Khu vực ngã ba, giao nhau giữa hai con phố Mokuya và Sanjo là chỗ đông đúc nhất cả khu. Các cửa hiệu vui chơi giải trí lớn đều tụ lại trong khu vực này. Quãng phố trước tòa nhà Fun World, đèn biển hiệu chiếu sáng như ban ngày, tiếng nhạc rào rào từ những chiếc máy đánh xèng trên tầng lầu bay ra tận ngoài đường.
Qua quãng ấy, tôi rẽ phải ra phía bờ sông. Tiếng trống ếch văng vẳng cho thấy đám múa lửa vẫn còn ở đó. Có bốn cái trống tất cả, nhưng chỉ có một tay đập trống, mấy tay còn lại đang ngồi nghỉ bên cạnh, trống vẫn để dưới chân. Một cô gái mặc quần áo đen, bên sườn đính những mẩu kim loại sáng loáng, hai tay xách hai cái cốc lửa treo trên đoạn dây dài chừng nửa mét, vừa tiến lui theo nhịp trống vừa vung vẩy hai cái cốc tạo thành những vòng tròn vây kín quanh người. Quỹ đạo của hai hòn lửa có lúc áp sát vào nhau, có lúc rượt đuổi nhau như mèo vờn chuột, lúc giãn ra như hai bánh xe tam mã chở một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, có lúc lại giao nhau thành một chữ X lớn. Dáng người mảnh dẻ và uyển chuyển như rắn của cô gái có lúc tưởng biến mất sau bức tường lửa. Những họa tiết trên bức màn nóng rực ấy biến đổi liên tục theo tiết tấu dồn dập của chiếc trống bịt da. Nhịp trống mỗi lúc một nhanh, đến mức không còn có thể nhìn rõ từng động tác của tay trống đang ngồi trong một vùng tối sát bờ kè bằng đá, chỉ thấy nửa người trên của gã lắc lư qua phải qua trái, đôi khi đột ngột rướn lên, căng cứng, rồi đổ gập xuống. Sau lưng gã, bóng đen âm u, bất động của những cây liễu lớn bên kia sông nhô cao lên khỏi nền trời tối lờ nhờ, thỉnh thoảng lại sáng vụt lên bởi ánh đèn pha của một chiếc xe chạy qua, khiến khung cảnh nhuốm vẻ ma quái, kỳ bí như trong buổi lễ tế thần của người da đỏ.
Lửa trong một chiếc cốc bị tắt, hình như ngọn nến đã cháy hết. Cô gái quay lại nói gì đó với gã đánh trống. Tiếng trống ngưng bặt. Đêm bỗng như loãng ra. Đám múa lửa bắt đầu lúi húi thu dọn đồ đạc cho vào những bọc da lớn có khuy kéo. Họ có vẻ là sinh viên của một trường đại học. Tôi nghe loáng thoáng tiếng một đứa hỏi đứa kia về giờ làm thêm vào buổi sáng. Bọn sinh viên Nhật hầu như đứa nào cũng có một công việc bán thời gian, những việc chân tay như chạy bàn trong tiệm ăn hoặc sắp xếp hàng hóa trong siêu thị. Những công việc như thế giúp chúng kiếm đủ tiền tiêu vặt, tiền ăn trưa và đi lại.
Đám múa lửa dọn đi, trả lại sự trống vắng cho khoảng bờ sông họ vừa đứng. Chỗ ấy, mặt đường được lát đá khá sạch sẽ, một chỗ lý tưởng cho các đám thanh niên tụ tập hát hò, nhậu nhẹt. Có lần tôi thấy ở đấy một lớp học sinh trung học tổ chức trò chơi tập thể kiểu như sinh hoạt Đội ở Việt
Sông Kamo không giống một con sông, nó giống như một con kênh hơn, bởi phần lớn thời gian trong năm mực nước của nó chỉ ở khoảng một vài mét, có thể nhìn rõ những khối bê tông lót đáy để chống xói. Hai bờ sông được kè bằng đá hộc theo lối kè thưa, cỏ vẫn mọc tự nhiên trong những khoảng mạch rộng chừng một gang tay.
Tôi tìm được một phiến đá khá dài trên đỉnh kè, chỗ ấy hơi thoải, có thể ngả lưng mà không phải lo bị trượt xuống sông. Cách đấy một quãng, một đôi tình nhân đang ngồi.
Tôi nằm ngửa, gối đầu lên một miếng cỏ ẩm. Trăng lưỡi liềm đã đi chếch xuống phía sau gáy và nằm như thế tôi không nhìn thấy nó. Trời rất ít sao. Những ngôi sao ở phía Bắc có vẻ sáng hơn những ngôi ở giữa vòm trời. “Vũ trụ có hơn bốn nghìn tỷ thiên hà”. Bao giờ cũng thế, mỗi lần nằm ngắm sao, tôi đều nhớ đến câu mở đầu của một bài đọc Anh ngữ thời cấp ba. Một bài nói về cấu tạo của vũ trụ. “Mỗi thiên hà có hàng tỷ hằng tinh, và mỗi hằng tinh có thể có từ một đến hàng trăm hành tinh quay quanh nó. Trái đất là một trong số những hành tinh như vậy”. Những con số! Chúng lớn đến mức vô nghĩa. Cảm giác tuyệt vọng luôn tràn ngập tâm trí tôi từ sau bài học ấy, mỗi khi nằm dưới vòm trời đêm, một cảm giác không hề có trước đó. Lúc tôi còn nhỏ, khoảng mười hai, mười ba tuổi, gia đình tôi sống trong một khu tập thể năm tầng. Mùa hè, gặp bữa mất điện là tôi lại theo mấy ông anh vác chiếu lên sân thượng nằm chơi. Mấy ông anh chụm đầu uống rượu, tán phét. Tôi nằm một mình một chiếu, ngắm như thôi miên những đóa sao trong veo, cảm thấy chúng rất gần, rất thật. Tôi cố nằm im, không cử động mạnh trong một khoảng thời gian rất lâu, để xem sông Ngân Hà có thực sự di chuyển như tờ báo thiếu niên đã nói hay không? Tôi nhớ, báo nói rằng sự di chuyển ấy rất chậm, phải mất hàng tiếng đồng hồ mới có thể nhận biết được. Rất nhiều lần tôi định bụng sẽ thức dậy vào khoảng ba, bốn giờ sáng để kiểm nghiệm cái lý thuyết ấy, nhưng chưa bao giờ làm được. Tôi luôn chỉ thức dậy vì không chịu nổi hơi nóng của mái bê tông đang bốc lên hầm hập và ánh nắng chói chang chiếu thẳng vào mắt.
Tôi đã từ bỏ ý định kiểm tra những giả thuyết về vũ trụ. Tôi thích những ngôi sao vĩnh viễn chỉ là những vì sao như của chú bé chăn cừu trong truyện của Alphonse Daudet. Tôi thích hình dung những ngôi sao như một nhúm ánh sáng không thể sờ tay vào được. Từ lâu, tôi mất hẳn hứng thú với những phát hiện mới của ngành thiên văn học, chẳng hạn một ngôi sao trẻ có tuổi đời xấp xỉ mười triệu năm và cách trái đất của chúng ta chỉ một triệu năm ánh sáng. Tôi không thể hình dung nổi vũ trụ đang giãn ra như thế nào? Giãn vào cái gì mới được cơ chứ? Vậy ra, ngoài vũ trụ còn có một cái gì đó khác nữa, điều này thật quá sức tưởng tượng của tôi.
Tôi cố gắng cắt nghĩa sự bi quan của mình trước vũ trụ. Tương quan giữa cái không gian mà thân thể của một con người choán giữ với cái vô biên vô tận của vũ trụ phải chăng chỉ là một phần nguyên nhân của cảm giác bất lực ở con người? Câu nói “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả thế giới” chẳng có tác dụng an ủi chúng ta một chút nào. Cụ Galilei ơi, dù cụ có nâng bổng được thế giới này thật đấy thì điều đó đối với vũ trụ cũng chỉ giống như một con kiến bập bênh với một hạt gạo thôi. Và thời gian! Những so sánh giữa thời gian của một đời người với hàng trăm triệu năm tuổi của những khối đá vô tri đang phiêu dạt ngoài kia có lẽ chỉ khiến con người ta chán chường hơn mà thôi! Tôi cảm thấy dễ cảm thông với một ai đó tự sát vì quá hiểu biết vũ trụ. Nhưng dẫu sao cũng không nên tìm đến cái chết vì sợ hãi, như Pascal đã nói, mà hãy đợi xem vũ trụ sẽ giết ta như thế nào. “Kể cả khi vũ trụ đè bẹp loài người thì loài người vẫn có thể tự hào rằng đã biết trước những điều đang xảy ra, còn vũ trụ thì không hề biết đến chiến thắng của nó”. Mà nói thế thì có khác gì chú AQ bên Tàu bảo “Thứ chúng mày không xứng!”.
Những suy nghĩ miên man, bất định, hay làn không khí trong lành của đêm tháng ba đã làm cơn nhức đầu biến mất từ lúc nào. Sương xuống lây phây, có mùi rất ngọt của một loài hoa dại. Tôi buồn ngủ đến díp cả mắt, nhưng chắc chắn không thể nằm thế này mà ngủ được. Chỗ nằm của tôi lạnh cóng và tôi phải quay sang nằm nghiêng để giảm bớt sự tiếp xúc với mặt đá. Nhưng nằm nghiêng cũng không ổn, vì tai và má tôi úp vào cỏ rất nhặm, được một lúc lại phải quay sang nằm ngửa. Tôi cứ loay hoay như thế mất một lúc, trong khoảng thời gian ấy, nếu có một thiên thạch khổng lồ chuẩn bị va vào trái đất thì tôi cũng không thấy điều đó quan trọng hơn việc làm sao để lưng và má tôi đều không bị lạnh. Rồi đột nhiên, tôi nhớ ra là mình đã ra ngoài quá lâu và đến lúc phải quay lại với Kaz.
Tôi không quay về bằng đường cũ, mà men theo con đường đất dọc bờ sông. Không gian rất im, chung quanh chẳng còn bóng người nào. Tôi cắm cúi bước, cố ý thả lỏng hai chân. Những chỗ mặt đường gồ sống trâu, gót giày của tôi lại bị vấp đánh bộp một cái. Tự nhiên tôi có cảm giác như đang đi trên lối vào nhà bà ngoại, và bỗng sợ rằng tiếng bước chân của tôi sẽ đánh thức vài con chó đang ngủ sau hàng rào gỗ của các nhà ven đường.
Không có con chó nào bị thức dậy ngay cả khi tôi đã về đến lối bậc thang dẫn lên phố Shijo.
(còn nữa)
Sự tưởng tượng của Nhà văn Huy Bầu thật phong phú. Trong Kaz(2) ấn tượng để lại sâu sắc cho Namazu gồm 2 phần.
ReplyDeletePhần 1 là phần tả thực trộn lẫn với cái nhìn đầy hình ảnh điêu khắc của nhà văn về những buổi biểu diễn trống và lửa bên bờ kamo, cạnh cây cầu Sanjo. Người thường chỉ đi qua chỗ đó, nhộn nhịp, ồn ào. Cái cảnh tượng đông đúc đó làm cho người ta chẳng suy nghĩ được gì nhiều, ngoài sự căng mắt ra và khen nó hay, nó đẹp. Nhưng hãy nhìn nó ở một không gian rộng hơn, không gian giành cho sự thèm muốn giải phóng tư tưởng sau những nặng nhọc của cuộc sống, sau những trận rượu bù khú. Thì đúng là những hình ảnh uống éo, bập bùng đó gợi lên sự mơ hồ, đôi khi là ma quái.
Phần 2 là sự mô phỏng, so sánh về vũ trụ bao la. Nó mang tính triết học ở đây. Vũ trụ và cuộc sống, cuộc sống hình thành từ vũ trụ bao la và có thể sẽ vĩnh viễn biến mất trong cái sâu thẳm của vũ trụ. Có thế chúng ta mới thông cảm được vì sao có những người tự tử vì một lý tưởng, hay đại loại là bất cứ vì một lý do nào đó. Suy cho cùng thì tất cả cũng sẽ tiêu tan cùng với thời gian. Nhà văn chưa đưa ra một kết luận gì ở đây cả, có lẽ đó chính là sự lựa chọn tốt nhất để các câu truyện vẫn luôn tồn tại như vũ trụ vậy.