Đã bao lần ngồi xuống định viết một cái gì đó về Sydney, nhưng lại thôi. Lạ thật! Thành phố đã hiện hữu trong cuộc sống của mình, cuộc đời của mình từ lâu rồi, vậy mà khi muốn nói thành lời lại vẫn thấy thiếu thiếu thế nào ấy, cảm giác hụt hơi, tuồng như chưa đủ xúc cảm để viết ra một cách chân thành. Vì thế, ý định tốt đẹp ấy mãi đến giờ mới thực hiện được.
Sydney mình đến lần đầu chẳng khác lúc này bao nhiêu. Đã 11 năm rồi. Nhưng cũng phải thôi, cái lần đầu mình lên Sydney với anh Sinh, thằng Hùng chỉ là một chuyến đi chơi kiểu cưỡi ngựa xem hoa, chỉ lượn lờ khu trung tâm, quanh quẩn chỗ nhà hát Con Sò một hôm rồi lại chạy tiếp lên phía bắc, đến Brisbane rồi Gold Coast. Khu trung tâm, chỗ mấy cao ốc nhôm kính cao chót vót chen chúc nhau sau cái lưng rộng của Vườn thực vật ấy, dẫu có đến 11 năm nữa cũng sẽ chẳng thay đổi mấy. Chỉ có những khu phố mà mình đã không nhìn thấy trong lần đầu chạm mặt với Sydney, những khu nằm về phía Tây năng động của thành phố mới thay đổi diện mạo nhiều hơn, nhanh hơn. Những ngày tháng mình bám rễ ở vùng phía Tây này đã đắp lên ký ức mình nhiều lớp da thịt mới, tình yêu của mình đã bắt nguồn từ một con phố nhỏ có khúc cuối phình rộng ra để quay xe, rồi những đứa con mình đã được sinh ra ở cái bệnh viện có những lối đi bộ rải đầy lá bạch đàn ngai ngái… Tất cả những điều tuyệt diệu ấy đã làm cho nơi này trở nên quá đỗi thiêng liêng đối với mình, ngôn từ chẳng dễ gì mà nói hết ra được.
Chỗ trọ đầu tiên của mình ở Sydney nằm trên gác một căn nhà cũ kỹ trên một phố chính. Phố ấy kéo dài là lên đến đầu đường George St, trái tim của thành phố. Một công ty địa ốc thuê ngôi nhà này, tầng một làm văn phòng, tầng hai cho bọn sinh viên thuê lại. Ngôi nhà dễ phải đến cả sáu bảy chục tuổi, sàn ván gỗ đã võng xuống hết cả, đi cứ cót ca cót két. Phòng mình có một cửa sổ kiểu trượt đứng, nhìn ra một cái ban công nhỏ lúc nào cũng ướt nhẹp, chẳng hiểu tại sao. Nhà bếp cũng có cửa sổ thông ra ban công ấy, mấy đứa sinh viên trong nhà tới bữa đều vào bếp nấu ăn, tuyệt chẳng bao giờ nhìn ra ban công, tuồng như nó không hề tồn tại vậy.
- Nếu còn ở Việt Nam thì bây giờ em đã bỏ nhà đi bụi rồi!
Ngay hôm sau hôm mình dọn vào ở, trong lúc ăn cơm, cái Hằng nói với mình thế. Con bé mới mười tám tuổi, nói năng như dân chợ. Nó kể, sau khi mẹ nó bệnh, mất sớm, nó trở nên lêu lổng đàn đúm, tóc nhuộm xanh đỏ, bố nó chẳng quản nổi, mới nghĩ cách chạy cho nó sang đây theo một khóa tiếng Anh ngắn hạn. Khóa học tiếng chỉ là cái cớ để xin visa. Mỗi năm, có đến hàng nghìn con em VN nộp đơn du học theo diện này, sang đến đất Úc rồi thì mỗi đứa có một nẻo đường để rời xa mái trường, đích đến của chúng trên giấy tờ.
“Sang Sydney, em chỉ có đúng một tờ 100 đô ông già dúi cho trước lúc lên máy bay”, con bé kể tiếp. Qua ngày thứ ba, nó kiếm được chỗ làm trong một tiệm bánh mỳ của chủ người Việt. Lương trả theo giờ, sáu đô một giờ. Một ngày được trên dưới năm chục, đủ đi chợ một tuần. Hôm nào đi học thì xin làm bánh buổi tối. Cứ như thế mà con bé kiếm đủ tiền học. Sau khóa tiếng Anh, nó học tiếp mấy khóa học nghề. Toàn những khóa học phí thấp, nhưng cũng có chứng chỉ. Kể cũng lạ! Ở nhà, bố thúc giục, hăm dọa rồi lại năn nỉ đủ kiểu cuối cùng nó cũng bỏ học giữa chừng. Sang đây một thân một mình, chẳng ai quản thì lại biết lo. Lại có vẻ hiếu học nữa là khác! Bởi khi nó nhìn thấy tương lai của bản thân nó, thấy rằng nếu nó gắng sức thì công sức của nó sẽ có thành quả cụ thể, thành quả nhìn thấy được, đếm được thì tự nhiên nó sẽ gắng sức thôi! Trên đất nước Úc này, có hàng triệu dân nhập cư đủ mọi sắc tộc đang ngày đêm cày cuốc để gieo xuống hạt giống hy vọng và mong chờ ngày hái được quả ước mơ như thế. Một phần không nhỏ trong số họ đã chọn thành phố này, và ngược lại, thành phố cũng đã cho họ mảnh đất để làm điều đó.
Ước mơ ư? “Em định đến dịp kỷ niệm năm năm ngày em đi Úc, em về Việt Nam chơi một chuyến, cho ông già mười nghìn đô cho ông ấy lác mắt ra!”, nó nói, nghe trái lỗ nhĩ của mình quá, nhưng cũng thấy một chút ngùi ngùi. Bởi mình có thể nhẩm tính được mười nghìn đô là bao nhiêu đêm nhồi bột nướng bánh từ mười giờ tối đến bốn giờ sáng của nó.
Cách đây mấy hôm, mình có việc đi qua phố ấy, căn nhà ấy. Mình vòng xe ra lối sau, lối dành cho người thuê nhà, tức là bọn mình ngày xưa. Cổng vào thực ra là một cái cửa gara, mở ra ngõ. Ga ra không có tường hậu, mà thông luôn với một khoảnh vườn bỏ hoang đầy vật dụng bỏ đi. Bước theo cái lối lót sẵn mấy tấm bê tông đúc, cỡ bằng viên gạch lát, để cách quãng, thỉnh thoảng lại dẫm lên một cái lốp ô tô hỏng nằm nửa chìm nửa nổi trong đám cỏ lúc nào cũng ẩm ướt, băng qua cửa nhà vệ sinh có cái móc khóa rỉ hoét chỉ dành cho nhân viên văn phòng địa ốc sử dụng, là đến cửa hậu của ngôi nhà. Qua cửa ấy, phía bên phải là cầu thang lên gác…
Phải mất một lúc mình mới xác định lại đúng vị trí của căn nhà. Dấu tích của cái cửa ga ra không còn một chút nào. Một ngôi nhà kiến trúc theo kiểu chắp vá đã được xây lên trên mảnh đất hoang, nối liền vào với ngôi nhà cũ nhìn ra phố chính.
Không thể nào nhìn thấy những khu vườn hoang nát như thế từ trên máy bay, cho dù chúng vẫn còn nhiều, rất nhiều nữa là đằng khác, trong lòng của cái thành phố xinh đẹp này. Thành phố dưới cánh máy bay đang chao nghiêng để chuẩn bị hạ xuống sân bay quốc tế Sydney trông như một sa bàn quy hoạch kiến trúc được làm cẩn thận và tốn kém. Tất thảy nhà cửa đều vuông vức, ngăn nắp như những bao diêm. Những chỗ cần phải có cây thì ắt có màu xanh. Vịnh Botany phẳng lì như một tấm kính sơn màu xanh nước biển đậm và kỹ. Đôi cánh buồm trắng đứng lặng ngắt, trông như những mẩu giấy nhỏ gấp hình tam giác đính vào tấm kính ấy.
***
Gió hình như đã mạnh lên một chút. Thốt nhiên, trên vịnh một bầy thuyền buồm màu sắc sặc sỡ, ưỡn gió đi ra. Chúng kéo ra từ lúc nào vậy nhỉ? Có lẽ là lúc mình đang mải nhìn theo mấy cái máy bay lên xuống để chỉ cho Mít. Thỉnh thoảng, có một chiếc Boeing cỡ lớn cất cánh, tiếng động cơ vọng sang từ bên kia bờ vịnh to hơn hẳn bình thường khiến bé Na đang bò lổm ngổm cũng phải ngẩng lên. Vợ mình khoan khoái ra mặt. Nàng vốn thích biển, nên được ngồi hóng gió biển trong một buổi trưa ấm áp như thế này là một trong những món quà tốt nhất mà mình có thể tặng vợ.
Gió mạnh lên một lúc thì trời có vẻ trong ra. Có thể nhìn rõ từng tòa cao ốc trong trung tâm thành phố cách chỗ này hai mươi cây số. Dưới chân những tòa cao ốc ấy, dù không thể nhìn thấy từ đây, là nhà hát opera, một kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng cho những cánh buồm đi vào vịnh Sydney. Trong đó, có những cánh buồm mang theo hạt giống của hy vọng.
Sydney 28/9/08
Cô bé Hằng trong hồi kí của bro can đảm nhỉ. Giờ thì đã trưởng thành và thành đạt rồi.
ReplyDeleteNước Úc nói chung và Sydney nói riêng chắc là quê hương thứ 2 của Bro rồi. Mít và Na đều là công dân bên đó, bro và vợ về sau lại sang đó du lịch và nhớ lại thời thanh niên ^_^.
Such a wonderful land.
@Nam: Hằng bây giờ own một cái shop bán phở ở Sydney, ngon lành cành đào roài. Phong cách bà chủ có từ xưa. Hồi ấy, trong nhà có 2 thằng đàn ông, tao và người yêu (bây giờ là chồng) nó, nghe lời nó răm rắp. Bảo đi chợ, đi chợ, bảo chùi toilet, chùi toilet, hehe...
ReplyDelete