Monday, September 7, 2009

Nam công chúa truyện

Nam công chúa họ Lê, tên tục rất bậy, người làng Đình Bảng. Làng ấy phong cảnh hữu tình, có cây có cối, vốn là chỗ địa linh nhân kiệt. Lúc công chúa ra đời, trên trời xuất hiện một ngôi sao to, người thường nhìn vào thì thấy chói lóa, người mù thì không sao, dân gian gọi là mặt trời. Nam công chúa lớn lên dung mạo kỳ vĩ, hai mắt nằm ngang nhau, mắt không nhìn thấy tai, mũi cao hơn miệng, miệng có hai môi, môi lớn môi bé tách bạch. Có người thầy bói xem tướng Nam, nói: "Người này về sau tất đỗ Tiến sỹ". Ấy là đang nói đời xưa, cả thiên hạ mỗi năm mới có một vị tiến sỹ, chứ bây giờ tiến sỹ nhiều như lợn con, nhưng đấy lại là chuyện khác, ở đây không nói đến.

Nam công chúa đến tuổi trưởng thành, thấy thiên hạ loạn lạc, bọn gái ngon như Vàng Anh Hoàng Thùy Linh đều rơi vào tay dân chơi như Cường đô la, Việt đát, bèn lấy làm uất ức, ở nhà đóng cửa đọc sách suốt một năm trời, rồi đem hết sở học viết nên một cuốn, gọi là "Tán gái chân kinh". Năm sau, Nam mang sách đó đi về phía Tây, du thuyết vua Thái. Vua Thái nói: "Người Thái ta từ xưa tới nay sống nhờ kỹ nghệ sex, không đi dạy thiên hạ thì thôi chứ thiên hạ làm sao dạy được người Thái". Nam nghe thế, chán hẳn, bèn bỏ ý định thuyết phục Thái Vương.

Nam công chúa đi về phía Đông, gặp Nhật hoàng, nói chuyện với Nhật hoàng hai ngày hai đêm không nghỉ, sắc mặt buồn ngủ. Nhật hoàng nói: "Một nước không biết dùng người tài tất mang họa diệt vong", rồi ban cho Nam giấy gọi đi thi lấy học bổng du học Nhật Bản.

Nam lĩnh giấy ấy, nửa mừng nửa lo. Tối đến, nằm mơ thấy một vị thần. Nam hỏi: "Xin thần linh mách nước đề thi". Vị thần nói: "Thiên cơ bất khả lậu". Nam tỉnh dậy, nhớ lại lời vị thần, lấy làm đắc chí.

Bấy giờ, trong thiên hạ bệnh cúm gà, cúm lợn hoành hành. Vì thế đề thi năm ấy chủ yếu hỏi về cách phòng chống dịch bệnh. Nam công chúa nhờ biết đề từ trước, vào đến phòng thi liền phóng bút viết một bài, ngôn ngữ hào hùng, ý tứ mạch lạc: "Khi xưa, các bậc hoàng đế thường có nhiều vợ. Vợ cả thì lập làm hoàng hậu, thứ đến là các phi. Dưới các phi là bọn cung tần mỹ nữ, gọi là cơ, tức là một dạng bồ nhí. Cổ nhân có câu "Thiên cơ bất khả lậu", thiên là trời, thiên cơ là bồ nhí của trời. Suy ra, câu ấy có nghĩa là "Làm bồ nhí của trời thì không thể mắc bệnh lậu"". Nhật hoàng xem bài thi của Nam, mừng rỡ, bèn sắm một trăm cỗ xe đưa Nam về kinh đô.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Nam công chúa ở kinh đô hơn hai năm vẫn chưa được vào yết kiến Nhật hoàng, lấy làm buồn bực, bèn bắt chước Thái công Vọng khi xưa, mang cần câu ra ngồi trước siêu thị điện máy Midori câu cá. Một bữa Nam đang lểnh mểnh bên hồ, lòng ngổn ngang trăm mối u buồn, bỗng thấy một ông già đi ngang qua cầu, làm rơi chiếc dép xuống nước rồi kêu Nam: "Tiểu tử, lại đây lượm chiếc dép cho ta". Nam công chúa thấy ông lão có dáng tiên phong đạo cốt , biết không phải người thường liền bước đến, cúi lượm chiếc dép trao cho ông lão rất kính cẩn. Ông lão xỏ chân vào dép rồi lại đánh rơi xuống nước. Nam nhặt, cứ thế đến ba lần, cử chỉ kính cẩn không hề tỏ ý bất mãn. Ông lão mỉm cười nhìn Nam nói : "Bọn Seiyu bán toàn dép Tàu, đểu thật, cứ đi vào lại tụt". Nói xong phất áo đi thẳng.

Nam công chúa ở tu viện, lúc rảnh rỗi thường ra sau vườn tập ném bóng. Trong vườn dựng sẵn mấy cái cột cao, trên đỉnh lắp một cái vòng tròn bằng sắt, cỡ to hơn đầu người. Nam tập ném mãi mà không vào được vòng, bèn quỳ xuống khấn lạy. Khấn vừa dứt lời, một vị thần lập tức hiện ra, chính là ông lão hôm nọ. Ông lão nói: "Muốn ném vào được thì tay trước hết phải dẻo", nói đoạn dùng quạt điểm vào mấy huyệt trên tay Nam. Nam mừng rỡ, nhặt bóng ném tiếp, vẫn không lọt. Ông lão lại nói: "Tay dẻo mà tâm không định thì cũng vô ích. Xem ta làm mẫu mà làm theo". Ông lão nhắm mắt thở sâu một lúc, đoạn đưa tay nhặt lấy trái bóng, phất một cái. Cũng không lọt. Ông già chán quá, tỏ ý muốn bỏ đi. Nam nói: "Đội ơn sư phụ. Sư phụ lượn cho trong nước!", rồi quay ra tập một mình.

Nam công chúa kiên trì tập luyện, ngày chơi đêm nghỉ, cứ thế được một năm thì công lực đạt đến mức thượng thừa, ném mười quả có khi vào được một hai quả, từ đó trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Câu chuyện Nam công chúa khổ luyện thành tài lưu truyền trong dân gian, nên mới có câu: "Con trâu là đầu cơ nghiệp".

Lại nói, khi ở tu viện, Nam công chúa kết bạn với bọn Huy bầu, Diện thú, chơi bời với nhau rất tâm đắc, năm ngày một hội chắn, ba ngày một hội phỏm. Chuyện này sử sách đã nói nhiều, nay không nói đến nữa.

Sang năm thứ ba, có người thương gia thấy Nam cốt cách phi phàm, bèn về bàn với vợ, muốn đem con gái gả cho Nam. Bà vợ nói: "Tên Nam từ trước tới giờ lăn lóc trong giang hồ, thân thể ô uế, muốn cưới con gái ta thì phải trai giới ba tháng. Trong ba tháng ấy chỉ được ăn cháo trộn xúc xích, tối đến phải ngủ lại chùa không được về nhà. Nếu phạm vào một trong hai điều ấy thì coi như hỏng". Nam nghe theo lời ấy, cuối cùng lấy được vợ.

Đời sau có thơ ca tụng chuyện này:
"Nước sông cuồn cuộn chảy về đông
Sóng vùi dập hết anh hùng
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Cá đâu đớp động dưới ao bèo"

Nam công chúa lấy vợ được một tháng, một hôm người vợ nói: "Chàng là giống rồng, thiếp là giống tiên, phải xa nhau một thời gian thì về sau mới được trọn vẹn". Nam nói: "Lạc Long Quân và Âu Cơ có thể ly dị chứ ta với nàng thì không. Nàng muốn đi đâu thì tùy, ta sẽ đi cùng nàng".

Trời nghe thấy chuyện ấy, cảm động vãi nước mắt. Vì thế ngày nay, vào khoảng tháng bảy âm lịch thường có mưa dầm, đường xá loét nhoét, đi lại khổ thấy mẹ, hehe...

3 comments:

  1. Hay tuyệt cú mèo đại huynh ơi! Xin phép copy sang blog của đội bóng KyotoFC đại ca nhé! Hình như chuyện về Nam CC còn thiều, cùng với bộ ảnh chụp buổi tiệc farewell nữa anh ơi! Hihi

    ReplyDelete
  2. Đang bận quá, chưa up ảnh lên đc. Nu pagaji!

    ReplyDelete
  3. Me oi, hom nay doc lai bai nay muon khoc :)

    ReplyDelete