Sunday, February 22, 2009

Ấn tượng Nhân văn (1)

Mình đọc văn học giống như đi roller coaster.

Có đợt chỉ thích đọc văn học nước ngòai, chẳng thích đọc văn học VN tẹo nào. Đợt vừa rồi, đọc một loạt tác giả Nhân văn - Giai phẩm, thấy ngợp quá, cảm thấy đấy mới là đỉnh cao của VH Việt, đấy mới là nhất, văn học đương đại không theo nổi. Cũng tự biết đấy chỉ là cảm xúc nhất thời, bẵng đi một thời gian thì lại ko thấy thế nữa. Cảm xúc nó cứ lên lên xuống xuống như roller coaster là vậy, hehe..

Nhưng mà, dù gì đi nữa thì ấn tượng về Nhân văn đợt này cũng sẽ còn mãi. Dù có bao lâu đi nữa, mình vẫn sẽ thuộc lòng mấy câu này:

"Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn"

hoặc mấy câu này:

"Đê tiền triều gãy khúc
Nước vào đồng
Ngập trắng (*)
Con lềnh đềnh cõng-vắng-bơi-suông
Thương em đứng giữa mùa nước mắt"

Mình ko nhớ lần đầu tiên biết đến Nhân văn-Giai phẩm là lúc nào, nhưng có lẽ là lần đọc trên báo Văn nghệ đã lâu rồi, nhưng báo ko nói rõ, ko nói kỹ. Chắc cũng có nhiều anh em giống mình, nên tiện đây giới thiệu rõ hơn một chút.

Khoảng những năm 1950, một nhóm văn nghệ sỹ bị kết án (?) vì một số tác phẩm hiện thực của họ đăng trên báo Nhân văn và tạp chí Giai phẩm bị coi là "nói xấu chế độ". Báo bị đóng cửa, người bị đi tù, đại khái thế. Những người ấy gồm có: 1. Nguyễn Hữu Đang; 2. Trần Dần; 3. Phùng Quán; 4. Phùng Cung; 5. Văn Cao; 6. Hữu Loan; 7. Hoàng Cầm; 8. Lê Đạt và một số người khác. Mình xếp thứ tự như thế vì bốn ông đầu tiên có lẽ là tội nặng nhất, ít được nhắc đến trên báo chí nhất. Mình gọi bốn ông này là: 1. Nguyễn Hữu Đang-hào kiệt chả nhái; 2. Trần Dần-Nhất định thắng; 3. Phùng Quán-cá trộm văn chui rượu chịu và 4. Phùng Cung-Con lềnh đềnh cõng vắng.

Khởi đầu của đợt 'ngâm cứu' Nhân văn lần này là cuốn hồi ký 'Ba phút sự thật' của Phùng Quán. Ấn tượng lớn nhất là những dòng viết về Nguyễn Hữu Đang. Lúc đọc mình ko khỏi nhớ đến Hưng kừng, nghĩ bụng, đọc xong phải gửi cho nó một bản, gọi là tỏ lòng ngưỡng mộ các vị hào kiệt Thái Bình nhà nó. Để nói về NHĐ chẳng có từ nào phù hợp hơn hai chữ 'hào kiệt'. Trưởng ban tổ chức Lễ Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, người mà lúc thất thế lại tìm về "miếng thổ phần bò xéo cuối thôn" để sống qua ngày bằng cách bắt nhái băm viên làm chả. Mà vẫn ung dung! Ko vợ, ko con, ko chức tước, ko tài sản, sống như thấu triệt lẽ sống của Lão, Trang, và dám chết cho lẽ phải được sống. Ôi, con người ấy mới là anh hùng hơn những vị anh hùng bước ra từ cuộc chiến rồi nhập vào những vai bệ vệ, bóng nhẫy, tư tưởng, lối sống vẫn còn nguyên mùi vị tiểu nông, chỉ chăm chăm "vinh thân phì gia", tham quyền cố vị!

Đợt Namazu về VN có mang sang một cuốn Thơ Trần Dần. Trước đó mình đọc tin thấy cuốn này được in, lại được giải thưởng của Hội Nhà văn nữa, háo hức lắm. Nhưng cả cuốn thơ dày chỉ đọc (thích) được mấy bài, có lẽ là từ bài 'Nhất định thắng' về trước, còn những bài thơ chữ cái, thơ 'jờ joạcx' về sau thì bó tay, hehe.. Nhưng chỉ một bài 'Nhất định thắng' ấy cũng đủ làm nên tên tuổi Trần Dần, số phận Trần Dần rồi. Điệp khúc:

"Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ"

có lẽ là điệp khúc ám ảnh nhất trong thơ VN.

Tuy nhiên, câu thơ của Trần Dần mà mình thích nhất:

"Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn"


lại không nằm trong bài 'Nhất định thắng'. Đấy là câu thơ ngọt ngào nhất về thành thị mà mình từng đọc.

Dù Phùng Quán luôn tự nhận thơ là cốt tủy của ông, chứ ko phải là hai cuốn tiểu thuyết 'Vượt Côn Đảo' và 'Tuổi thơ dữ dội', nhưng mình thấy thơ PQ ko hay. Những câu thơ nổi tiếng nhất của ông là:
"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu"


Đấy ko phải là thơ, đấy là vè, là văn vần. Nếu ko kể đến hoàn cảnh ra đời và cái khẩu khí "nhất quán tận can trường" ấy thì bài thơ này ko đáng được nhắc đến nhiều như thế. Đối với mình, nói đến Phùng Quán là nói đến 'Tuổi thơ dữ dội', cuốn tiểu thuyết kể những chuyện về trẻ con nhưng làm người lớn ứa nước mắt và mỗi lần đọc lại thấy day dứt, thấy hình như mình vẫn chưa thực sự dám sống. Day dứt, rồi lại tự an ủi "Chỉ là văn chương thôi mà!". Văn chương thì tất nhiên phải có hư cấu, có thổi phồng, có tuyệt đối hóa. Nhưng "văn là người", điều này đặc biệt đúng với Phùng Quán. Ko nói đến văn, dám sống như PQ cũng khó (nhà văn thời này mấy ai dám?). Một trí thức chấp nhận sống ba mươi năm nhờ câu trộm cá Hồ Tây, ko một chút sờn lòng, vẫn khăng khăng "Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét" thì đáng phục thật. "Trung thực đến đáy" là điều thấy rõ trong 'Tuổi thơ dữ dội'. Ai cũng biết Tố Hữu là người chỉ đạo xử lý vụ Nhân văn, những nạn nhân của Nhân văn như PQ hẳn phải căm ghét lắm. Nhưng thơ Tố Hữu trong 'Tuổi thơ dữ dội' vẫn là thiêng liêng, cao cả, có sức kêu gọi cả một dân tộc vào cuộc kháng chiến, bởi sự thực đã là như thế! Và PQ quyết ko thể là người chỉ vì cảm xúc cá nhân mà nói khác đi sự thực.

Trong vụ Nhân văn, PQ "chết" vì mấy bài thơ, mặc dù thơ ko phải là tài năng của PQ. Phùng Cung thì ngược lại: Ông "chết" vì một truyện ngắn tầm tầm, trong khi tài thơ của ông mới là siêu việt.

"Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Vẫn ko đổi giọng Tân Cương"
(Phùng Cung)

Cũng như Phùng Quán, Phùng Cung đã chấp nhận sống lầm than, tủi nhục suốt cuộc đời hậu Nhân văn, nhưng quyết ko a dua và "nói như đài". Truyện ngắn 'Con ngựa già của chúa Trịnh', cái họa văn chương đã đẩy ông vào tù biệt giam 11 năm, được hiểu là để châm biếm bọn xu thời, đã động đến "vẩy ngược" của những văn-nghệ-sỹ-chuyển-sang-quản-lý-văn-hóa. Ngoài nghĩa ẩn dụ ấy, truyện ngắn mấy nghìn chữ này ko có giá trị nghệ thuật gì đặc biệt. Sở trường của PC ko phải ở chốn văn xuôi, mà ở một hình thức ít chữ hơn: Thơ. Nhưng cũng ko phải thể thơ rậm chữ. Phần lớn những bài thơ của ông chỉ có dăm bảy dòng ngắn.

Đây là bài thơ tả mùa lụt:

"Đê tiền triều gãy khúc
Nước vào đồng
Ngập trắng
Con lềnh đềnh cõng-vắng-bơi-suông
Thương em đứng giữa mùa nước mắt"


Mình ko rõ nghĩa chữ "đê tiền triều", cũng ko biết con lềnh đềnh (có lẽ giống con nhện nước), những chữ này hẳn là những "chữ quê", hoặc chữ cổ, ít dùng. Nhưng thơ ko cần phải hiểu hết từng chữ, mà chỉ cần làm cho tiềm thức của mình rung lên, vươn đến, nhập vào những cung bậc cảm xúc mà nhà thơ đã đổ tràn ra giấy là đủ.

"Thương em đứng giữa mùa nước mắt"

Mình chọn câu này để dán nhãn cho ký ức của mình về thời bao cấp. Tuổi thơ mình ở thành phố, nhưng là một thành phố có nhiều bão lụt. Sau mỗi trận bão, mở cửa ra là thấy phố xá nghiêng xẹo, nước lụt khắp nơi. Nước ngập bãi tha ma Chùa Diệc, nơi nhà mình có một ruộng rau muống. Có nhiều buổi chiều ở nhà, em gái mình khóc đòi mẹ, mình kéo nó ra ban công khu tập thể, chỉ cho nó thấy bóng mẹ đang lủi thủi trên ruộng rau.

"Mùa nước mắt" của PC ko chỉ là một trận bão, một trận lụt, mà là cả một thời bao cấp kéo dài đói khát và xuống cấp của xã hội VN, thời đã làm bật lên tiếng than thấm đẫm Nhân văn, đúng như tên gọi của nó.

Chú thích: (*) Nguyên văn hơi khác một chút. Đây chỉ là cách nhớ của mình, hehe..

2 comments:

  1. Em tar tia leiu mio beit la cno lneh dehn la cno bo nogn ahn a.

    Bác gửi cho em đọc bài về hào kiệt quê Hưng kừng đi. Đợt này phải nghiên cứu thêm thì mới comment thêm được vào bài này.

    ReplyDelete
  2. Ba phút sự thật Măngdana
    Dốc hết tình tiền của Hữu Đang
    Tiên tri đại đội Hồ Vi
    Rượu cưới máu đỏ thơ Phú Tứ
    Phố sinh từ nở hoa Trần Dần

    Ba phút sự thật Phùng Quán
    Xấp xỉ ba mươi năm dài
    Với những đêm trường ngoắc cá Hồ Tây
    Là những đêm giăng câu trong nước mắt
    Cho mũi tên sự thật
    Cắm vào óc tôi


    Tối qua, em đọc hết đến tận 4 giờ sáng. Lên Lab cái là phải vô blog của Huynh ngay để commend.

    Câu truyện nào trong nhật kí đó cũng rất xúc động. Nhà văn P.Q viết đúng theo cái cánh mà em rất thích. Đọc mà cứ như là chính ông ấy kể chuyện cho mình nghe.

    Đúng như anh nói, N.H.Đ quả thật là bậc trượng phu xưa nay hiếm. Những bao thuốc là ba số có ánh vàng bên trong, đúng là cái thời trẻ con của mình. Giá mà hồi đó sống ở Thái Bình thì chắc mình cũng sẽ đem cóc nhái đến đối lưu với bậc tiền bối.

    Tiếp về P.Q, thơ của P.Q có tính gần gũi với nhiều người, nó không đi vào dòng bác học nữa. Chẳng thế mà tự bản thân P.Q cũng khẳng định vậy với bạn thân là Tuân Nguyên. Nhưng em thấy điều đó không quan trọng, quan trọng là bản chất thơ có tính biểu cảm và thơ P.Q đã làm được điều đó trên cả cái tôi của ông. Những qui luật của thơ phú nếu đặt vào có khi không thể lột tả được.


    Viết đến đây
    Lại nghĩ đến con cá chép
    Bơi ở sông Katsura
    Vào chủ nhật tuần tới
    Không biết mùa này cá chép có trứng không?

    ReplyDelete