Khóa học tiếng Nhật vỡ lòng ở khoa Quốc tế có năm lớp, mỗi lớp khoảng hai chục học sinh, Âu Á đủ cả. Đông nhất là sinh viên Trung Quốc (khi nghe tôi nhận xét về điều này, anh giai người Afghanistan ngồi cạnh tôi bảo "Ở nước tao có câu ngạn ngữ: Hễ lật mỗi viên đá bên đường lên sẽ thấy một người Trung Quốc"). Đa số học sinh trong lớp đều có hoàn cảnh như tôi, nghĩa là đều được nhận học bổng để đi học trước khi vào một khóa nghiên cứu không cần đến tiếng Nhật, nên không khí học tập khá chểnh mảng. Học sinh đến lớp bữa đực bữa cái, báo hại bà giáo Nishihara phải bỏ rất nhiều thời gian để nhắc lại bài cũ. Tôi cũng không mặn mà lắm với tiếng Nhật, và thường đến muộn các lớp đầu buổi sáng. Sang học kỳ hai, tôi tìm thấy một động lực giúp tôi đến lớp chăm chỉ hơn. Đó là Yanlin, một cô gái Trung Quốc mà tên phiên âm Hán Việt là Yên Lâm. Yên Lâm nhỏ nhắn, hay ngồi bàn đầu, học giỏi nhất lớp. Lẽ dĩ nhiên là người Trung Quốc học tiếng Nhật rất dễ, vì không cần phải học chữ Hán. Chữ Hán là trở ngại lớn nhất của việc học tiếng Nhật của sinh viên nước ngoài. Yên Lâm tóc ngắn và môi đỏ đã rất nhiệt tình giảng cho tôi một cách tỷ mỷ về cấu tạo của các chữ Hán mới học, nhưng các bài giảng của cô chỉ lưu trong bộ nhớ của tôi được khoảng nửa buổi, về cuối buổi học thì trong đầu tôi chỉ còn vơ vẩn một ý nghĩ là làm sao để rủ cô đi chơi và hôn được làn môi tươi mát của cô.
Chắc chắn không phải vì đánh hơi được cái ý đồ xấu xa ấy của tôi mà về cuối học kỳ, Yên Lâm lên lớp thất thường, và cơ hội gặp được cô trở nên thưa thớt hơn. Khi tôi hỏi thì cô ta chỉ giải thích qua quít, thậm chí mỗi lần giải thích một kiểu. Lớp chúng tôi đã bế giảng mà không có cô. Hôm đó chúng tôi chụp chung một kiểu ảnh kỷ niệm dưới cây long não lớn trước tháp đồng hồ, và cô Nishihara là người phụ nữ duy nhất trong bức ảnh đó.
Thành tựu của một năm học tiếng Nhật không nhiều nhặn gì, chỉ đủ giúp tôi chào hỏi, giao tiếp chút ít với người Nhật. Trình độ đọc của tôi rất kém, do vốn chữ Hán không đủ. Và khi tôi chính thức chuyển vào khóa tiến sỹ thì việc học tiếng Nhật của tôi cũng dừng hẳn. Chính phủ Nhật hoàn toàn có lý do để phàn nàn về kết quả năm học đầu của tôi, nếu họ biết về nó.
Ayumi đã không phàn nàn về tiếng Nhật của tôi, có điều tôi nghĩ rằng nếu tôi nói khá hơn thì những khoảng lặng vô duyên trong những chuyến chúng tôi đi chơi với nhau sẽ ít đi. Tôi bắt đầu bằng việc ôn lại ngữ pháp, việc này tương đối đơn giản, bởi ngữ pháp tiếng Nhật cơ bản không có lắm quy tắc, và cả ngoại lệ, như tiếng Anh. Tôi không đi sâu vào việc phân biệt các trợ từ có nghĩa khá giống nhau (ví dụ như "đối với" và "liên quan đến") mà chỉ chọn ra một từ dễ nhớ nhất để dùng. Tôi cũng bỏ qua thể kính ngữ, tức cách nói thể hiện sự trịnh trọng và tôn kính của người Nhật khi nói với người có địa vị cao hơn hoặc trong một môi trường nặng tính xã giao. Phương pháp học của tôi có hiệu quả tốt, và sau hai tháng tôi đã nắm lại được tất cả cách nói của giáo trình "Tiếng Nhật cho mọi người" trình độ sơ cấp.
Cửa ải tiếp theo là chữ Hán. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì bốn thứ tiếng khó nhất thế giới là tiếng Hoa, tiếng Quảng Đông, tiếng Nhật và tiếng Ả rập (thực chất, tiếng Quảng Đông chỉ là một phương ngữ của tiếng Hoa). Như vậy trừ tiếng Ả rập, còn lại là các ngôn ngữ sử dụng chữ Hán. Yên Lâm chân thẳng và hay mặc váy bò có lần nói với tôi rằng chữ Hán trong tiếng Nhật còn phức tạp gấp bội so với tiếng mẹ đẻ của cô, bởi trong tiếng Trung Quốc, mỗi chữ Hán chỉ có một cách đọc, còn trong tiếng Nhật thì có hai cách đọc hoặc nhiều hơn. Khi hai chữ Hán ghép vào với nhau thì người Trung Quốc chỉ có một cách đọc, còn trong tiếng Nhật, tổ hợp của hai chữ Hán đã biết vẫn là một cái chưa biết. Tôi đã từng ngạc nhiên khi giáo sư của tôi phải hỏi một sinh viên người Nhật về cách đọc tên của nó. Tên người Nhật thường viết bằng chữ Hán, và việc chọn chữ Hán nào (vì có nhiều chữ Hán đồng âm khác nghĩa) để ghi lại âm phát ra khi gọi tên đứa bé là một nỗi băn khoăn thú vị và trọng đại của cha mẹ nó. Đó có khi còn là một trò chơi chữ bí hiểm. Chẳng hạn tôi biết một người, tên được viết theo chữ Hán là Ngũ Nguyệt, để chỉ tháng 5, nhưng cách đọc là May, nghĩa là tháng 5 trong tiếng Anh! Điều này cũng tương tự như việc ghi tên tôi bằng từ "Vườn bách thú" vậy, vì từ này có nghĩa như từ Zoo trong tiếng Anh, đọc là Du!
Ayumi đã phá lên cười khi tôi đưa ra cái ví dụ ấy. Và từ đó về sau, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được tin nhắn của nàng, trong đó viết: "Em đang nhớ vườn bách thú đấy!".
Việc học tiếng của tôi tiến bộ nhanh chóng cũng là nhờ Ayumi. Nàng rất chịu khó viết thư cho tôi thay vì gọi điện thoại. Những bức thư của nàng được viết theo thể văn nói, vì vậy đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi hội thoại với người Nhật, và quan trọng nhất là với Ayumi. Với nàng, lắm lúc tôi đã có thể đoán trước được ý nàng muốn nói.
Một gã thông minh (và đểu cáng!) nào đó đã từng nói: Cách nhanh nhất để học một ngoại ngữ là trên bụng một người đàn bà bản xứ!
Tôi nghĩ hắn nói đúng, và bắt đầu nghĩ đến làn da bụng của Ayumi.
Đọc Kaz(7) không comment được vì chưa thấy rõ chiều hướng về tình yêu của Liên và Kazuhito. Không biết là Kazuhito có nghĩ đến làn da bụng của Liên không nhỉ.
ReplyDeleteCòn Kaz(8) thì rõ là "Ngôn ngữ của tình yêu rồi"
Em hoàn toàn đồng ý với cái gã thông minh và đểu cáng đó. Cần phải nghĩ đến làn da bụng...thì mới học tiếng Nhật tốt được.
Thật ra câu châm ngôn này là của Kazmac thì phải, em nghe nói Mac từng là "Thằng lùn ở các nhà thổ của Đức". Có lẽ thế mà Mác viết triết học giỏi.
Phải tập viết tiểu thuyết thôi.
Hihi,
ReplyDeleteMay mà còn có Ayumi và lớp tiếng Nhật đã bế giảng nếu không thì cặp chân thẳng của Yên Lâm sẽ làm Kanji của Du bay hơi hết!
Đồng ý với Namazu.. càng đọc càng hay...
Chờ tập tiếp theo của bro..
À mà giờ em mới biết cây "súp lơ" là cây nong lão đấy nhé!