Lần đầu mình “nghe nói” đến Nhân văn Giai phẩm có lẽ là khoảng lớp 8, lớp 9, tức khoảng năm 90, do đọc báo Văn nghệ. Hồi ấy nhà mình đặt nhiều báo, trong đó có báo Văn nghệ. Từ đó về sau, cứ đọc cái gì nói đến Nhân văn lại nghĩ đến báo Văn nghệ. Gần đây đọc thêm, mới hiểu ra Nhân văn không chỉ là một vụ án văn nghệ. Những tác phẩm văn học nói xấu chế độ của Nhân văn thấy đã là ghê gớm, nhưng chưa là gì so với những bài bàn về chính trị. Chính trị và văn nghệ vẫn luôn song hành nhau trong đời sống con người từ xưa tới nay, bởi cả hai đều có những tác động sâu sắc đến một số rất đông quần chúng.
Báo Nhân văn số 5, ra ngày 20 tháng 11 năm 1956, số cuối cùng của tờ báo này, có bài của Nguyễn Hữu Đang - vị hào kiệt chả nhái. Bài báo có nhan đề “Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ như thế nào?”
Trong bối cảnh Quốc hội chuẩn bị soạn thảo Hiến pháp mới, NHĐ viết “… dù Hiến pháp sẽ được ban bố có nội dung thế nào đi nữa, cái phần bảo đảm tự do dân chủ của nó về căn bản vẫn không thể thay đổi so với Hiến pháp 1946. Vì đó là một điều kiện “không có không được” của một chính thể dân chủ.
Hiến pháp 1946 ghi:
ĐIỀU THỨ 10: Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra ngoài nước”…
Nhận xét về thực tế xã hội miền Bắc vào thời điểm đó, NHĐ “thấy các quyền tự do dân chủ bị hạn chế quá nhiều”.
Một bài báo như thế, chẳng nói đến năm 1956, mà nói ngay bây giờ, đố ai dám viết gửi đăng báo. Mà chắc chắn là gửi cũng chẳng ai cho đăng!
Vấn đề quyền tự do, dân chủ mà NHĐ nêu lên cách đây hơn 50 năm, ngay lúc này vẫn chưa có câu trả lời.
Tự do, dân chủ có cần thiết cho người dân VN hay không? Nói cách khác, tự do, dân chủ có phải là yếu tố cần thiết để phát triển một đất nước hay không? Câu trả lời không hề đơn giản.
Cứ xem tình hình biểu tình hết vàng lại đỏ bên Thái Lan thì thấy có dân chủ cũng phiền ra phết. Lại nghĩ, VN mà cũng dân chủ như Thái thì có lẽ cũng biểu tình xoành xoạch. Cứ đưa cho các chú, các bác xe ôm mỗi ngày 5 chục nghìn thì họ đi biểu tình cả ngày, đi cả năm cũng được.
Lúc ấy thì dân chủ trở thành tai họa. Nói như Phan Khôi thì “Trong xã hội ta ngày nay có một phần rất đông người khuynh hướng về chủ nghĩa dân trị (démocratie). Chẳng những người có học thức mới như thế; trong đám bình dân, kém học thức mà mở miệng ra cũng ưng nói bình đẳng tự do. Sự khuynh hướng đó, không phải là sự bắt chước nói theo mà thôi đâu; họ muốn thiệt tình, vì họ ở dưới chánh thể chuyên chế đã lâu, gần đây lại gặp lấy phong trào ở ngoài làm như thúc giục họ. Tuy vậy, họ ham muốn cái chủ nghĩa dân trị thiệt tình, mà làm thế nào cho được thiệt hành cái chủ nghĩa ấy thì hình như ít ai suy nghĩ tới. Mà cũng đừng nói đến sự thiệt hành nữa, giá có ai thiệt hành rồi để sẵn cho họ hưởng, là cũng chưa chắc họ biết hưởng đâu”.
Ông Phan Khôi đã viết những lời này trong một bài đăng trên báo "Trung lập" ngày 28 tháng 11 năm 1931. Cách đây 78 năm, anh em ạ! Ông viết bằng tiếng Việt thời ấy, từ “chủ nghĩa dân trị” bây giờ ta gọi là “dân chủ”, còn “thiệt hành” = “thực hiện”.
Ông Phan Khôi sinh năm 1887, sống bằng nghề viết báo. Năm 1956, ông đứng tên chủ nhiệm tờ Nhân văn. Khi vụ Nhân văn xảy ra thì ông cũng bị dính, nhưng già rồi nên không bị gì nặng. Ba năm sau thì cụ đi.
Khi đọc những bài báo của Phan Khôi, ta không khỏi kinh ngạc bởi tính thời sự của chúng, cho dù chúng được viết cho cụ kỵ của chúng ta đọc, hehe… Lại nghĩ, đang sống trong thời đại Internet, báo điện tử cứ 10 phút lại update, một ngày vào VNExpress cả chục lần nhưng chúng ta cứ bị thừa thông tin mà thiếu kiến thức. Báo điện tử nào cũng loạn bài về thi hoa hậu, bóng đá, cắt cổ giết người. Những bài về chính trị, xã hội thì gồm toàn những câu chỉ có danh từ, không có động từ. Bó tay!
Quay lại với Phan Khôi, ông nói dân VN mình “chưa chắc biết hưởng dân chủ”. Đấy là ông ấy nói cách đây 80 năm. Còn ngày nay thì phải khác chứ?
Chưa chắc. Vì xem ra vấn đề này có nguồn gốc rất sâu xa, nó ăn vào truyền thống roài, anh em ạ. Mà không chỉ truyền thống của mỗi dân tộc VN, mà là tất cả các nước “phương Đông”, có thể được hiểu là các nước bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, tiêu biểu là VN và TQ. Trong bài báo “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương”, ông viết:
“Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống thuộc. Chữ tự chủ ở đây nghĩa là mỗi người làm chủ lấy mình, cũng tức là cá nhân chủ nghĩa. ở phương Tây, nói rằng "một người", nghĩa là đối với thế giới, đối với quốc gia mà nói, chớ không phải phiếm nhiên. Đã gọi là người, thì người nào cũng vậy, ai ai cũng có cái địa vị cái tư cách đối với thế giới đối với quốc gia, thật như ta thường nói "đội trời đạp đất ở đời". Như vậy, người nào tự chủ lấy người ấy, không ai thuộc về ai cả.
Bởi đó mới có sự tự do. Một người đã tới tuổi thành nhân rồi thì không còn ở dưới quyền cha mẹ nữa. Mà cũng không ở dưới quyền chánh phủ hay là dưới quyền ông nguyên thủ, song chỉ ở dưới quyền pháp luật. Một người được y theo trong vòng pháp luật mà tự do. Pháp luật cho mọi người được tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, cư trú tự do,... những quyền tự do ấy, người khác - dầu là cha mẹ nữa - không được can thiệp đến. Pháp luật đặt ra cốt là hạn chế sự tự do của từng người để binh vực sự tự do cho từng người.
Lại bởi đó mới có sự bình đẳng. Mọi người đối với quốc gia xã hội đều có nghĩa vụ và quyền lợi bằng nhau. Ai nấy đều phải nộp thuế, đều phải đi lính, thì ai nấy đều được hưởng quyền tự do của pháp luật. Trước mặt pháp luật, ai cũng như nấy, hễ có tội thì bị phạt, không cứ ông nguyên thủ hay là người bình dân. Pháp luật đặt ra cũng cốt để duy trì sự bình đẳng giữa từng người.
Bởi mỗi người đều có địa vị tư cách vững vàng, tự chủ lấy mà không xâm phạm đến ai như vậy, cho nên khi hiệp với nhau thành đoàn thể thì chỉnh tề và ổn kiện lắm. Quốc gia, tức là của chung của quốc dân; hội xã tức là của chung của hội viên; đối với quốc gia xã hội ai có bổn phận gì thì làm hết bổn phận ấy, có lợi ích thì mọi người cùng hưởng. Mới nghe họ nói những là "quốc gia lợi ích, xã hội lợi ích" thì tưởng là xung đột với chủ nghĩa cá nhân, mà xét kỹ ra thì những cái lợi ích ấy cũng chỉ là lợi ích cho từng người vậy.
Các nước bên Tây đều dùng cái chánh thể lập hiến, cộng hòa được, là nhờ họ sẵn có cái tư tưởng như đã nói trên đó. Cái tư tưởng ấy tức là cái tinh thần dân chủ.”
Đọc đi đọc lại những lời này, mình cứ ước : Giá mình được sống cách đây 80 năm ! Giải thích các khái niệm "tự do", "dân chủ", "bình đẳng" một cách đơn giản, dễ hiểu như Phan Khôi thì báo chí ngày nay không thể chỉ gọi bằng cụ mà phải gọi bằng cụ của cụ, hehe...
Theo Phan Khôi, các nền dân chủ phương Tây được đặt trên cơ sở là "chủ nghĩa cá nhân” của phương Tây, cái mà phương Đông không có. Từ “chủ nghĩa cá nhân” hiện nay được hiểu theo nghĩa "vị kỷ, ích kỷ". Nhưng vào thời của Phan Khôi, nó được hiểu theo nghĩa “tự chủ, tự quyết”. Trong một bài báo khác, bài “Cá nhơn chủ nghĩa”, ông viết:
“Cá nhân chủ nghĩa là hết thảy người trong nước, mỗi người đều độc lập về phần mình; mà độc lập cả hai đường: về tinh thần và về vật chất vậy. Độc lập về tinh thần, tức là mỗi người đều biết tự suy nghĩ lấy, tự phán đoán lấy, nhắm lẽ phải ở đâu thì theo đó, chớ không làm nô lệ cho ý kiến của người nào hay đảng phái nào. Độc lập về vật chất tức là độc lập về kinh tế, mỗi người đều làm lấy mà nuôi sự sống mình, chớ không chịu nhờ vả ai, dầu con cũng không nhờ cha, vợ cũng không nhờ chồng.”
Cụ ơi, cụ nói thì dễ chứ làm được như thế nó “khóa lắm”! Cụ nói thế là mất bản sắc dân tộc roài! Hehe…
Bản sắc dân tộc là cái quái gì mà phải giữ? Cụ Phan Khôi kết thúc bài báo của mình như sau:
“Còn nếu chúng ta muốn bảo tồn quốc túy, giữ trơ trơ những luân lý cũ rích mà không chịu bỏ, thì đừng đèo bòng nói đến dân trị chủ nghĩa làm chi.”
Bài báo ấy, xin nhắc lại, đăng ngày 28 tháng 11 năm 1931.
Nhưng giá trị của nó sẽ còn sống mãi.
Đại huynh phân tích rất hay, em không muốn nói thêm gì. Đúng là thời đại internet ngày nay, thừa thông tin mà lại thiếu kiến thức. Một tờ báo được gọi là hàng đầu về lượng người truy cập nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ bóng đá và thi hoa hậu, các thể loại thi HH. Các tin tức được dịch lại từ nhiều tờ lá cải rồi tổng hợp lại. Nhưng có lẽ nhờ đó mới thu hút nhiều người đọc "hiếu kỳ và tò mò" chỉ vào đọc và giết thời gian, công chức vào xem rồi buôn dưa lê dưa chuột.
ReplyDeleteVề dân chủ, đúng là nếu cứ DC như bên Thái cũng phiền. Thời gian em ở bên đó, cũng là quãng thời gian diễn ra nhiều cuộc biểu tình. Tuy nhiên không có bạo lực như vụ phong tỏa sân bay gần đây. Khi em hỏi một số người dân tại sao lại đi biểu tình, họ nói chẳng biết mục đích đi để làm gì, chỉ biết mỗi ngày cầm cờ theo đoàn người vẫy tung lên là có được 500Bath rồi. 5 chục 1 ngày thì chắc đông lắm trong giai đoạn khủng hoảng kt như hiện nay nhỉ?
Lạc đề một chút nhưng tiện em kể luôn, vẫn về TL, dc như TL là thế nhưng sự phân tầng vẫn còn cách biệt ghê gớm lắm và em nghĩ đối với nhiều nước như TQ hay MĐ hay VN cũng chẳng phải là ngoại lệ. Theo như một tiêu đề của bài báo em tình cờ đọc được trên bbc cách đây không lâu - "Đôi khi một sự việc đơn lẻ có thể soi thấu linh hồn của một xã hội", nói về những tầng lớp không thể đụng đến! http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/04/080407_thaiuntouchablerich.shtml
CHÁN!
Khi mà một vấn đề bị nói đi nói đi nói lại mà không thể tháo gỡ, thì vấn đề đó đang nằm trong tay những kẻ điên điên, khùng khùng, nói tóm lại là ngu xuẩn.
ReplyDeleteHe he, ông PK có định nghĩa về độc lập vật chất gây tranh cãi nhỉ? Nếu vợ không phụ thuộc vào chồng, mà lại độc lập có "Vật" và "Chất" cất riêng để dùng thì cũng nguy nhỉ? Nhất là lúc chồng đi vắng, hi hi.
Nói đùa vậy, chứ câu này của PK em nghĩ đúng đấy, cái định nghĩa như vậy không thể hiểu theo một chiều được. Ở đây, nói đến những con người trưởng thành (trên 18 tuổi) và loại trừ những người không có khả năng lao động (như trẻ con, người già và tàn tật).
Tuy độc lập như vậy, nhưng đó là độc lập tương đối. Xã hội loại người phát triển ở mức nào đi chăng nữa thì vẫn luôn luôn phải interdependent.
Mình có thể tự độc lập mang cái thân xác 60 kg được, chứ về mặt tinh thần và tình cảm thì không thể tự mang nó được.
Thế hệ anh em mình chắc chẳng làm được cái gì liên quan đến thay đổi tích cực cho thể chế dân chủ đâu. Cứ đàn ca sáo nhị cho zui là được roài, giá mà VNexpress nhà mình đang toàn hình chân dài không mặc coocxe và quần xilips thì sẽ zui hơn nhỉ? Em thấy cái thằng VNexpress chẳng tôn trọng nguồn tài liệu dẫn chứng, ví dụ Vnexpress đưa 1 bức ảnh lấy từ P3 của the Sun thì lại tẩy tẩy xóa hóa đi. Cái đó mới là đáng ghét, he he. Phải tôn trọng bản quyền chứ nhỉ?