Những vết tích của hội "Ý tưởng mới" từ lâu đã biến mất khỏi phòng khách nhà Kazuhito, ngoại trừ cái thố đan bằng cói để bên ghế bành mà bà Chikako giữ lại để đựng những tờ tạp chí, nhưng bà Chikako thì vẫn là một thành viên tích cực của hội. Bà vẫn dự đầy đủ những buổi gặp mặt của hội, và đôi khi đóng góp những ý tưởng hay. Buổi giao lưu trà đạo lần này chính là một ý tưởng của bà.
Địa điểm được chọn là nhà riêng của bà Sato hội trưởng, cách nhà Kazuhito không xa. Ông Sato là giám đốc một bệnh viện tư, là bạn chơi golf với ông Fusao.
Ông bà Fusao đi sang nhà Sato từ đầu giờ chiều để phụ giúp công việc chuẩn bị. Yosuke ở nhà, anh đợi điện thoại của Liên để đón cô ở nhà ga và sẽ đến sau. Mong mỏi là một từ không đủ mạnh để miêu tả tâm trạng của anh lúc này. Nếu nhìn thấy anh đứng ngồi bứt rứt trong phòng suốt cả buổi sáng, người ta dễ dàng liên tưởng đến một con chó bị ong đốt ở mông.
Thoáng thấy Liên ra khỏi cửa ga, Yosuke đã nhận ra cô vừa mới cắt tóc. Mái tóc của cô đã được cắt ngắn đi một nửa.
- Tớ vừa nhận một công việc chạy bàn bán thời gian trong một tiệm ăn - cô giải thích với Yosuke trên đường đi - Để tóc dài thì rất vướng nên tớ vẫn phải buộc lên. Vả lại, sau mỗi buổi làm tớ lại phải gội đầu cho hết mùi thức ăn ám vào, cắt gọn bớt thì gội đầu sẽ đỡ mất thời gian hơn.
- Như thế này trông cậu năng động hơn - Yosuke nói. "Và vẫn đẹp như trước", anh nghĩ bụng, nhưng không dám nói ra. Khiếm khuyết lớn của một người đàn ông là không dám tán thưởng nhan sắc của phụ nữ trước mặt họ. Yosuke hình như đã đọc được câu ấy ở đâu đó, nhưng anh không hoàn toàn đồng ý. Giống như nhiều đàn ông Nhật, anh khá cả thẹn trước phụ nữ.
Cơ ngơi của ông bà Sato rất đồ sộ. Ngôi nhà ba tầng sơn màu trắng có hai gara, để được bốn chiếc xe. Phía trước nhà và hai bên lối vào trồng cây triêu nhan có hoa màu hồng và trắng, được cắt tỉa gọn ghẽ.
Bà Sato là một nghệ nhân. Bà dẫn Liên và Yosuke vào phòng khách, cho họ xem những tấm thiệp được bà vẽ bằng màu nước và những tấm thiệp ảnh chụp cận cảnh hoa lá. Liên rất thích những chiếc khay gỗ xinh xắn sơn màu sáng dùng để trang khí phòng khách và các bức tranh thêu cườm rất tỷ mỷ mà theo bà Sato, phải mất hàng tuần mới hoàn thiện được một bức.
Trà thất nằm cạnh phòng khách. Đó là căn phòng duy nhất trong ngôi nhà được trần thiết theo kiến trúc truyền thống Nhật Bản, sàn nhà lát bằng chiếu tre, các bức vách và cửa trượt đều có khung gỗ và căng giấy cứng. Khoảng hõm tokomona nằm bên tay trái, trên tường có treo một bức trướng rộng cỡ hai bàn tay viết chữ "Hòa". Dưới bức trướng là một lọ hoa hình chữ nhật bằng gốm màu đen. Lối cắm hoa chabana dùng trong trà thất có nguồn gốc từ nghệ thuật ikebana nổi tiếng của người Nhật, nhưng được đơn giản hóa đi nhiều để đạt được sự thanh thoát, gần gũi với thiên nhiên, như tôn chí của trà đạo.
Ngoài gia đình Kazuhito còn có bốn gia đình khác nữa được mời. Các vị khách lần lượt ngồi xuống theo ba cạnh của hình chữ nhật, cạnh còn lại chính là lối đi từ cửa phòng vào đến chỗ đặt lò. Lò đun bằng than củi, nhưng không thấy khói, cũng chẳng ngửi thấy mùi khói. Bà Chikako mặc áo yukata màu xanh da trời có họa tiết sóng biển trắng xóa, đang quỳ trước lò đun nước. Từ phía sau, Liên thấy trong mái tóc vấn cao của bà có đôi sợi bạc. Chợt Yosuke quay sang hỏi nhỏ, “Liên dự trà đạo bao giờ chưa?”. Liên lắc đầu. Cô chỉ mới có một lần xem trên ti-vi, và đã ái ngại trước những thủ tục rườm rà và máy móc của một buổi trà đạo, những nghi thức quá đỗi xa lạ đối với cô. Nhưng lúc này cô không có cảm giác ấy. Bên cạnh cô là Yosuke. Không biết từ lúc nào, cô thấy lòng mình thật yên ổn mỗi khi ngồi bên anh.
Từ cửa, bà Nagashima, một trà nhân khác, đi vào. Bà quỳ gối, đặt xuống trước mặt ông Fujita ngồi ngoài cùng một khay sơn mài đựng những chiếc bánh vuông vức, dường như được xén ra từ cùng một cái bánh to. Bà duỗi hai tay ra phía trước, rồi gập người xuống sát mặt chiếu, nói, “Xin mời ông thưởng thức bánh”. Đáp lại bà Nagashima, ông Fujita cũng làm đúng như thế và nói “Xin cảm ơn”.
Không phải mọi người Nhật đều thông thuộc các nghi thức của trà đạo. Ông Fujita là một ví dụ. Bà Nagashima phải chỉ cho ông cách dùng miếng cật tre để cắt bánh trong đĩa và đưa lên miệng. “A, hóa ra là vậy!”, ông Fujita nói một cách hồn nhiên, khiến mọi người bật cười.
Bà Nagashima chuyển đĩa bánh sang người kế tiếp và lặp lại mọi nghi thức đã làm trước đó với ông Fujita. Cứ như thế cho đến lượt Liên, rồi Yosuke nhận bánh. Đó là một loại bánh làm bằng đậu đỏ, ngọt gay gắt, đến mức ăn xong bánh, người ta lập tức cảm thấy khát nước.
Nước trong siêu sôi liu riu. Bà Chikako mở nắp siêu, múc nước bằng một chiếc gáo tre nhỏ, rót vào cái bát đã bỏ sẵn bột trà xanh xay nhuyễn, khuấy nhẹ mấy vòng cho trà tan hết. Tất cả những việc ấy, bà đều làm bằng một tay, vì tay trái được dùng để đỡ lấy ống áo rộng của tay phải. Bà Nagashima nhận lấy bát nước và mang đến mời ông Fujita giống như cách bà mời bánh. “Thật là quá quắt!” – một người ngoại quốc có thể sẽ nghĩ – “phải quỳ lạy đến hai lần mới được một miếng bánh bé tẹo với một hớp nước”, nhưng nếu người đó đến đất nước này và chứng kiến người Nhật cúi chào nhau tới dăm bảy lượt trong mỗi lần gặp gỡ thì sẽ thấy những nghi lễ của trà đạo là cần thiết. Đối với người Nhật, biểu lộ sự tôn kính không bao giờ là thừa, dù là đối với con người hay đối với thiên nhiên, hay đồng thời cả hai, như mỗi lần trà nhân và khách cúi lạy nhau trong buổi thiết trà: Bánh và trà bao giờ cũng được đặt ở giữa, trước mặt họ. Chúng chính là biểu tượng của sự sống, là ân hưởng của thiên nhiên dành cho con người. Cúi lạy, trước hết là để tỏ lòng biết ơn trước cuộc sống và sự Thiêng liêng đã tạo ra nó, rồi mới đến người đang đối diện với ta, người chia sẻ với ta khoảnh khắc này. Nếu nói trà đạo là một nghi lễ tôn giáo cũng không sai, bởi khởi nguyên, trà chỉ được dùng để dường cúng Phật. Các nhà sư Nhật Bản hàng trăm năm trước đã sáng tạo ra trà đạo, như một phần của Đạo, và nó chỉ được tiến hành trong khuôn khổ nhà chùa. Giới quý tộc đã đưa nó về trai thất của tư gia, rồi từ đó trà đạo đã thấm vào đời sống của bách tính. Nét đẹp khác biệt của trà đạo so với những nghi lễ tôn giáo khác là sự giao cảm giữa những người tham dự, thay vì sự tụng niệm một chiều của kẻ tu hành đối với thánh phật của họ.
Trà đã được mang đến cho Liên. Cô bắt chước những người ngồi trước làm các động tác cúi chào khá thuần thục, tuy không chắc là tư thế tay của mình có hoàn toàn đúng hay không. Cô nâng bát trà lên ngang mặt và đặt nó vào lòng tay trái, rồi quay sang Yosuke nói nhỏ: "Tớ phải xoay bát mấy vòng?". "Hai lần", Yosuke đáp, "Và dừng lại ở chỗ nào có hoa văn đẹp nhất". Bát uống trà bằng gốm men sần, màu nâu bóng, những chỗ có hoa văn vẽ các hình vuông lồng vào nhau được tráng men bóng màu ngọc. Nước trà cũng có màu xanh ngọc, trên mặt nổi rất nhiều bong bóng. Liên có cảm giác những cái bọt mỏng ấy vỡ lách tách trong miệng cô. Cô không có ấn tượng gì đặc biệt về hương vị của trà. Đó là một thứ trà rất nhạt, và chắc chắn sẽ không gây cho ai mất ngủ.
Yosuke là người cuối cùng được uống trà. Khi cậu uống xong, bà Nagashima thu dọn khay bát và mang xuống bếp. Liên để ý thấy bà dịch chân, xoay người sang phải một chút rồi mới đứng dậy, và khi bà bước đi, cả bàn chân đều chạm đất, vì thế nói đúng hơn là thay vì bước, bà đang rê chân trên chiếu. Mỗi bước đi của bà phát ra tiếng xoàn xoạt, cho đến khi bà ra khỏi trà thất.
Khi buổi lễ kết thúc, Liên không thể tự mình, mà phải vịn tay Yosuke mới đứng lên nổi. Cả hai chân cô đều tê rần, không có cảm giác gì, hậu quả của việc xếp chân quỳ quá lâu. "Ôi, lần sau thì tớ sẽ không ngồi kiểu seiza này nữa đâu!", Liên ngượng nghịu nói với Yosuke. Thực ra, cô đã có thể ngồi theo kiểu nào tùy ý, giống như những người đàn ông, nhưng vì thấy tất cả phụ nữ trong phòng đều quỳ nên cô không muốn làm khác.
"Cậu đi lại một chút là sẽ hết ngay thôi mà", Yosuke nói, "Cậu có muốn đi dạo một lúc không?".
Họ ra khỏi nhà và đi về phía núi. Nắng không còn gay gắt như buổi trưa, nhưng cái nóng thiêu đốt thì vẫn còn hầm hập. Hai bên con đường đất đi lên núi, thỉnh thoảng họ lại gặp vài vạt cỏ khô rạc và những mảng rêu cong bong ra khỏi mặt một tảng đá lớn bạc phếch. Ve kêu inh ỏi. Một con ve núp trong bụi keo bên đường đột ngột réo lên, âm thanh của nó kéo thành từng sợi mỏng, căng đét tưởng như có thể sờ thấy từng sợi một. Đến chỗ cao trào, tiếng réo của nó chuyển sang giọng kim, âm lượng nhỏ nhưng nhọn hoắt, chích vào màng nhĩ người ta không chút thương xót.
- Bọn ve mồm miệng khiếp thật - Yosuke lẩm bẩm - Nghe mà muốn phát điên.
- Hay chứ - Liên nói - Chúng làm nhớ tới mùa hè cuối cùng của thời trung học. Nhớ lắm ấy! Chúng tớ tặng nhau những bông phượng ép vào vở. Đấy là một loài hoa màu đỏ rực, đỏ hơn bất cứ loài hoa nào, chỉ nở vào mùa hè. Ở Nhật không có, nhưng ở Việt Nam thì rất nhiều, ở đâu cũng có thể bắt gặp nó. Bọn con gái chúng tớ tìm những bông hoa phượng đầu tiên để hái và cho vào vở ép. Đến lúc bế giảng năm học thì chúng cũng vừa khô, nhưng màu đỏ của chúng thì vẫn thế. Đỏ rực. Chúng tớ xếp những cánh hoa đỏ ấy thành hình trái tim, hình đôi môi hoặc những hình khác đại loại thế. Lúc chia tay nhau, chúng tớ lấy những tấm hình ấy ra tặng nhau, đứa nào cũng khóc. Chẳng có đứa nào không khóc cả, cậu có tin không? Nghe sướt mướt quá, phải không, nhưng sự thực đúng là như thế đấy.
- Thời trung học của tớ - Yosuke nói - Chẳng có cái gì đáng nhớ cả. Thậm chí còn rất tồi tệ nữa là đằng khác.
- Sao lại có thể như vậy được? - Liên kêu lên - Tớ thấy những người bạn thân nhất của mình là từ thời trung học. Chúng tớ cứ như chị em của nhau ấy, học cùng nhau, đi chơi cùng nhau, cái gì cũng có thể chia sẻ với nhau được. Lên đại học, tớ cũng có những người bạn mới, nhưng hình như mỗi người đều có những mối quan tâm riêng, chẳng hết lòng như thời trung học được nữa.
- Trong đời, tớ chỉ có hai người bạn - Yosuke nói - Một người tên là Sagawa. Cậu ấy chơi với tớ từ nhỏ, cho đến khi chúng tớ học lớp 5, gia đình cậu ta chuyển lên Yokohama. Lên trung học thì tớ chỉ chơi với thằng Morinaka. Cậu ấy không giống tất cả những người khác. Cậu ấy có những sở thích riêng và ít khi đàn đúm với đám đông. Tớ cũng thế. Mới đầu, hai đứa chúng tớ cứ như hai cái dép lạc, mỗi cái một góc nhà, chẳng đứa nào nói chuyện với đứa nào, cũng chẳng nói chuyện với ai khác. Một bữa, giờ giải lao, tớ ngồi trong lớp đọc sách, nếu tớ nhớ không nhầm thì đấy là cuốn "Tà dương" của Osamu Dazai, thì Morinaka đến bên cạnh tớ, hỏi "Cậu đọc gì đấy?". Tớ chìa sách cho cậu ta xem, cậu ta bảo "Hôm trước tớ cũng vừa mới đọc nó. Tớ còn mấy cuốn nữa của Osamu Dazai, nếu cậu thích thì tớ cho mượn". Đấy, mọi chuyện bắt đầu như thế.
Liên và Yosuke đã lên đến chỗ nghỉ chân trên đỉnh núi. Chỗ ấy, người ta dựng một cái mái che, kích cỡ bằng một cái nhà chờ xe buýt, bên dưới kê hai băng ghế bằng bê tông được sơn phết trông như làm bằng gỗ. Từ chỗ ấy nhìn xuống, có thể nhìn thấy một nửa hồ Biwa, một nửa kia bị một quả núi khác che khuất. Lên cao, gió nhiều hơn và mát hơn. Liên gỡ dây buộc tóc, xõa chúng xuống trước ngực bên phải và se chúng giữa những ngón tay.
- Cậu vẫn còn gặp Morinaka chứ? - Liên nói.
- Không. Cậu ấy chết rồi - Yosuke đáp lại.
- Sao lại chết? - Liên thảng thốt.
- Cậu ấy tự sát - Yosuke nói - Cậu ấy lên tàu đi Wakayama, ra mũi Shirahama và nhảy xuống. Chỗ ấy vách núi nhô ra biển rất cao. Nhảy xuống là chết chắc.
- Nhưng tại sao cậu ấy lại làm thế?
- Tớ cũng không rõ - Yosuke nói - Chẳng ai biết rõ. Cậu ấy không để lại thư tuyệt mệnh. Nhưng tớ nghĩ là do cậu ấy buồn chán. Cậu ấy thường nói với tớ, cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả, và muốn biết cái gì sẽ xảy ra sau khi chết đi. Đôi khi, tớ cũng có ý nghĩ ấy.
Liên rùng mình. Cô bị sốc khi nghe Yosuke nói câu ấy, cô quay sang nhìn anh. Yosuke vẫn ngồi thẳng, có vẻ như đang dõi theo mấy cánh buồm trắng đi lại trên hồ. Liên nắm lấy cánh tay Yosuke, như muốn níu giữ một cái gì sắp sửa tuột đi mất. Yosuke quay sang, gỡ tay cô và giữ nó lại trong tay mình.
- Đừng sợ, Liên - Anh hơi nhoẻn cười - Quả là trước đây tớ thường có ý nghĩ bệnh hoạn ấy. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Có điều là gần đây, tớ lại mắc phải một chứng bệnh khác, bệnh tương tư. Chẳng hiểu sao tớ nhớ Liên rất nhiều, và chỉ mong được gặp cậu. Tớ nghĩ là tớ yêu cậu mất rồi.
Liên run lên. Cô muốn khóc, nhưng không thể. Cô gục vào ngực anh. Cô cũng không thể nói nên lời, rằng cô nhớ anh biết bao. Cuộc sống của cô ở Nhật đang phải trải qua những khó khăn quá sức chịu đựng, điều mà cô chưa thổ lộ với ai. Không ai biết những lúc cô ngồi trong bóng tối hàng giờ, khóc, nhưng nỗi khổ tâm của cô không vơi đi cùng nước mắt. Cô căm hận, cô nguyền rủa những kẻ đã gây ra bi kịch cho cô, cho gia đình cô. Nhưng lời nguyền rủa của cô không thể đến tai chúng, không giết được chúng. Những con quỷ đội lốt người ấy vẫn sống nhơn nhơn. Thế giới này đầy rẫy những con quỷ như thế. Cô chực nguyền rủa cả thế giới, nhưng kịp dừng lại khi nhớ đến những gì anh đã nói với cô trong những lần họ gặp nhau. Anh đã đọc cho cô rất nhiều thơ. Chúng lấp lánh như những viên kim cương, và hễ cô nhớ đến anh và những câu thơ của anh, cô thấy lòng mình rung lên như trăm ngàn chuông nhỏ. Lúc ấy, cô tin, đâu đó, trong cuộc đời này, vẫn có những điều kỳ diệu.
Ví dụ như tình yêu.
のです and Economic Conditions for Writers in Japan
3 weeks ago
Trà đạo của Nhật có nhiều kiểu anh nhỉ? Tựu chung lại là phức tạp quá. Em đi 1 lần và về cũng đau hết cả chân huống hồ gì cặp giò mềm mại của em Liên. he he he.
ReplyDeleteEm Liên chết Kaz vì Kaz biết thơ văn rồi. Những nhà thơ thường xâu sắc và tinh tế.
Có 1 thắc mắc nhỏ là, tại sao em Liên lại có những khó khăn quá sức chịu đựng ở Nhật nhỉ? Lại còn căm hận đời nữa chứ, đặc biệt là những kẻ gây ra cho gia đình cô. Như vậy có phải ẩn ý nói về cuộc sống ở Việt Nam không?.
Chuyện còn dài, chú Nam cứ bình tỉnh, bình tỉnh, hehe..
ReplyDeleteChương 13 dài quá!
ReplyDeleteĐọc mãi mới xong. Yosuke tự mình từ bỏ ý định tự tử trước khi gặp em Liên, có lẽ đây cũng là một tín hiệu tốt cho thấy một bộ phận trong giới trẻ Nhật Bản đã thay đổi những ý tưởng điên rồ khi đi tìm xem điều gì sẽ xảy ra sau cái chết.
Tình yêu - điều kỳ diệu mà Liên đang nghĩ đến! Sau một loạt biến cố xảy ra với gia đình cô, cô nguyền rửa tất cả! Cô định sẽ nguyển rủa cả thế giới nếu như không gặp được Yosuke! Qua đây cho thấy tài năng thơ ca của Yosuke không phải là bình thường à nha! Thay đổi niềm tin của một con người không phải là một chuyện đơn giản. Nhưng có lẽ chính tình yêu mãnh liệt của Yosuke dành cho cô, cộng hưởng với nhịp đập thổn thức của con tim Liên đã làm cho cô thấy cuộc sống này còn nhiều điều kỳ diệu.
Em thấy chuyện bắt đầu ly kỳ rồi đây, và câu chuyện sẽ không thể chỉ dừng lại câu chuyện về tình yêu không biên giới đâu! Chờ xem...
Thế thôi ạ! Giờ em bắt sâu ạ:
Para 1: "cái thố ĐAN bằng cói"
Para 9: "ngôi nhà CÓ TRẦN ĐƯỢC THIẾT KẾ theo..."
Tóc em Liên được cắt ngắn đi một nửa, Yosuke nhìn thấy từ xa..... Liên gỡ dây buộc tóc .. xõa xuống ngực phải, hihi tóc em Liên chắc trước khi cắt dài lắm nhỉ?
Namazu: đại ca XÂU hết mấy cái sắc lại à?
Sorry bros...hí hí
@Thú: Cám ơn ông em lọ mọ đi bắt sâu cho anh.
ReplyDelete- Cái thố: Đã sửa
- Trần thiết = Decorate. Từ này cổ, nhưng nghe hay hơn "trang trí" nên anh dùng.
- Tóc cái Liên trước dài tới mông, cắt đi một nửa vẫn còn dài lắm. Không tin chú đi gặp nó mà xem, hehe..
Ha ha! Mong được gặp cái Liên để xem tóc em ấy!
ReplyDeleteHihi!Từ cổ bro dùng làm em bị nhầm! Tẽn vãi hàng! Chờ Kaz 14 của bro!
Hôm qua oách phỏm ở Yoshida,được nghe các lão làng trên đó thảo luận về truyện của tiểu thuyết gia Huy Bầu, mới thấy dân tình vào blog của huynh nhiều phết đấy.
ReplyDeleteHọ đang âm thầm chờ đợi các tập tiếp theo của Kaz.
Đề nghị các bro không dùng "cái" và "nó" để chỉ 1 người phụ nữ đẹp như Liên. Ở quê tôi dùng vậy là oách nhau rồi đấy nhé.
@Diện thú: He he, cám ơn đệ. Đúng là chuyên gia đi bắt sâu.Chắc rau vợ con ở nhà trồng trên Facebook tốt um rồi nhỉ.hi hi hi.
Nghe có vẻ là em Liên vẫn ở Nhật roài. Khi nào Diện thú đi gặp thì cho Namazu bám càng nhé. Để xem tóc tai, mông má thế nào. ke ke ke.