(Truyện ngắn)
Gã bắt nhịp vào bài hát không sai một mi-li-giây nào. Đơn giản bởi gã đã nghe nó đến lần này có lẽ là lần thứ một triệu. Thằng Yabuki đứng bên cạnh đưa mắt lườm một cái: “Ue wo muite aruko?” Gã gật đầu, ngoác miệng cười. Thằng Yabuki đã nhìn thấy cái điệu cười ấy một triệu lẻ một lần rồi, nhưng vẫn phải công nhận là nó không hề thấy nhàm chán. Trong cái điệu cười ấy, có một vẻ tự mãn kiểu AQ (người Nhật cũng đọc Lỗ Tấn) ra điều “Kệ tao, đây là bài hát tao thích”. Nhưng cái cười ấy hầu như cũng có thể thay được một câu thoại đầy vẻ cảm thông “Cậu chẳng hiểu gì rồi, bài hát này có ý nghĩa lắm đấy, anh bạn trẻ ạ”. Trong nụ cười ấy, hiển hiện sự hiền dịu của một tâm hồn, điều mà ít ai đoán ra nếu chỉ nhìn vào bề ngoài của gã.
Gã hai mươi tám tuổi, cao hơn một mét bảy, đeo kính cận dày cộp, mái tóc rễ tre xờm lên bất kể việc thỉnh thoảng gã lại dùng tay vừa vuốt vừa cố ép chúng nằm xuống. Nước da gã hơi tái - gã bảo là do “máu xấu”. Cũng vì máu xấu mà tóc gã bạc khá nhiều, trông chẳng khác gì mái tóc của một người trung niên.
Thằng bạn đứng bên cạnh cũng cao sàn sàn với gã. Mái tóc cũng rối bù, chỉ có điều nó rối một cách cố ý, nghĩa là có xờ-tai, có phong cách hẳn hoi. Cái phong cách ấy hầu như mỗi tháng lại thay đổi một chút ít, tùy theo cảm hứng của con Kimoto nhân viên tiệm hớt tóc Sayu bên cạnh nhà ga. Tháng nào cũng thế, nhận lương vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng thì ngày hôm sau thằng Yabuki lại đi cắt tóc. Cắt ở tiệm Sayu, tất nhiên. Vào những hôm ấy, hết giờ làm việc là thằng Yabuki lại đột nhiên trở nên hớn hở. Lúc hai thằng đi bộ từ công ty ra ga, nó đi như chạy và luôn mồm giục giã. Ờ, mà cũng phải thôi. Nó mới hăm ba tuổi, năm năm trước mình có khi cũng vậy. Có lần gã hỏi “Hay là mày phải lòng con Kimoto rồi?”. Thằng Yabuki chối đây đẩy, tay chân khua loạn xạ, bảo “Nó béo ị, có gì để thích?”.
Hôm nay mới giữa tháng, chẳng có gì để thằng Yabuki phấn khởi cả. Nó đang cắm mặt vào cuốn manga* mới mua sáng nay. Mỗi tháng nó phải tốn đến cả man** tiền mua truyện tranh và họa báo. Đơn giản là vì nó chẳng biết làm gì khác khi ngồi trên tàu đi làm và từ công ty về nhà. Tốt nghiệp đại học năm ngoái cùng một đợt với gã, lương tháng của nó và gã có lẽ như nhau, nghĩa là chưa đầy 20 man. Nhưng đối với nó thế là đủ, bởi nó vẫn ở với bố mẹ. Gã thì khác. Hàng tháng, trả tiền thuê nhà, tiền vé tháng, tiền Internet, tiền điện thoại, nói chung là những khoản cố định, xong, gã chỉ còn ngót nghét 10 man để đi chợ, mua sắm lặt vặt và thỉnh thoảng đi hát karaoke với mấy đứa bạn. Đời sống tinh thần của gã nói tóm lại chỉ là đi hát karaoke. Mà đi hát karaoke nói tóm lại là chỉ mỗi một bài: Ue wo muite aruko.
Khi đi trên đường tôi thường ngửa mặt lên trời
Để nước mắt không rơi xuống…
Đấy là bài hát tiếng Nhật đầu tiên mà gã thuộc trọn vẹn. Bốn tháng sau khi sang Nhật, một cô bé người Malaysia học cùng lớp tiếng Nhật đã chép nó vào vở cho gã. “Mày không biết bài hát tiếng Nhật nào sất ư? Thế thì mày nên biết bài này. Ở nước tao nó còn được dịch ra tiếng Malay nữa. Nổi tiếng lắm đấy”. Nổi tiếng lắm đấy! Sau này gã cũng nói như vậy đối với bất cứ ai không biết bài hát ấy. Năm 1963, nó đã đứng ở vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng những bài hát hay nhất ở Mỹ. Một bài hát tiếng Nhật mà lại xếp hạng nhất ở Mỹ thì chẳng phải chuyện đùa. Và đến tận bây giờ vẫn chỉ có nó làm được điều đó đấy nhé.
Gã vẫn thao thao một cách tự hào như thế mỗi khi nói về bài hát đã chiếm trọn vẹn trái tim gã suốt bảy năm qua. Đúng bảy năm rồi còn gì. Mới đầu từ Việt Nam sang thì học tiếng Nhật một năm, rồi vào đại học, học bốn năm, rồi hai năm thạc sỹ. Tốt nghiệp tháng mười năm ngoái, nghỉ được ba tuần thì bắt đầu đi làm. Công ty này đã nhận gã vào làm thực tập từ năm thứ nhất khóa thạc sỹ và hứa sau khi gã tốt nghiệp sẽ nhận gã ngay lập tức. Thì rõ, gã là đứa có điểm tốt nghiệp cao nhất nhì cả khóa đại học, được nhận thẳng vào khóa thạc sỹ. Mà bọn công ty tin học Nhật nó cũng biết người biết của, chuộng lập trình viên người Việt lắm. Học sinh Việt Nam học toán giỏi mà! Có cả tá công ty tin học Nhật sang Việt Nam tuyển dụng sinh viên năm cuối đại học Bách Khoa, phỏng vấn và ký hợp đồng ở Hà Nội rồi đưa sang Nhật làm việc. Chẳng cần phải biết tiếng Nhật, chỉ cần giỏi ngôn ngữ lập trình là được. Huống gì là nòi giống Lạc Hồng lại được đào tạo bài bản ở Nhật bảy năm trời như gã!
Hễ ai nói đến mấy chữ Lạc Hồng là gã lại động lòng, vì nó khơi dậy điều gã băn khoăn trăn trở suốt một thời gian dài, và mới chỉ bắt đầu nguôi ngoai được mấy tháng nay. Lúc gã bước chân lên máy bay để sang Nhật du học, bố gã cứ nhắc đi nhắc lại hai điều: Một là, học xong phải về nước. Hai là, không được lấy vợ Nhật. Đất nước đang còn nghèo, cần nhiều nhân tài trở về xây dựng đất nước. Đời bố đi bộ đội chiến đấu để giữ được toàn vẹn lãnh thổ là cả một kỳ công vĩ đại của nhân loại. Đời chúng mày đừng có mà ôm chân tư bản mà làm giàu cho chúng nó.
Lời bố, gã chẳng lúc nào dám quên. Bố nghiêm khắc đến tàn nhẫn. Có lần gã phạm một lỗi, hồi ấy gã còn bé, mới bảy tám tuổi, bố một tay xốc nách gã, một tay quật thắt lưng Trung Quốc xuống kín đầy một lưng. Thắt lưng Trung Quốc quật phát nào ra phát ấy, vết quật sưng tấy, khiến gã phải ngủ úp mặt cả tuần sau. Giờ thì bố già rồi, không đánh đòn như ngày xưa, nhưng lời bố gã nói thì vẫn còn nguyên trọng lượng, không phải chỉ đối với mình gã, mà đối với cả dòng họ Trần ở làng. Hôm họp họ rằm tháng bảy trước khi gã lên đường, bố gã ngồi uống rượu giữa sân nhà thờ nói oang oang với bác Tiên tộc trưởng “Thằng Dũng nhà em học xong mà không về nước thì em từ nó, bác cứ gạch tên nó khỏi gia phả dòng họ cho em”. Từ bé đến lớn, chưa bao giờ gã thấy bố nói đùa.
Gã không sợ bị gạch tên khỏi gia phả. Gã chỉ sợ bố. Không còn sợ bố đánh đòn, nhưng trong lòng gã, nỗi sợ bố là bất di bất dịch. Người ta bảo đấy là vì cái “uy”, tức là cái quyền năng được mặc định gán cho người đi trước mà không cần phải bàn cãi, không cần giải thích. Còn nếu ngồi xuống phân tích cặn kẽ theo cách hắn vẫn làm trước khi viết một chương trình máy tính điện tử thì có lẽ hắn sợ bố vì nếu hắn làm bố phật ý thì bố sẽ chẳng để cả nhà yên ổn, bố sẽ dễ nổi cáu, bố gắt với mẹ, với em gã, hoặc bố sẽ lầm lì ăn ít cơm uống nhiều rượu rồi lại đổ bệnh ra thì cả nhà lại loạn cả lên. Đi bộ đội về, bố vẫn mang trong đầu một mảnh đạn bên thái dương, mỗi khi bố say rượu hay nóng giận, vết thương ấy lại tấy lên, giật giật trông rất hãi. Cả nhà ai cũng biết để bố giận là rất nguy hiểm. Vì thế đợt trước khi bắt đầu đi làm, gã đã phải suy nghĩ rất lung, làm sao để lựa lời mà nói cho bố chấp nhận cái quyết định của gã. Chắc chắn bố vẫn chưa quên những điều ngày trước đã căn dặn gã. Gã nói với bố, rằng gã muốn đi làm vài năm lấy kinh nghiệm rồi sẽ về Việt Nam mở công ty làm ăn. Bố bảo ừ thế cũng tốt, bây giờ nước ta có kinh tế thị trường rồi, nước ngoài còn muốn nhảy vào mở công ty nữa là. Mấy đứa bạn con ở nhà mở công ty làm ăn bây giờ cũng khá lắm. Rồi bố ho một chặp, ho sặc sụa trong máy, nghe xót cả ruột.
Gã nói vậy nhưng không hẳn tin vào lời mình. Gã thấy bao nhiêu người du học bên này mới đầu cũng chỉ muốn ở lại làm ăn ít năm rồi về nước. Quê hương mỗi người chỉ một mà. Nhưng rồi rốt cuộc chẳng có ai về cả. Năm năm, mười năm, rồi mười lăm năm, ở càng lâu thì càng có thêm sự ràng buộc gắn bó với nơi đất khách này. Mới đi làm thì phải vay ngân hàng mua xe, thắt lưng buộc bụng vài ba năm mới trả hết nợ. Rồi cưới vợ, rồi mua nhà… Cái guồng quay cố hữu ấy nó cuốn người ta vào chẳng trừ ai. Ông nào mà yêu rồi lấy vợ Nhật nữa thì thôi rồi, đừng nghĩ chuyện về nước làm gì cho mệt. Đời nào người ta chịu sang Việt Nam sống với ông? Người ta chỉ muốn sống trong điều kiện tốt hơn chứ mấy ai muốn sống trong cái điều kiện giống như nước Nhật nửa thế kỷ trước? Đấy là chưa kể cái văn hóa Nhật này chẳng hòa hợp được với bất kỳ cái văn hóa nào khác. Lạ thay cái văn hóa Nhật! Nó dạy người Nhật đối xử với nhau nhã nhặn đến mức gần như khúm núm, nhưng trong lòng ai cũng đầy một nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn không thể chia sẻ với ai cứ tích tụ ngày này qua ngày khác. Một tháng, hai tháng, sáu tháng rồi một năm... Cho đến một ngày nó vỡ bung ra.
Buổi tối thứ sáu cuối tháng mười năm ấy, gã nhận được điện thoại của Yabuki sau khi vừa chia tay nhau trước cửa ga khoảng mười phút. Nó báo tin Kimoto đã chết. Cách đấy hai ngày, một thằng chán đời đã đẩy cô xuống đường ray khi đoàn tàu đang tiến vào ga.
Nghe xong điện thoại, gã đứng lặng trên vỉa hè. Tháng trước, gã vừa mời cô đi hát karaoke sau lần đầu tiên cắt tóc ở tiệm của cô... Như chợt nhớ ra, gã lục túi lấy chiếc máy nghe nhạc, cắm headphone vào tai và bấm nút play.
Khi đi trên đường tôi thường ngửa mặt lên trời để nước mắt không rơi xuống
Nhớ lại những đêm mùa xuân, một mình tôi đi
Khi đi trên đường tôi thường ngửa mặt lên trời đếm những vì sao
Nhớ lại những đêm mùa hạ, một mình tôi đi
Hạnh phúc đang ở đâu trên tầng mây kia?
Hạnh phúc đang ở đâu trong bầu trời kia?
Khi đi trên đường tôi thường ngửa mặt lên trời để nước mắt không rơi xuống
Vừa khóc tôi vừa đi, một mình trong đêm…
Chú thích:
(*) manga: Truyện tranh
(**) man: 1 vạn yên Nhật (khoảng 90 đô la Mỹ)
No comments:
Post a Comment