Bài này do chị gái mình viết. Viết về bà nội, tức là chị đã làm hộ mình một việc mà mình cần làm. Từ bé mình đã luôn được chị làm đỡ cho như thế...
***
Nhớ Bà nội
(Hà Nội những ngày tháng 10 – một tháng nữa sẽ là ngày giỗ Bà tôi sau ba năm Bà mất).
Tối hôm qua (23.10.2008), gọi điện cho O Khuê (em ruột của Ba tôi), tôi được nghe kể rằng bác Minh (bác dâu cả của Ông Bà nội) nằm ngủ mơ thấy Bà Nội tôi về. Bà tôi về trong bộ cánh rất diện, da dẻ đỏ và tay ấm áp. Bà tôi nói rằng dưới "Suối Vàng", cuộc sống của Bà đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì, con cháu gửi gì Bà cũng nhận được. Bà chỉ có một mong muốn nho nhỏ là mọi người gửi thêm kẹo bánh cho bà, để chia cho mọi người, và ăn không hết thì để bán!
Thương bà quá! Dưới "Suối Vàng" Bà xứng đáng được nghỉ ngơi, an giấc ngàn thu vì Bà đã lao động quên mình cho đến tận ngày mất. Bà tôi ra đi quá nhanh, chưa một ngày Bà ốm nằm xuống cho con cháu chăm sóc, để mong bày tỏ một chút lòng hiếu thảo với Mẹ, với Bà. Vậy mà giờ đây, Bà tôi vẫn không chịu nghỉ ngơi, vẫn thích làm cái công việc thuở hàn vi – chạy chợ, kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu! Bà kể cho chúng tôi rằng: Hồi bé, nhà Bà giàu có lắm, Bố Mẹ của Bà buôn bán tận Mường Xén (biên giới giữa Nghệ An với Lào) và khắp Đông Dương. Hồi đó các cụ đã có ôtô riêng, làm đường đi cho cả Xã Đức Vịnh. Bà Nội được Cụ ngoại tôi cho ăn học, có thầy dạy tiếng Pháp từ bé. Nhưng bà thích buôn bán hơn là học hành, chắc đó là gien di truyền và năng khiếu bẩm sinh. Bà tính nhẩm rất nhanh, bây giờ lũ chúng tôi lười đến nỗi mỗi phép tính con con cũng phải dựa vào máy! Bà có trí nhớ tuyệt vời, vốn kiến thức tiếng Pháp ít ỏi học được từ thuở ấu thơ, mà đến khi già 70 tuổi rồi bà vẫn nhớ. Thỉnh thoảng trước khi ngủ, Bà còn dạy tôi và thằng em trai tôi đọc các con số bằng tiếng Pháp "un, deux, troi…". Câu chuyện của Bà còn bay tận sang Pháp khi ông Hà (anh trai bà) và Cụ tôi còn thuê máy bay riêng bay sang Tòa án Pháp để kiện trong một vụ án gì đó liên quan đến việc buôn bán. Có lẽ chút năng khiếu ngoại ngữ của chị em tôi bắt nguồn từ những câu nói tiếng Pháp của Bà! Và Bà cũng đã nuôi nấng giấc mơ con cháu bay cao, bay xa ngay từ những ngày chúng tôi còn tấm bé – nằm ngủ còn sờ ti Bà!
Tôi lớn lên trong cánh tay của Bà Nội. Mẹ tôi kể rằng tôi được sinh ra ở Hồng Lộc, quê ngoại tôi. Được một tháng rưỡi thì Bà và O Khuê đã vào đưa mẹ và tôi về quê nội – Bùi Xá, Đức Thọ. Mẹ tôi còn rất trẻ, lên xe ôtô từ nhà ông bà ngoại về đến Bùi Xá mà không dám cho con bú (vì xấu hổ với mọi người trên xe). Bà tôi kể có lần Tết đến, mẹ về quê Hồng Lộc rồi có việc gì đó (hình như là mải chơi!) không về, tối hôm đó tôi khát sữa, Bà đưa tôi sang nhà hàng xóm bú tý nhờ cả đêm mồng 1 Tết. Khi tôi được hai tuổi, mẹ tôi đã để tôi cho bà nuôi để đi học 10+3 trong Thị Xã Hà Tĩnh. Tôi bé tẹo nhưng khôn ranh đáo để. Hai tuổi tôi đã nói leo lẻo, ăn cơm thì lười nhưng vẫn thích tự lập, một mình một bát ngồi ở cửa nhà xúc lấy, ai chạm vào là dẩu mỏ "chông cho ai chút" (không cho ai đút). Tôi lười ăn đến nỗi bà và mẹ tôi phải vắt cơm nhỏ bằng ngón tay út chấm vào mật ong cho tôi ăn. Ba tuổi tôi đã có em trai, Quốc Huy.
Lên bốn, năm tuổi, tôi theo O tôi đi khắp làng. O tôi dạy học vỡ lòng ở trường cấp 1,2 của xã. Tôi theo O vào lớp vỡ lòng nên đi mẫu giáo đối với tôi không có nhiều kỷ niệm, tôi cảm thấy không hòa nhập với các bạn mẫu giáo vì tôi thấy mình khôn lớn hơn? Kỷ niệm những ngày ở quê Bùi Xá vẫn còn đọng mãi trong ký ức tôi. Làng tôi nằm cạnh con đê chạy từ đường Quốc lộ 1A, chắn lũ của Sông Lam. Từ con đê đổ xuống hai bên là hai hồ sen thơm ngát, trước mặt là sân hợp tác và trường mẫu giáo của tôi. Lối rẽ phải là vào nhà Bà tôi, bên cạnh là nhà Bà Quyền có chị Thông vẫn thường đưa tôi đi chơi. Đi lên chút nữa là Nhà Thờ họ. Tôi vẫn còn nhớ có năm làng bị lũ lụt, lúc đó tôi 5 tuổi (ba công tác ở Vinh, mẹ còn đi học), cả làng ngập băng đồng, nghe nói có nguy cơ vỡ đê. Bà đưa hai chị em tôi sơ tán sang nhà Thờ vì nhà Thờ được đắp cao hơn. Bà Giai vẫn ở gian bên cạnh, gian nhà Thờ thường chứa đầy thóc, gạo, khoai, sắn. Rồi lũ cũng qua đi mà không bị vỡ đê, tôi cùng chị Thông lội chơi khắp làng, có con đỉa bám vào chân tôi mà tôi sợ gạt phắt ra, hét lên khiếp đảm! Đến giờ vẫn nhớ là gạt con đỉa đi rồi vẫn không biết có chắc không, bắt chị Thông tìm mãi! Đúng là con nít nhà quê mà tính thì đã thành thị từ bao giờ, có con đỉa bám cũng sợ vãi cả linh hồn. Những hôm đẹp trời, chị Thông và tôi còn lang thang vào các bụi rậm hái hoa dẻ, hoa dẻ ở làng tôi, bé nhỏ, màu xanh, khi to hơn nó chuyển sang màu vàng, tôi thích mùi hoa dẻ đến giờ, như vẫn còn vương mãi đâu đây. Trên con đường đất đỏ đi ra Hói Đẻo, có cả dãy bụi hoa chè vằng trắng trắng, xinh xinh, mùi thật thơm, thật lạ.
Sau vườn bà tôi, phía cạnh nhà bà Nguyệt, có một cây hồng trứng, có lần tôi ngước mắt nhìn thấy như trên trời cao một quả Hồng chín mọng, đỏ tươi như quả cà chua. Bà bứt xuống cho tôi ăn. Sau nhà bếp là một cái ao dọc mùng to, bên cạnh là cây Vú sữa, tôi không nhớ có được ăn vú sữa không nhưng kỷ niệm về quả hồng trứng thì tôi vẫn còn nhớ mãi. Còn ăn quả trứng gà thì thật nhiều vì cây trứng gà của Bà tôi rất sai quả, nó được trồng ngay lối vào nhà, hoa trứng gà như những cái chuông nhỏ, rụng đầy sân, mùi thơm dịu nhẹ, tôi vẫn thích nhặt lên, xâu thành chuỗi vòng đeo...
(Còn nữa)
THEO DÒNG HỒI ỨC của bác Hồng.
ReplyDeleteVậy là gần 3 năm rồi. Em vẫn nhớ ngày chuyển đồ đạc trả nhà bên Úc để về ăn tết ba tháng, hôm đó là 3 ngày trước chuyến bay của em, anh gọi điện sang báo tin bà mất. Cuống cuồng tìm chuyến bay VN airline đổi vé mà không được. Một mình buồn thương nhớ cả nhà, nhớ những kỷ niệm ngắn ngủi của thời gian làm dâu với bà.
Thương nhất thời gian bà lo đi sắm đồ cho đứa cháu trai cưng nhất để chuyển nhà mới, cưới vợ. Bộ nồi, bộ cốc,cái chổi,cái phích, hộp tăm ... tất cả những thứ nhỏ nhặt nhất cho đôi vợ chồng trẻ sinh họat đầy đủ. Mỗi lần đi chợ bữa cơm tranh thủ mua một món. Lọai lau nhà nào tiện dụng và bền hơn bà cũng cân nhắc mua, rồi chỉ cho đứa cháu dâu còn lơ ngơ.
Ngày đầu tiên ra mắt bà và cả nhà, đứa cháu dâu còn "ngố" vẫn thấy bà rất vui vẻ,đầy quan tâm và ấm áp. Ngày thứ hai cả nhà cùng dọn đồ về nhà mới, đứa cháu dâu còn "đỏang" thấy khớp hơn khi bà chỉ đạo luộc gà nấu cơm cho cháu trai và hai đứa cháu rể của bà. Nhưng cái cảm giác "khớp" cũng mất dần cho sự vui vẻ, hòa hợp. Quả thật bà sắc sảo lắm nhưng đứa cháu dâu thấy gần bà như bà ngọai của chính mình, những người bà từ lo toan nhiều trở nên bản lĩnh, sắc sảo mà nhiều người e dè nhưng con cháu của họ cảm thấy tình cảm thương yêu vô bờ.
Ngày cuối cùng gặp bà trước khi trở lại Úc học, bà vẫn kéo em ra một góc thủ thỉ động viên. Mau học chóng về bên chồng, bên con. Giờ 3 năm sau ngày bà mất, cháu trai bà vẫn cô đơn một phương, xa vợ và cả hai con.Chắc bà đang trách đứa cháu dâu thiếu sự hi sinh cho chồng phải không bà.Nhưng con cũng cảm giác đâu đây bà đang mỉm cười động viện ráng lên rồi gia đình mi sẽ đòan tụ.