông cụ non". Thích nhất là câu "Tuổi tôi câu cá bờ ao/ Chợt mong chẳng có con nào cắn câu", nghe như ca dao!
Nghe tiếng anh từ hồi ấy, nhưng mãi đến năm 2005 mình mới gặp anh, nhờ một chuyện chẳng dính dáng gì đến văn chương cả.
Hồi còn trẻ (hehe), mình có mở một cái công ty tư vấn tư veo, thi công thi kiếc đủ cả. Một hôm, khoảng cuối năm 2005, mình nhận được điện thoại của khách hàng, đề nghị hợp tác một việc như thế, như thế và hẹn gặp để cùng đi xuống hiện trường. Sáng hôm sau, xe công ty ấy đến văn phòng đón mình. Mở cửa ra thấy đầy một xe, lố nhố năm sáu ông ngồi sẵn ở trong. Lên xe, anh giám đốc đưa card, mình đọc thấy "Công ty Kiến trúc Việt-Pháp (T-Group) - Giám đốc Nguyễn Vĩnh Tiến". Đời này chắc chắn phải có ít nhất dăm bảy ông tên là Nguyễn Vĩnh Tiến, nhưng chẳng hiểu sao, lúc ấy mình có linh tính đấy chính là ông nhà thơ học trò ngày xưa. Nghĩ bụng thế, nhưng cũng chẳng hỏi ông ấy, chỉ hỏi công việc. Hóa ra công ty Việt Pháp không phải là khách hàng trực tiếp của mình, mà là một chủ đầu tư ở Thái Bình. Anh Tiến tư vấn phần kiến trúc cho công trình ấy, hiện giờ nó đang có vấn đề về nền móng nên anh phải tìm giúp chủ đầu tư một công ty xuống xử lý, và anh tìm thấy tên công ty mình trong cuốn danh bạ Những trang vàng.
Đoàn xuống Thái Bình trên cái xe 7 chỗ hôm ấy có anh Tiến, một ông bạn của anh, mình, chú lái xe và ba nhân viên của anh. Chẳng mất nhiều thời gian để xác nhận cái linh tính của mình. Xong màn chào hỏi và giới thiệu thông tin dự án với mình, anh chuyển sang nói chuyện với bạn anh và nhân viên về... nhạc. Hôm trước chú Phan Cường bảo anh nên cho phối khí lại bài này bài kia... Cái Ngọc Khuê thích bài này lắm, nó bảo em hát miễn phí cho anh. Bọn ca sỹ nó cũng đói bài hát lắm chứ, gặp được bài nào hay thì cũng tốt cho cả chúng nó nữa... Bọn VTV bảo năm nay có khả năng "Bà tôi" và "À í a" sẽ vào chung kết giải Bài hát của năm... Mình ngồi nghe, hơi ngạc nhiên vì NVT nhà văn bây giờ lại quay ra sáng tác nhạc, và bài "Bà tôi" gì đó của anh nghe chừng rất nổi. Thật, từ khi về nước mình chẳng mấy khi xem ti-vi, hơn hai năm chẳng đọc được cuốn sách nào, chỉ vì máu kiếm tiền quá, lăn lóc hết công trình này đến công trình kia. Sau bữa đi Thái Bình về, mình vào Internet gúc bài "Bà tôi" ra nghe, phê lòi, nhất là đoạn dạo đầu. Vác cả dàn giao hưởng ra đệm cho đàn bầu thì bây giờ mới thấy có một!
Cái bài "Bà tôi" ấy giờ đã nổi tiếng quá rồi, đến nỗi có lẽ ai đọc đoạn thơ:
Cười cười một chuỗi
Trời thử bụng ta
Có mùa thóc lép
Lợp trên mái nhà...
Trời thử bụng ta
Có mùa thóc lép
Lợp trên mái nhà...
cũng đều tự động bật bài hát lên trong đầu, chứ không đọc nó như thơ nữa, cho dù (ít người biết là) nó đã từng đoạt giải thưởng thơ của báo Văn nghệ TPHCM năm 1993. Sự kết hợp giữa ca từ và nhạc của bài hát này nhuần nhuyễn, hoàn hảo tuyệt đối, không hề có dấu vết của một bài thơ được phổ nhạc.
"Bà tôi" không phải là bài hát duy nhất làm được điều đó. Có một bài Tiến già đã tự thu âm và cóp cho mình một bản về nhà nghe (hình như đến giờ vẫn chưa publish) ca từ như thế này:
Đưa em đưa em qua cầu
Anh mang con sông về làm dâu
Xa nhau, xa nhau bao năm rồi
Hoa bèo, xác pháo lạc bờ nao?
Đưa em, đưa em qua cầu
Anh theo con sông chảy về đâu
Ngô non, ngô non đôi bên bờ
Trăng vàng, trăng úa nhạt bờ cau
Bóng tre đã mục
Bóng cầu đã mục
Rêu xanh lên mắt ngóng trông nhau
Bóng sông đã mục
Bóng người đã mục
Còn nguyên tiếng pháo trên cao...
hoặc một bài mà anh dự định đặt tên là "Bóng anh hùng", mở đầu bằng:
Giá như không có chân trời
Giờ này đôi chân không phải ngược xuôi
Giờ này vui như nước chảy qua cầu
Vui như
Nụ cười đã loãng ra cùng mùa xuân.
Giá như không có tâm hồn
Giờ này vui như sóng vỗ từng cơn...
Mình dám chắc những đoạn ca từ ấy vốn là những khúc thơ anh viết từ trước, nhưng không hỏi anh, bởi hỏi thế chẳng khác gì chỉ chăm chăm vào ca từ mà không thấy cái hay của nhạc. Những bài hát ấy, chẳng cần đến lời, cũng đã là những khúc nhạc rất đẹp, tràn ngập âm hưởng dân gian.
Chất dân gian trong nhạc NVT thì đã rõ rồi (chẳng thế mà được xếp vào dòng Dân gian đương đại), nhưng chất dân gian trong thơ NVT thì còn rõ hơn. Người, vật và sự việc trong nhiều bài thơ của anh đều rất đỗi gần gũi, thân thuộc, gắn bó với đời sống nông thôn, với văn hóa làng xã:
Có mùa thóc lép
Lợp trên mái nhà
Có mùa hoa cà
Tự nhiên tím tái
Bà ví lông gà
Vàng như vườn cải
Ông ví mặt trời
Như lời mối lái
Có mùa hoa cà
Tự nhiên tím tái
Bà ví lông gà
Vàng như vườn cải
Ông ví mặt trời
Như lời mối lái
Ta ví tình ta
Như trò nghịch dại
(Héo mòn một xâu)
hay:
Những con chồn hoang
Đêm đêm mò về làng
Mắt như sao rơi xuống đất
Mỗi chiếc lông rụng
Mang theo một hạt bụi
Của núi đồi
Đêm đêm mò về làng
Mắt như sao rơi xuống đất
Mỗi chiếc lông rụng
Mang theo một hạt bụi
Của núi đồi
(Chồn hoang)
hay:
Tôi đáng lẽ đã thấy chuyến đò định mệnh
Nếu không lạc vào những tiếng chuông trên mặt nước
Rồi đuổi theo em áo vàng trong cánh đồng ngô
Bắp tròn hạt mẩy
Nếu không lạc vào những tiếng chuông trên mặt nước
Rồi đuổi theo em áo vàng trong cánh đồng ngô
Bắp tròn hạt mẩy
(Trung du)
NVT đã khai báo cái lai lịch "Tôi sinh ra ở nông thôn" (@Nguyễn Huy Thiệp) bằng những câu thơ như thế này:
Những vết roi của cánh đồng
Lằn mãi phía tôi đi
Một tuổi thơ chân không ấm ức
Bà tôi chỉ phía cánh đồng sáng rực
Bảo rằng, nơi ấy mặt trời
Đang rèn những lưỡi cày sáng loáng
Để xới tung lên những kiếp người.
Ai sẽ đánh luống cho cuộc đời tôi?
Để mỗi sớm mọc lên một mầm cây bé tí
Ai sẽ be bờ cho dòng chảy tôi?
Một con mương trong xanh không nghỉ.
Lằn mãi phía tôi đi
Một tuổi thơ chân không ấm ức
Bà tôi chỉ phía cánh đồng sáng rực
Bảo rằng, nơi ấy mặt trời
Đang rèn những lưỡi cày sáng loáng
Để xới tung lên những kiếp người.
Ai sẽ đánh luống cho cuộc đời tôi?
Để mỗi sớm mọc lên một mầm cây bé tí
Ai sẽ be bờ cho dòng chảy tôi?
Một con mương trong xanh không nghỉ.
(Những vết roi của cánh đồng)
(Còn 1 kỳ nữa)
P/S: Một số bài thơ của anh Tiến phát trên Đài tiếng nói VN (lâu lắm rồi):
No comments:
Post a Comment