Tuesday, May 12, 2009

Kaz (5) - Liên

Kaz không phải là một đứa ngỗ nghịch, nhưng là một thằng bất trị. Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế đúng là như thế. Hồi bé, nó là một đứa ít nói, hơi rụt rè và hoàn toàn không thích những trò chơi hiếu động của bọn con trai. Tuy thế, nó không nghe lời người khác một cách dễ dàng. Bố mẹ nó, ông Fusao và bà Chikako, thường xuyên phải nén nhịn trước sự ương ngạnh của nó. Bà Chikako còn nhớ rõ sự cố chiếc cặp có hình chuột Mickey mà bà đã chọn lựa rất kỹ và mua cho nó trước hôm nó đi học buổi đầu ở trường mẫu giáo. Thằng bé Yosuke mới lên bốn đã nhất quyết không chịu mang chiếc cặp ấy chỉ vì không thích cái quai đeo màu vàng. Hôm sau bà Chikako đã phải đưa nó đi siêu thị và để nó tự chọn lấy một chiếc khác, một chiếc màu trắng tinh và không có bất cứ hình vẽ nào trên đó.

Sau sự cố đó, bà Chikako trở nên chú ý hơn đến tính cách thằng bé. Hàng ngày, bà thường đến trường đón con sớm để có thì giờ hỏi han các cô giáo về hoạt động của nó ở trường. Sự cẩn thận của bà có phần thái quá, bởi theo lời các cô giáo thì Yosuke hoàn toàn bình thường như mọi đứa trẻ khác, ngoại trừ việc nó rất ghét màu vàng (không hiểu tại sao!) và thích chơi tha thủi một mình. Sự quan tâm quá mức của bà Chikako có nguồn gốc từ bố đẻ của bà, một giáo sư có tiếng tăm của trường Đại học Tokyo. Bà Chikako tốt nghiệp đại học ngành hóa, và từng làm cho Trung tâm nghiên cứu của hãng mỹ phẩm Shiseido trước khi nghỉ việc để chăm thằng Yosuke và làm việc nhà.

Gia đình Kazuhito sống ở tỉnh Shiga, nằm kế bên phủ Kyoto về phía đông. Ngôi nhà của họ cách hồ Biwa, hồ lớn nhất Nhật Bản, khoảng hai cây số. Đó là một ngôi nhà hai tầng được xây vào khoảng đầu những năm 1980, kiến trúc kiểu châu Âu. Ông bà Kazuhito mua căn nhà này khi công ty cử ông về làm kỹ sư trưởng cho trạm kỹ thuật thành phố Otsu, thủ phủ tỉnh Shiga. Lúc đó thằng Yosuke đang học lớp 2. Ngôi nhà nằm trên một lô đất rộng chừng một trăm mét vuông và không có nhiều khoảng thoáng, ngoại trừ mảnh vườn nhỏ nằm bên trái lối vào, chỉ đủ để kê một cái ghế băng cho hai người ngồi chơi. Bên phải lối vào là nhà để xe có mái nhưng không có cửa – xe nhà từ ngoài đường có thể lùi thẳng vào ga-ra mà không gặp trở ngại nào cả. Kiểu nhà để xe này rất phổ biến ở Nhật. Hầu hết ga-ra của các nhà xung quanh cũng đều giống như vậy. Hàng xóm nhà Kazuhito phần lớn là công chức, trong đó có vài vị giáo sư của trường Đại học Kyoto. Tuy nằm ngoài phủ Kyoto nhưng thành phố Otsu chỉ cách trung tâm Kyoto hai mươi phút đi tàu, việc đi lại giữa hai thành phố rất thuận tiện. Trong khi đó, giá nhà đất ở Otsu lại thấp hơn hẳn. Vì thế, nhiều người làm việc ở Kyoto có thu nhập khá một chút thường sang vùng này tìm mua những căn nhà trong các khu dự án xây dựng đô thị, từng mọc như nấm quanh bờ hồ Biwa trong suốt một thập kỷ, cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 1991.

Cuộc khủng hoảng kéo dài đã làm suy giảm đáng kể sức mạnh kinh tế của đất nước, nhưng không mấy ảnh hưởng đến đời sống của người dân Nhật. Là một chuyên viên cao cấp của hãng NTT, ông Fusao được hưởng mức lương đủ cho cả gia đình sống sung túc. Tuy nhiên, công việc của ông khiến ông không mấy khi có mặt ở nhà. Ông thường ra khỏi nhà vào 8 giờ sáng và trở về sau 10 giờ khuya, kể cả ngày thứ Bảy. Và mấy năm gần đây, từ khi ông được thăng lên chức vụ giám đốc một văn phòng nằm ở phía bắc Kyoto thì ông chỉ về nhà vào ngày Chủ nhật, còn trong tuần ông ở lại nhà tập thể của công ty.

Ngày Chủ nhật hôm ấy, trong bữa trưa, bà Chikako thông báo cho cả nhà đến tối sẽ có khách, một người mà bà gọi là con nuôi. Bà Chikako khi rảnh rỗi vẫn thường tham dự các hoạt động xã hội do thành phố tổ chức. Tháng trước, bà ghi tên vào Hội các gia đình đỡ đầu sinh viên quốc tế của vùng Kansai, một hội phi lợi nhuận, trong đó những người tham gia sẽ được giới thiệu với một vài sinh viên nước ngoài đang học tại một trường đại học trong vùng để nhận đỡ đầu. Trên thực tế, mục đích chính của hoạt động này chỉ là tạo ra những cơ hội để sinh viên ngoại quốc cho thể thâm nhập vào đời sống của người Nhật, giúp họ hiểu hơn về xã hội, văn hóa Nhật Bản, bởi những sinh viên được đỡ đầu sẽ không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào về mặt vật chất.

Bà Chikako rất hứng khởi về việc sắp có thêm một đứa con. Bà đã từng muốn có thêm một đứa con gái, nhưng ông Fusao không ủng hộ bà vì nhiều lý do, trong đó có việc ông thường xuyên vắng nhà và hay phải thuyên chuyển chỗ làm việc. Vì thế, hôm nay bà Chikako cảm thấy ước muốn sâu xa của mình bấy lâu nay đã được đáp lại, cho dù "đứa con" này không phải do bà mang nặng đẻ đau, thậm chí bà hầu như còn chưa biết gì về nó, bà chỉ mới gặp và nói chuyện với Liên - tên đứa con nuôi của bà - được khoảng nửa tiếng trong buổi gặp gỡ của Hội đỡ đầu, nhưng bà có linh cảm giữa bà và con bé đã có một sự gắn bó từ trước, một thứ duyên phận. Bà đã vui đến nôn nao khi nghe con bé gọi bà là "mẹ" trong buổi gặp gỡ. "Một đứa con gái rất xinh xắn, ông ạ" - bà Chikako bảo chồng - "Trông nó hiền dịu và ngoan ngoãn nữa". Bà nói với niềm hãnh diện thực sự, như thể một bà mẹ đang khoe con gái mình với người hàng xóm.

Thằng Yosuke nghe mẹ nó nói với vẻ thờ ơ. Lại thêm một trò giết thời gian của các bà vợ ở nhà nấu cơm chờ chồng và không biết làm gì cho hết ngày. Cách đây không lâu, có một dạo mẹ nó tham gia vào Hội Ý tưởng mới. Hoạt động của hội bao gồm việc các hội viên luân phiên đến nhà nhau tham quan và góp cho nhau những ý tưởng trang trí nội thất "để đánh thức những cung bậc mới của cuộc sống" - theo lời ghi trên tờ bướm của hội. Sau mấy đợt hội đến nhà nó tham quan, đồ đạc trong nhà đảo lộn tùng phèo, chỗ này đặt cái thố bằng tre đan chẳng để đựng gì, chỗ kia để một bình hoa giả sản xuất ở Trung Quốc thường thấy bán trong cửa hàng đồng giá "100 yên". "Ý tưởng mới" hiện diện trong phòng khách và bếp được ít lâu, rồi lần lần theo nhau biến mất, vì bà Chikako tự mình phải sắp xếp lại theo thói quen sử dụng của bà trong ngôi nhà này từ mấy chục năm nay. Phải điều chỉnh thói quen của mình là một việc chẳng ai muốn làm, kể cả những thói quen được cho là xấu, chẳng hạn thói quen hút thuốc lá của ông Fusao. Ông Fusao không nghiện thuốc lá, ông chỉ hút theo thói quen. Ông có thể mải mê công việc cả ngày quên cả hút thuốc, nhưng khi hết việc hoặc lúc ngồi nghỉ thì ông lại rút thuốc lá ra hút vài điếu, trước khi quay sang việc khác. Ngày chủ nhật ở nhà của ông bao giờ cũng có một khoảng thời gian dành cho việc ngồi ngoài hiên hút thuốc, ngắm mấy chậu cây lèo tèo, đủ mọi kích cỡ lớn bé để dọc chân hàng rào. Ông có thể ngồi ngắm trời ngắm đất như thế hàng tiếng đồng hồ, nếu bà Chikoko không gọi đến ông. Bà đang từ trong bếp đi ra phòng khách để nghe điện thoại. "Chắc con bé Liên gọi từ nhà ga đấy, ông vào chuẩn bị đi" - bà nói, rồi đi vụt ra phòng khách. Ông Fusao dụi điếu thuốc đang hút dở, đứng dậy đi vào buồng thay áo.

Năm phút sau, hai ông bà ngồi vào chiếc xe BMW mới tinh và chạy về hướng nhà ga.

***

Liên đứng chờ ở bến xe buýt trước cửa ga một lúc thì ông bà Fusao và Chikako đến. Bà Chikako nhận ra cô từ xa. Bề ngoài, cô không có gì khác biệt các cô gái Nhật, ngoại trừ mái tóc đen nhánh, dài đến eo lưng. Bà Chikako bảo đó là kiểu tóc của thời con gái, nhiều bạn học của bà cũng có mái tóc như vậy, chỉ có điều không được suôn mượt như của cô. Vì thế, lúc gặp cô trong buổi giao lưu bà thấy thương liền. Mái tóc của cô lập tức gợi lên trong lòng bà một chuỗi hồi tưởng đẹp đẽ về tuổi thanh xuân đã đi qua nhanh như bóng nắng trên sân chùa.

Ông Fusao dừng xe ngay trước mặt Liên.

- Chào mẹ!
- Chào Liên! - Bà Chikako quay sang ông Fusao, bảo - Đây là bố Fusao.
- Chào bố! - Liên nói lí nhí, cảm thấy hơi ngường ngượng, bởi đây mới là lần đầu tiên cô gặp ông. Gọi một người lạ bằng bố thật không dễ. Với bà Chikako thì khác, cô đã nói chuyện với bà, đã nhận nhau là mẹ con từ trước.

Ông Fusao nhận ra vẻ ngượng ngập của Liên. Ông cười lành hiền, rồi bảo Liên lên xe.

Bấy giờ là cuối tháng Tư. Đã qua mùa hoa anh đào, hai bên đường chỉ có những cây mận nở hoa trắng. Lúc xe dừng ở một ngã ba để chờ đèn xanh, Liên thấy trong vườn ngôi nhà nằm ở góc đường một cây bích đào cổ thụ nở những chùm hoa đỏ thẫm, to bằng miệng chén. Xen lẫn giữa những đóa hoa đỏ có vài đóa màu hồng nhạt. Những người làm vườn ở Nhật rất ưa ghép đào phai lên cây chủ là đào bích. Mới đầu, những đóa đào phai vẫn chỉ nở trên cành ghép, nhưng sau một thời gian, dòng nhựa mới sẽ hòa vào dòng nhựa cũ, chảy lan sang những cành khác, và trên những cành bích đào nặng trĩu bất ngờ xuất hiện những đóa phơn phớt, tinh khiết và dịu dàng như một geisha.

- Ở đây yên tĩnh quá, mẹ nhỉ? - Liên nói
- Nếu so với trung tâm Osaka chỗ con ở thì tất nhiên ở đây yên tĩnh hơn nhiều rồi - bà Chikako ngồi ghế trước, quay người lại nói với Liên.
- Vùng này như nông thôn ấy mà - ông Fusao nói xen vào - hợp với người già như bố mẹ. Cánh trẻ như con thì chắc là chẳng thích đâu.
- Con thích chứ. Con thích phong cảnh nông thôn. Hồi nhỏ, con thích được về quê.
- Ở Việt Nam con ở thành phố nào? Hà Nội hay Hồ Chí Minh? - với Việt Nam, ông Fusao chỉ biết hai địa danh ấy.
- Gia đình con sống ở Hà Nội, nhưng con sinh ra ở nông thôn, cách Hà Nội khoảng sáu mươi cây số. Bố đã từng sang Việt Nam chưa?
- Chưa. Nhưng bố đã đến Thái Lan và Indonesia. Vì công việc ấy mà.
- Hồi trước công việc của bố thường phải đi ra nước ngoài - bà Chikako giảng giải - Phải sang cả châu Âu, Úc và Mỹ nữa cơ mà. Chỉ có châu Phi là chưa đi thôi, ông nhỉ?
- Nếu vậy thì thật vất vả, mẹ nhỉ - Liên nói và quay sang ngắm ông Fusao từ phía sau. Ông trạc sáu mươi, nhưng mái tóc đã bạc gần hết. Liên thầm so sánh ông với bố mình, và chợt nhận thấy hai người rất giống nhau ở lối trò chuyện chậm rãi và cả hai đều có giọng nói rất ấm.

Qua một ngã tư lớn, chiếc xe giảm tốc độ, rẽ xuống một con đường nhỏ đi vào khu dân cư gồm rất nhiều những biệt thự nhỏ, hai tầng, lợp ngói sành nâu bóng, và cuối cùng dừng lại trước căn nhà có cổng sắt cao đến ngực, sơn màu xanh đậm, trên đó gắn một miếng gỗ thông vuông vức cỡ bằng bàn tay, khắc dòng chữ "Kazuhito" bằng chữ Hán.

Đang ngồi đọc sách trên tầng hai, thằng Yosuke nghe tiếng xe về dưới nhà. Nó ngó qua cửa sổ, thấy mẹ nó mở cửa xe bước ra, theo sau là một cô gái có mái tóc rất dài. Cô ta mặc một chiếc áo màu vàng.

Màu mà nó căm ghét.

(còn nữa)

2 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Không biết Kazuhito còn ghét màu gì nữa không ngoài màu vàng. Chắc hẳn có mối liên hệ gì đây.

    Còn nhớ Kaz(4) thì thấy nhà văn có nhắc đến tình tiết là tại sao Kaz lại bảo sẽ liên hệ lại với nhân vật tôi. Hóa ra cũng là đã có mối thâm tình với cô bé Liên này.

    Thường thì em đọc truyện, đến đoạn nào tả con gái thì cứ hay tưởng tượng ra mặt mũi theo cách nhà văn kể. Cô Liên này có mái tóc dài nhưng chưa thấy nhà văn tả chi tiết gương mặt, đeo kính gọng gì. Chắc là không phải gọng vàng rồi. Chứ nếu đeo gọng vàng thì Kazuhito sẽ không dám kết làm anh em đâu nhỉ?

    Không biết mối liên hệ giữa Kaz và Liên đi đến đâu, xem hồi sau sẽ rõ ^_^.

    ReplyDelete