Saturday, June 13, 2009

Kaz (9) - Ngày lễ Mẹ

Tháng Năm là khoảng thời gian của những cảm xúc trái ngược. Vẫn đang trong mùa xuân, nhưng khi những cánh hoa anh đào cuối cùng đã rụng xuống lặng lẽ trong một đêm mưa rào, và buổi sáng hôm sau, khi hơi ấm của nắng chỉ mới chớm nồng lên một chút, ánh sáng của nó có đôi lúc rốt ráo xuyên qua những tán lá đang rậm dần lên, người ta dễ có cảm giác như thể mùa hè đã ở ngay cửa ngõ phía Nam của thành phố. Có một chút tiếc nuối, như thể mùa xuân sắp qua rồi, những ngày đẹp đẽ sắp qua mất rồi, mà những gì chúng mang đến còn chưa kịp xóa mờ cái ký ức ảm đạm của mùa đông trước. Và bây giờ thì mùa hè lại sắp đến. Với cái nóng ngột ngạt. Chỉ mới nghĩ đến đó, đã cảm thấy hình như hôm nay mình mặc thừa đi một cái áo.

Người ta hồ hởi chào nhau: Hôm nay trời đẹp quá nhỉ! Đằng sau nó, có một nỗi phấp phỏng mơ hồ: Nếu ngày mai trời ấm thêm chút nữa thì lại thành nóng mất!

Ngày Chủ nhật, tuần thứ hai của tháng Năm là Ngày lễ Mẹ.

Bà Chikako và Liên đang chuẩn bị bữa tối trong bếp. Mới hơn năm giờ, trời vẫn sáng và ông Fusao vẫn chưa về. Hôm nay ông cùng mấy người bạn đi chơi golf.
- Hàng ngày con vẫn nấu cơm mang đến trường chứ? - Bà Chikako hỏi
- Vâng, hôm nào đi học thì con tự làm cơm hộp và mang lên. Con chỉ làm những món ăn nhanh đơn giản - Liên nói, trong khi cuốn nốt chiếc nem cuối cùng và đặt vào một chiếc đĩa để bên cạnh.
- Đồ ăn Nhật có hợp khẩu vị của con không?
- Ừm... nói chung con ăn được tất cả cảc món. Nhưng con thích những món mình tự nấu hơn - Liên cười, rồi thú nhận - Như thế cũng rẻ hơn nữa.
- Đúng thế, đúng thế. Nhà hàng ở Nhật quá đắt đỏ, phải không?
- Thực tế thì không đến nỗi quá đắt, mẹ ạ. Chẳng hạn hôm nào không kịp nấu cơm thì con ăn trưa ở căng tin, chỉ hết khoảng 300 yên thôi.
- Ôi, 300 yên thì ăn được cái gì? Như vậy có phải là tiết kiệm quá sức không? - Bà Chikako kêu lên, vẻ xót xa.
- Không phải thế, chỉ vì chừng ấy là vừa đủ no, mẹ ạ.
- Thế... thảo nào dáng người của con thật là đẹp.
Bà Chikako nói không quá lời. Vẻ đẹp của Liên không chỉ ở mái tóc, mà còn ở vóc dáng cân đối và phong thái của cô. Đứng trước cô, người ta có cảm giác như đang ngắm một hồ sen vào buổi sớm, khi sương vẫn còn buông mờ ảo, và không gian tràn ngập một mùi hương trong mát, dịu dàng. "Thật hạnh phúc cho cậu chàng nào được nó yêu", bà Chikako nghĩ bụng, và chợt nhớ đến thằng Yosuke, giờ này chắc vẫn đang ngủ trong phòng của nó.

Khi nghe mẹ gọi, Yosuke xuống ngay. Đúng là cậu chàng vẫn nằm trên giường, nhưng không ngủ. Cậu ngạc nhiên khi thấy Liên trong bếp. Bà Chikako đã không báo trước rằng hôm nay cô sẽ đến. "Chiếc áo phông này rất hợp với cô ấy", cậu nghĩ và nhìn trộm Liên một cái, "cô ấy nên mặc màu lạnh".

Ông Fusao về. "Ôi, mùi gì thơm quá đi mất", ông vừa đi vào bếp vừa nói to "hôm nay hai mẹ con sẽ cho cả nhà ăn món gì đấy?". "Mẹ nấu cà ri", Liên nói, "còn con làm món nem rán kiểu Việt Nam. Bố đã ăn món ấy bao giờ chưa?". "Chắc là chưa đâu", bà Chikako nhanh nhảu nói chen vào, "đối với cả nhà, đây là lần đầu đấy".

Bữa tối nhanh chóng được dọn ra. Ông Fusao rót nước cam vào cốc của bà Chikako và Liên. "Nào, chúng ta cùng nâng cốc chúc mừng một người mẹ, và một người sẽ trở thành một người mẹ! Trong tương lai, phải không nào?", ông hướng sang Liên và cười.

- Thật tiếc là ở Việt Nam không có ngày lễ Mẹ - Liên nói - Tuy đã có ngày Quốc tế phụ nữ, và cả ngày Phụ nữ Việt Nam nữa, nhưng con nghĩ vẫn nên có một ngày dành riêng cho các bà mẹ, vì ý nghĩ đặc biệt của nó.
- Thật ra thì ở Nhật cũng chỉ mới bắt đầu kỷ niệm ngày này khoảng mấy chục năm lại đây thôi - Bà Chikako nói - Mẹ không nhớ rõ là từ khi nào, nhưng hồi mẹ còn trẻ thì không có.
- Người Nhật vốn không có nó - Ông Fusao nói - có lẽ đấy là một ngày lễ của phương Tây, mới du nhập vào sau này.
- Người Mỹ - Cuối cùng thì Yosuke cũng tự nguyện tham dự vào câu chuyện trong bữa ăn - họ đã mang nó vào từ sau Thế chiến. Ngày này có xuất xứ từ Mỹ, cách đây cũng chưa lâu, mới khoảng tám, à không, khoảng chín mươi năm.

Yosuke tỏ ra rất khoái món nem rán. Cậu đã ăn hết cái thứ tư.
- Một cô gái trẻ người Mỹ tên là Anna - Cậu nói - đã bỏ ra bảy năm trời để viết hàng nghìn bức thư gửi các chính khách và đi diễn thuyết khắp nơi để vận động chính quyền lập một ngày lễ gọi là Ngày của Mẹ. Cô ta làm điều đó trước hết xuất phát từ tình yêu đối với người mẹ đã mất của cô, nhưng ý tưởng và nghị lực của cô ta thật là cao cả. Vì thế, cô ta đã được nhiều người ủng hộ, và đến năm 1914 thì chính quyền Mỹ bắt đầu chính thức thừa nhận ngày này.
- À, thì ra là vậy - Bà Chikako gật gù.
- Nhưng sau câu chuyện này là một bi kịch - Yosuke nói tiếp - Đúng thế, một bi kịch cho cô Anna. Sau khi Ngày lễ Mẹ trở nên phổ biến, hàng năm đến dịp ấy, người Mỹ mua rất nhiều quà tặng, bưu thiếp in sẵn để tặng mẹ. Điều đó hoàn toàn bình thường, phải không nào? Nhưng cô Anna nọ không nghĩ như thế. Cô cho rằng như thế là thương mại hóa một tình cảm cao đẹp của con người, thứ tình cảm mà chúng ta nên thể hiện ra dưới một hình thức chân thành và nguyên sơ nhất, chẳng hạn như viết một bức thư, hoặc đơn giản là ngồi tâm sự với mẹ một lúc. Cô đổ lỗi cho những nhà kinh doanh, những cửa hàng đã làm ra những sản phẩm thương mại để bán và kiếm lời nhờ vào cái ý tưởng của cô, bản quyền của cô. Và với cô Anna này thì mọi việc đều phải làm cho đến cùng. Cũng với nghị lực đã khiến cô thành công trong việc vận động cho Ngày lễ Mẹ, cô đi kiện những công ty kinh doanh sản phẩm có liên quan đến nó. Cô ta đã dành toàn bộ thời gian còn lại của cuộc đời để làm việc đó. Nhưng lần này cô ta đã thua. Cô ta không kiện được họ, và cuối cùng chết trong cảnh nghèo túng.

Câu chuyện của Yosuke khiến ai nấy đều cảm động. Bà Chikako bỏ bát đũa sang một bên, chống tay vào má, thừ ra.

- Còn một điều đáng nói nữa - Yosuke nói - Người đã tạo ra Ngày lễ Mẹ, cái cô Anna ấy, đã chết một cách cô đơn. Cô chưa bao giờ lấy chồng, và chưa bao giờ được làm mẹ.

Mọi người nghe xong, ngồi im lặng với những tưởng tượng của riêng mình về người đàn bà đáng thương kia.
- Đấy là một sai lầm - Ông Fusao nói - Ý bố là, không được làm mẹ là một thiệt thòi. Nhiều cô thời nay không muốn lấy chồng, đẻ con để được rảnh rang vui thú. Thật là sai lầm. Tình mẫu tử là một thứ tình cảm rất thiêng liêng. Nhưng mà, trong xã hội tân tiến ngày nay, tình cảm này có vẻ như bị phai nhạt đi hay sao ấy? Có phải những tiện nghi của cuộc sống hiện đại đã làm mất đi những cơ hội để tình cảm của con người được bộc lộ một cách bản năng nhất? Bố nói như vậy vì bố nhớ lại một kỷ niệm, xảy ra vào năm kia, trong đợt bố đi công tác ở Indonesia ấy.

Đợt ấy, bố đi kiểm tra kỹ thuật cho một dự án của chính phủ viện trợ cho Indonesia. Công trình nằm ở một làng ven biển, heo hút lắm, từ thị trấn phải đi xe đò thêm hai tiếng nữa. Hôm ấy có sự cố nên bố phải xuống công trường muộn. Trời tối mịt mùng, mưa như trút, do có một cơn bão đang kéo vào. Bố không có áo mưa. Cũng may là công trường cách đường cái chỉ độ nửa cây số nên bố quyết định đội mưa đi bộ vào. Đường rất lầy lội, lại tối nên bố phải rất cẩn thận mới không ngã.

Đang đi, bố phát hiện ra phía trước bố còn có một người nữa. Một người đàn bà. Bà ta choàng một cái áo đen kiểu của người Hồi giáo, trùm kín từ trên đầu trở xuống. Bà ta đi lom khom, những chỗ ngập nước bà ta bước dò dẫm, có vẻ rất cẩn thận. Bố hỏi bà ta về đâu, bà ta nói tên một làng, cách đấy khoảng bảy, tám cây số. Nghĩa là bà ta còn phải đi bộ ba tiếng đồng hồ nữa mới về đến nhà. Bố thấy bà ta thật tội nghiệp, nên lúc đến công trường, bố bảo bà ta đứng đợi và mang ra cho bà ta một cái áo mưa. Ở công trường có điện, nên lúc ấy bố mới nhận ra đó là một người phụ nữ còn trẻ, khoảng độ ba mươi. Chị ta mừng rỡ nhận tấm áo mưa và bỏ tấm vải choàng ra để mặc áo mưa. Khi tấm vải được bỏ ra thì bố thấy trong lòng chị ta một đứa bé con đang say ngủ. Người mẹ đã bế nó bằng cả hai tay và dùng răng cắn chặt tấm vải rủ xuống trước ngực để che mưa cho nó. Hình ảnh ấy làm bố trào nước mắt, và khi chị ta đã đi xa rồi, bố vẫn còn đứng đấy nhìn theo, thầm ước trời sẽ thôi mưa, để chị ta đỡ khổ một tý.

Ông Fusao ngừng lại, quay sang vợ và thấy nước mắt đã chảy tràn khuôn mặt bà. Ông nhẹ nhàng đặt tay mình lên cánh tay bà, ra chiều an ủi.

- Vậy là - Yosuke nói - Trong cái đêm mưa bão ấy, khi cả vũ trụ quây vào tấn công người đàn bà kia, chị ta vẫn che chở cho đứa con của mình trọn vẹn. Đứa bé ấy có lẽ còn quá bé để hiểu, nhưng nếu nó hiểu được chuyện này thì khi lớn lên, nó sẽ vững tâm hơn trước những mưa gió của cuộc đời, bởi nó biết rằng bao giờ cũng có một nơi trong vũ trụ này để nó trở về, nơi lúc nào cũng khô ráo và ấm áp. Đó là lòng mẹ.

- Bố cho rằng chỉ phụ nữ mới có tình yêu thực sự. Còn đàn ông chúng ta thực chất đều rỗng tuếch cả - ông Fusao nói.

- Trừ một số ngoại lệ. Những nghệ sỹ, những nhà văn chẳng hạn. Phải rồi - Yosuke nói, và đứng lên - Nhân dịp này con sẽ đọc tặng mẹ, và cả Liên nữa, một bài thơ của Eugene Field. Bài thơ có tựa đề "Mẹ và con".

Trong đêm, giọt sương bé xíu
Khẽ khàng đậu xuống cánh hồng
"Ôi con dấu yêu, bé bỏng
Nằm vào lòng mẹ đi con!"

Bầu trời ghen với cảnh ấy
Nhăn nhó cuốn bóng đêm về
Quăng xuống một chùm ánh sáng
Giằng lấy giọt sương mang đi!

"Hãy trả lại con cho ta -
Con ơi!" - đóa hồng thổn thức
Ha! Trời già đắc thắng cười gằn
Đau khổ, đóa hồng gục chết.

Đó là lần đầu tiên Yosuke đọc thơ tặng mẹ. Và đó cũng là lần đầu tiên, cậu thấy thơ không hẳn là một trò vô bổ.

Còn ông Fusao thì nghĩ, tất cả đàn ông đều rỗng tuếch, kể cả bọn nhà văn, chỉ trừ một số nhà văn lớn, những người biết dùng tài năng của mình để ca ngợi phái đẹp.

2 comments:

  1. Xem VNSexpress thì thấy là năm nay ở Sài Gòn, con cháu của Bác Hồ cũng tổ chức ngày lễ cho Mẹ rồi. Những ngày như vậy thật sự là cần thiết, kể cả đứng trên kía cạnh tình cảm cũng như kía cạnh kích cầu nền kinh tế. Vì xét cho cùng, các bà mẹ của chúng ta mới chính là những người mua sắm khôn ngoan nhất.

    Thay vì tổ chức những ngày như Doanh Nhân Việt Nam, ngày mùng 8/3 hay 20/10 thì những ngày cho Mẹ, cho Ba có ý nghĩa hơn nhiều.

    Thật tội nghiệp cô Anna nhỉ. Có khi tặng cô Anna danh hiệu giống như bác hồ cũng được đấy chứ. Kiểu như người không con mà có triệu con ấy. Chẳng có gì là không thể cả.

    Nhưng sao đoạn kết nghe có vẻ bi thảm, Nội dung của bài thơ cũng vậy.

    Câu bình luận của Bố Kazuhito cũng đúng phần nào. Nhưng ông ấy hơi tôn thờ các nhà văn quá. Em thấy mấy ông tiến sĩ khoa học chuyên cờ bạc như tụi anh em mình cũng rất tôn thờ phái đẹp đấy chứ.

    Càng đọc, càng lôi cuốn. Nếu chuyện này mà có hình mình họa kiểu Manga thì tuyệt cú mèo. Háo hức đọc như hồi đọc 7 viên ngọc rồng. ke ke ke.

    ReplyDelete
  2. Kaz 9 thật sự là một câu chuyện xúc động, tình cảm của người mẹ dành cho con thật bao la. Thích cái đoạn ""Cả vũ trụ quây vào tấn công người đàn bà kia, chị ta vẫn che chở cho đứa con mình trọn vẹn...".

    Không ngờ số phận của một người làm tất cả để có được một ngày cho mẹ lại kết thúc bi thảm như vậy. Nhưng điều đó sẽ được đền đáp bởi hàng năm đến ngày này người ta lại nhớ về cô, cảm ơn cô đã đấu tranh đến cùng vì một lý tưởng cao cả.

    @Namazu: Ha ha ha người không con mà có triệu con, bro hài hước vãi.

    ReplyDelete