t(Tiếp theo phần trước)
5 tuổi, tôi là đứa trẻ nhà quê, chưa biết Vinh là gì nhưng Hà Nội thì lại gẫn gũi hơn. Vì chú Dũng, chú Tuấn tôi lúc đó đã là cán bộ ngoài Hà Nội. Có lần chú Dũng về, tôi thích lắm, tối hôm đó tôi đòi ngủ chung cùng chú ở giường ngoài, dành cho khách. Chả hiểu sao đêm đó lại nằm ngủ mơ là tôi đi tè trong toa lét, nhưng thực ra là đái dầm! Đã lâu tôi không đái dầm, hôm đó đúng hôm khách quan trọng ở Hà Nội về, tôi diện cái quần bông đỏ lại đi tè dầm, tôi cứ xấu hổ mãi! Rồi chú Tuấn tôi dẫn người yêu về ra mắt Bà Nội tôi. Mự Hương thời đó đúng là thiếu nữ Hà Nội, tóc tết hai bên, dáng người cao, thanh mảnh, trông thật là xinh. Chú Mự thường kéo cái ghế gỗ dài ra ngồi tâm sự ngoài vườn cạnh cửa sổ bên cây trứng gà. Tôi bé tý nhưng thỉnh thoảng vẫn ngó ra cửa sổ để nhòm trộm, không nhớ có nhìn thấy họ thơm nhau hay không, chắc là không vì hồi đó tình yêu còn kín đáo, thi vị lắm, chả như bây giờ…
Lên sáu tuổi, cả nhà tôi ra Vinh, ở nhà C1, là Tòa soạn báo Nghệ Tĩnh hồi đó. Ba tôi đã từng là thầy giáo giỏi huyện Kỳ Anh, rồi đi bộ đội, sau chuyển ngành ra làm nhà báo. Hồi đó bà tôi vẫn ở quê Bùi Xá. Gia đình bé nhỏ của tôi sống đạm bạc trong căn hộ tập thể tầng 4. Tôi lên sáu nhưng không đi học Vỡ lòng (vì đã được O Khuê dạy cho hồi còn ở quê) mà ở nhà trông cả hai em. Em trai tôi lên cơn kinh giật nhiều lần, đi cấp cứu trong đêm làm mẹ tôi khóc vật vã váng cả nhà C1, có đêm mẹ tôi cứ đứng ở cầu thang tầng 4 mà khóc đến lúc không còn nước mắt. Em gái tôi, Bích Huệ thì béo tròn, ngày ngày theo chị lang thang khắp hành lang, ị đùn ra trước cửa phòng bác Văn Hiền phóng viên, bác ấy mắng té tát mặc dù chị em tôi đã xách nước rửa sạch đến không có một chút mùi. Hồi đó, ba mẹ tôi trồng rau, hái bán ở chợ, kiếm chút cá trích cho chúng tôi ăn.
Rồi may mắn chúng tôi có căn nhà riêng ở tầng 5 nhà C5, Quang Trung. Bà Nội tôi chuyển hẳn ra Vinh sống cùng gia đình tôi. Kỷ niệm với tôi thời thơ ấu ở nhà C5 là những tháng ngày hạnh phúc có Bà nội đi chợ. Mỗi chiều chở bà về lúc nào trong mủng hàng thuốc lá của bà bao giờ cũng có chút quà cho lũ cháu là chị em tôi. Bà tôi đã quyết tâm từ giã làng quê yêu dấu nơi gắn bó gần cả cuộc đời chìm nổi của bà, nơi bà có một căn nhà ngói đã hai lần cháy rụi trong chiến tranh. Nơi đó, bà là người mẹ trẻ, chồng mất sớm khi mới có 39 tuổi, một mình lo lắng cho đàn con. Bà vốn là cán bộ phụ nữ, làm kế toán cho hợp tác xã, nhưng hoàn cảnh buộc bà phải xin ra khỏi Đảng, để chạy chợ, tất tả ngược xuôi nuôi bảy người con khôn lớn, học hành thành đạt.
Thật là một quyết định lớn lao, dũng cảm khi bà quả quyết bán nhà để theo con cháu ra thành phố mưu sinh thời bao cấp những năm đầu 1980. Ba mẹ tôi, những công chức mẫu mực thời bao cấp, vật lộn với cuộc sống khó khăn. Ban ngày, ba tôi vẫn hoàn thành trách nhiệm của một trưởng phòng phóng viên, còn mẹ tôi là cô giáo Hiệu phó cấp 2 dịu dàng, sắc sảo, thì ban đêm, họ chỉ huy cả một “xưởng” sản xuất thuốc lá cuộn. Mẹ tôi khéo tay, nhạy cảm và tinh tế, phụ trách khâu tẩm ướp sợi thuốc lá từ một thứ dung dịch gồm hoa hồi, thảo quả, quế chi…phun vào sợi thuốc lá. Còn ba tôi là chuyên gia tạo nên những chiếc “máy” cuốn thuốc từ gỗ và họa báo “Liên Xô”. “Xưởng” cuốn thuốc lá làm việc miệt mài, say sưa, rất tập trung không ai nói chuyện, có hôm đi ngủ hai ba giờ sáng, ba tôi vẫn bảo là “Vưa khéo, ba giờ rồi”! Thằng em trai tôi người bé tý nhưng tay nó khéo vô cùng. Nó thoăn thoắt dập chữ More lên hàng triệu tờ giấy cuốn thuốc lá mỏng tang, mà không thiếu một tờ. Tôi và nó cùng cắt thành từng điếu thuốc nhỏ, trắng xinh và đóng vào từng gói nhỏ, mỗi gói một trăm điếu.
Sản phẩm do xưởng nhà tôi sản xuất ra chủ yếu do Bà tôi tiêu thụ. Sáng sáng, chúng tôi thay nhau chở bà ra chợ, với một mủng thuốc đầy. Chiều về mủng thuốc của bà thường là rỗng tuếch, chỉ có gói bánh quà cho chúng tôi. Hôm nào chợ ế, mặt bà hơi buồn nhưng không bao giờ bà quên mua quà cho chúng tôi cả. Bà vừa về đến chân cầu thang đã nghe tiếng hai đưa em tôi hét từ tầng 5 “Ah bà về, bà về”. Huy chạy băng băng xuống tầng một đón bà và đón mủng, đặc biệt cu cậu không quên hé mắt xem bà mua gì hôm nay. Khi là cái bánh khoai, khi là bánh nếp, khi là cái kẹo vừng, hay vài qủa chuối luộc. Hồi đó cuộc sống thật là kham khổ, mỗi tấm bánh của bà làm nức lòng lũ cháu chúng tôi. Rồi bà còn mua thịt, mua cá cho mẹ tôi nấu nữa. Thằng em tôi, người bé tý, còi dom, đi xe đạp chân chưa vói hết vòng pedan hỏng, lòi ra mỗi cái lõi sắt nhọn hoắt, mà vẫn tranh chở bà đi chợ và đón bà về. Bây giờ bằng tuổi nó, lũ trẻ thậm chí còn bắt mẹ đút cơm, tắm rửa, sáng đưa đi học và chiều đón về ... Còn em trai tôi nó đã là người đàn ông thực sự khi đã giúp mẹ kiếm tiền bằng cách cuốn thuốc lá thoăn thoắt, bóc lạc đua với máy xay…
Thời bao cấp, chúng tôi đã lớn lên từ hạt lúa ba mẹ tôi trồng ở Chùa Diệc, rau cũng do mấy mẹ con tôi trồng ở dưới vườn và thịt cá do bà chạy chợ mỗi hôm. Cuộc sống vất vả dường như cũng qua đi trong cái nghèo khó chung của cả xã hội. Cho đến bây giờ tôi vẫn không cảm nhận được rằng hồi đó chúng tôi khổ, có lẽ chúng tôi may mắn có ba mẹ chăm chỉ, chắt chiu lao động và Bà nội tôi lăn lộn ngoài chợ kiếm từng đồng mua thịt cá cho cháu.
Giấc mơ được bay ra Hà Nội cuối cùng cũng được thực hiện khi tôi khoảng 10 tuổi. Tôi được theo O Lan ra Hà Nội lúc O tốt nghiệp trường Trung cấp Ngân hàng ở Hà Bắc. Chưa bao giờ tôi đi xa nhà đến thế, nên tối đến tôi nhớ mẹ, ai động đến cũng chỉ muốn khóc, hôm đó ở nhà bác Hào ăn cơm, có con nhộng tằm tôi sợ không ăn được, thế là ra sân khóc tu tu, làm O Lan tôi xấu hổ. Tôi vẫn còn nhớ mãi khu chung cư chật chội ở Viện Nghiên cứu Thủy Lợi, nơi cả nhà O Khuê tôi với ba đứa con sống trong một căn hộ tập thể khoảng 12m vuông, có thêm cái gác xép nhỏ. O Khuê tôi đi làm về mua đậu phụ, kho với thịt và rau muống thì hình như hái sau vườn khu tập thể để chiêu đãi cô cháu gái “rượu” (đây là biệt hiệu chú Huân vẫn dành cho tôi mỗi khi tôi đến chơi với O Chú). Khu chung cư đó có một cái vòi nước tập thể ở đằng sau, thật là đông đúc, mọi người xuống đó giặt giũ, rửa rau và buôn chuyện. Giọng Hà Nội thật là thánh thót, tôi cứ thích lân la ở đó học lỏm tiếng Hà Nội, họ mắng con nghe cũng như hát: “Không bao giờ được nói mẹ này, mẹ này, cái gì? Như thế là hỗn…”. Chị em tôi chả bao giờ nói với mẹ như thế.
Bà tôi chạy chợ đều đều nhưng thỉnh thoảng cũng “nghỉ phép” đi Hà Nội, lúc thì chú Tuấn mự Hương sinh thằng Cường, khi thì nghe tin mự Hương bị ngã gãy chân, bà đi phép mấy tháng liền mới về. Chúng tôi nhớ bà quay quắt! Có hôm trời mưa to, qua tấm cửa kính trong buồng, tôi cứ nhìn theo dáng gầy nhỏ của bà gánh một gánh trĩu nặng đồ đi Hà Nội, và khóc mãi theo mưa. Trong gánh đồ đi Hà Nội của bà có một cái túi du lịch in hình hoa nhỏ li ti rất đẹp, có lẽ chú Tuấn đi nước ngoài về cho bà, bên trong đựng đủ thứ tương cà, mắm ruốc do chính tay bà làm…Tôi cũng được hưởng mùi vị nước ngoài từ bé, khi chú Tuấn đi Ấn Độ về tặng cho bà tấm chăn Thái, thật nhẹ, thật ấm, vỏ in hình hoa hồng to thật đẹp. Tối tối, học xong hai chị em tôi chui vào chăn nghe bà đọc thơ “Phụ tử tình thâm”, “Chinh phụ ngâm” và kể chuyện đời sơ, thời bà đi lấy chồng, cố Định thương bà lắm, cố thường trông bác Quốc Anh cho bà gánh nước, giặt đồ, xay lúa…
Những câu thơ bà đọc, giọng nhẹ nhàng, thư thái vẫn còn đọng mãi trong tôi: “Nơi ướt mẹ nằm, nơi ráo mẹ xê con lại”. Ôi, nhớ bà, nhớ quá đi thôi!
Đọc những chi tiết về Bà mà em thực sự thấy thèm.
ReplyDeleteEm lớn lên không hề có tình yêu thương của Bà của Ông. Nói không phải chứ Bà Nội em thì chắc là thương em lắm nhưng Bà mất lúc em còn bé tí tẹo tèo teo.
Cả 2 ông thì cũng mất trong thời chiến tranh loạn lạc. Còn Bà Ngoại em thì không gần gũi với gia đình em vì Bố Em là dân cá gỗ còn hồi đó nhà Bà ngoại vốn thừa kế 1 địa chủ trong vùng.
Nên em lớn lên và không có cảm giác yêu thương từ Ông Bà. Đọc thơ về Bà, hát về Bà hiểu nhưng mà chỉ biết thế thôi.
Bây giờ, gia đình đã có cháu rồi, Mẹ em trở thành Bà, thương cháu lo cho cháu đủ thứ còn hơn cả Mẹ nó. Hi vọng rằng năm sau chúng nó lơn lên sẽ hiểu được tình yêu của Bà.
Những câu chuyện về Bà về gia đình thật hay, nhiều tình tiết gắn liền với tác giả mà đến ngay cả em đọc cũng thấy gần gũi. Chỉ có một số chi tiết hơi khác 1 teo thôi, như việc Anh sợ đỉa, còn bọn em ngày xữa còn thi để chân xuống mương xem có bao nhiêu đỉa bám, ai bám vào nhiều sẽ có thưởng. He he.
Bài này chị tao viết đó Nam. Chị tao sợ đỉa chứ tao có sợ đâu. Tao sợ nhất catfish, hehe... Hồi bé có lần đi móc cá trê bị nó đâm ngạnh vào tay đau gần chết.
ReplyDeleteHi hi, đúng là họ nhà Văn.
ReplyDeleteBác mà sợ Catfish à, không tin. Có mà sợ Vợ nhất thì đúng hơn. Ha ha
Bảo "sợ vợ" là ko đúng, dùng từ "kính trọng vợ" mới đúng. Vợ là thiêng liêng! Sai lầm của loài người là dùng những điều thiêng liêng cho những việc trần tục, nhưng cũng may là từ việc trần tục ấy lại đẻ ra những cái thiêng liêng, hehe
ReplyDeleteEm thì nhớ bà rất đẹp, môi bà lúc nào cũng đỏ vì bà ăn trầu. Đặc biệt là bà làm cái gì cũng nhanh, bà đi cũng nhanh thoăn thoắt.
ReplyDeleteMẹ em bảo bà nội anh rất giống ông ngoại em, thông minh, đảm đang tháo vát, và lúc nào cũng vun vén hết lòng cho con cháu.
Em chỉ được nhìn thấy ông ngoại qua ảnh, nhưng em nghĩ chắc là ông cũng tuyệt lắm, vì mẹ yêu ông thế cơ mà.