Lâu rồi mình cũng ko đọc thơ. Có lần nghe Hưng kun xui, vào E-văn đọc mấy bài nhưng thấy ko thấm.
Vừa rồi khui ra được cái Thi Viện, đọc phê lòi mắt, nghĩ, sao mà những lời mình nói hàng ngày vô vị thế!
Nhưng mà ko phải bài nào cũng hay. Đọc chùm thơ mười bài của Phan Thị Vàng Anh, thích nhất bài “Ngày lạnh nhất Hà Nội”. PTVA là con Phan Ngọc Hoan tức Chế Lan Viên, sinh ở Hà Nội. Sau giải phóng cả nhà Chế Lan Viên vào SG sống. PTVA sinh năm 68, có nghĩa là cũng biết mùa đông HN chứ ko phải là ko. Nhưng đấy là hồi nhỏ, có thể quên mất rồi. Vì thế vừa đọc cái đầu đề mình đã chú ý. Để xem cảm xúc về mùa đông HN của chị này thế nào nào...
“Phố nhoen nhoét và mưa van vát
Những chiếc taxi bỗng nhiên trở mặt gọi không dừng lại
Tất cả đàn ông trong hàng thịt chó đều mặc áo đen
Hai đốm lửa – hai cái áo len đỏ một góc phòng nhức mắt
Ngày lạnh nhất
Hôm nay đài báo ngày lạnh nhất.”
Hồi bé, ba mình hay giải thích cho mình rằng mỗi bài thơ đều phải có tứ thơ, tức là một câu chuyện, một bài học gì đấy. Hoặc nếu là tả thực thì phải có sự ẩn dụ ví von đặc sắc, kiểu như “ông trời mặc áo giáp đen ra trận”, chứ ko thể có thế nào nói thế ấy, đấy là văn nói, ko phải thơ.
Sau này, đến khi mấy đứa con mình lớn, nếu chúng hỏi “ba ơi, thơ là gì?” có lẽ mình sẽ phải giải thích khác đi một chút.
Phố nhoen nhoét và mưa van vát. Cái hay của thơ không phải chỉ nằm trong sự ẩn dụ. Có khi không cần ví cái A giống cái B mà chỉ cần nói “tôi thấy cái A nó thế này”, nhưng nói “thế này” bằng một từ thật độc đáo nhưng chuẩn xác thì cũng đủ là thơ rồi. Mưa “van vát” là một từ như thế.
Tất cả đàn ông trong hàng thịt chó đều mặc áo đen. Đấy là một câu tả thực, có gì đặc sắc? Nó sẽ chẳng khơi gợi một cái gì cho những ai mà trong đời chưa từng thương một con chó. Chỉ đối với những người thuở bé đã khóc vì con chó nhà mình bị đánh bả hay bị câu trộm thì sẽ hiểu tại sao “tất cả đàn ông trong hàng thịt chó đều mặc áo đen”. Thơ hé mở những nỗi ám ảnh của người viết ra nó.
Vậy thì, cái gì khiến cho nhà thơ thấy “nhức mắt” bởi màu áo len đỏ của hai người đồng nghiệp? Cảm giác khó ở và cáu kỉnh!
“Não đàn bà làm bằng gì mà chỉ nghĩ chuyện tình yêu?
Chụm đầu nghiêm trọng như âm mưu chỉ để bàn về một người đàn ông bé nhỏ?”
Hai câu này thì vứt vào bài nào cũng được. Nhưng cái hình ảnh hai người đồng nghiệp chụm đầu nói chuyện rầm rì cũng ăn nhập với cái không khí mùa đông, lúc mà bản năng mách bảo con người ta ngồi sát nhau hơn để tìm hơi ấm.
“Về thôi
Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy
Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy
Cái điện thoại cả tối không một tiếng reng
Trong tay làm một ngọn đèn
Loạng choạng
***
Sao phải chịu mùa đông lạnh nhất ở đây?
Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình
Phải về nhà thuê chỉ thấy đèn chưa bật
Phải viết nhật ký mỗi ngày chỉ cùng một thắc mắc
Chữ cong queo vì đeo găng?
Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc
Âm thầm thôi, trong đêm chỉ đôi mắt mèo động đậy
Nhớ lúc phong phanh áo mỏng rất gần tim
Nhớ những con hẻm nhỏ ít tiếng nói nhớ những con người lầm lũi...”
Cả đoạn thơ này rất thật, rất sinh động. Khó mà tả sự cô độc một cách sinh động hơn được. Cô độc là khi ta chốc chốc lại ngó cái điện thoại, mong chờ một ai đó gọi điện hoặc nhắn tin, là khi mà mỗi ngày trôi qua ko có gì mới mẻ, ko có gì gợn lên trong trí óc của ta.
“Bước tiếp thôi còn một tầng nữa thôi
Bỗng thấy mình còn sống còn đau còn hạnh phúc
Lại sợ rồi sẽ hết, những ngày này sẽ hết
Hai tiếng nữa thôi, ngày lạnh nhất sẽ qua
Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp.”
Có lẽ ai cũng đã từng ít nhất một lần trong đời có cảm giác mệt mỏi rã rời, phải đếm từng bước chân để về đến nhà. Lúc ấy, ai cũng thấy đời sao đầy đau khổ, và "còn sống thì còn đau". Nhưng ko phải ai cũng thốt lên được thêm ba tiếng nữa: Còn hạnh phúc.
Và ai chẳng muốn khó khăn, đau khổ qua mau, muốn thấy “sau mưa trời lại sáng”? Lẽ tất yếu là ai cũng hy vọng vào một điều tốt đẹp sẽ đến ngày mai. Nhưng đấy là hy vọng.
Còn cái cảm nhận về thực tại thì có thể khác. Nhất là đối với một nhà thơ. Cảm xúc của họ có thể rung lên ở những cung bậc khác thường. Đối với họ, sự tròn trịa có thể ko đồng nghĩa với cái đẹp.
“Hai tiếng nữa thôi, ngày lạnh nhất sẽ qua
Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp.”
Điều đó giải thích vì sao cuộc đời của người nghệ sỹ thường có nhiều bi kịch. Chính họ đã tạo ra những góc cạnh sắc nhọn để cứa lòng mình vào cho ứa máu, giống như con chim lao mình vào bụi mận gai, khi một ngọn gai đâm xuyên vào phổi, nó mới có thể hót lên những tiếng hót trong trẻo nhất, mê ly nhất trên đời này.
Và cũng chính vì những góc cạnh ấy mà ta yêu thơ.
Em nghĩ rằng mỗi một giai đoạn của cuộc đời, ta sẽ thấy thơ ở một trình độ khác nhau. Ngày xưa thì ta chưa hiểu, đến lúc ta trải qua nó đọc lại mới thấy nó hợp biết bao.
ReplyDeleteCao thơ ở chỗ lâu ngày
Thâm niên chính lại cho dày ý thôi.
Bây giờ đọc những bài thơ kiểu này, tuy khó thuộc nhưng mà thấy nó hợp và nhiều ẩn dụ bên trong.
Tóm lại là ngưỡng mộ những tâm hồn thơ.