Wednesday, July 9, 2008

The boys on Demachi Street

(Tặng các chiến hữu của mình trong đội bóng KyotoFC)

Khi tôi lên lớp 5 thì gia đình tôi chuyển đến sống ở phố Đề Ma Chi. Tôi sống ở đấy 3 năm trước khi chuyển về phố Lò Đúc. Quãng thời gian ấy đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ mãi...

Phố Đề Ma Chi là một con phố khá dài, bắt đầu từ ngã ba trước nhà ga, chạy thẳng về hướng đông đến một cái ngã tư lớn có tên là Bách Vạn Biên. Qua cái ngã tư ấy là khu vực của trường Kinh Đại, trường đại học lớn nhất thành phố. Trường Kinh Đại đã có từ hơn một trăm năm nay, tên trường vẫn giữ nguyên từ lúc thành lập đến giờ. Phố Đề Ma Chi đã tồn tại từ trước cả khi trường Kinh Đại được thành lập, nhưng tên phố thì đã thay đổi rất nhiều lần và chỉ mới được thành phố đặt tên như hiện nay khoảng chục năm lại đây. Theo lời các cụ cao tuổi sống trong khu này thì cụ Đề Ma Chi là bạn cụ Đề Thám, tham gia khởi nghĩa Yên Thế, sau bị bọn Pháp bắt rồi chặt đầu, vứt xác xuống khúc sông Vịt cách cái cầu xi măng mé cổng ga Đề Ma Chi một quãng độ nửa cây số về phía bắc. Tên phố được đặt như vậy để tưởng nhớ nhà yêu nước ấy.

Bấy giờ đã vào cuối tháng 7. Những cơn mưa mùa hạ đã thưa bớt, trên những tán cây tiếng ve mỗi lúc một dày đặc hơn. Đây là lúc các trường đại học bắt đầu kỳ thi cuối năm và cũng là quãng thời gian bọn trẻ ở phố Đề Ma Chi được chơi bời thoải mái nhất trong cả kỳ nghỉ hè. Chả là hầu hết bọn trẻ ở phố này đều là con em giáo viên trong trường Kinh Đại nên vào mùa thi, bố mẹ chúng đều bận ở trường cả ngày, để chúng ở nhà chẳng bị ai quản lý. Thế là hàng ngày, vào buổi sáng chúng chỉ quanh quẩn trong nhà chờ đến tầm ba giờ chiều, khi nắng vừa dịu đi một tý là chúng lại bắt đầu í ới gọi nhau, xong cả lũ ào ra phố, vừa chạy vừa hò hét, đập bóng xuống vỉa hè ầm ĩ suốt cả quãng đường từ nhà đến sân bóng.

Lúc thằng Anh béo và thằng Hùng "kép" ra đến sân bóng thì đã thấy thằng Huy "bầu" đứng ngơ ngẩn trong sân. Thằng Huy "bầu" ngoác miệng cười một cái rồi lao ngay vào cướp lấy quả bóng thằng Hùng vừa mang đến. Thằng Huy "bầu" có cái tật nghiện đá bóng, nhưng mỗi tuần bố mẹ nó chỉ cho nó đi chơi một buổi nên nhìn thấy bóng là nó như phát rồ. Nhà thằng Huy "bầu" không phải ở phố này mà ở tít bên khu có nhiều dân lao động ở phía Tây thành phố. Bố mẹ nó cũng chẳng phải giáo viên trường Kinh Đại, nhưng vì chú nó làm bên Phòng Giáo dục thành phố nên nó được "đặc cách" gửi lên học cùng trường cấp 2 với bọn trẻ con phố này theo diện trái tuyến.

Anh béo và Hùng "kép" đá quả bóng cho thằng Huy rồi bỏ đi ra góc sân thay giày, vừa lúc nhìn thấy thằng Đức "cự" và Nam "công chúa" đang đi qua cổng. Dáng đi của thằng Nam vẫn còn cà nhắc, chứng tỏ cái móng chân cái bị há miệng từ cú sút tuần trước vẫn chưa khỏi hẳn. Đi tụt lại phía sau thằng Đức và thằng Nam một quãng là hai anh em thằng Lý và thằng Sơn "xét". Gọi là Lý "xét", Sơn "xét" vì hai anh em thằng này sống trong khu tập thể của công ty may mặc có cái tên nước ngoài là "Dây-xét" hay một cái gì đại loại như thế. Mặc dù là anh em nhưng trông hai thằng chẳng có gì giống nhau cả, thằng Sơn là em nhưng cao hơn anh cả nửa cái đầu. Tuy thế nhưng rất thương nhau, đi đâu cũng có nhau nên cả phố chẳng có thằng nào dám cà khịa với anh em nhà nó.

Chiều hôm ấy trời rất oi, lại hơi âm u. Vì thế, bọn mới đến hối hả giục nhau thay giày kẻo trời mưa xuống thì chẳng đá được mấy. Xong xuôi, cả bọn đứng thành vòng tròn khởi động chân tay. Trò khởi động này là do thằng Hùng "kép" đề xướng. Trong đội bóng có một số thằng không thích trò này nhưng mỗi lần định bàn lùi thì thằng Hùng "kép" lại bảo ngay: "Anh tớ bảo thế này mới không bị chấn thương". Anh thằng Hùng làm ở Sở Thể dục Thể thao tỉnh, mỗi lần đội bóng của tỉnh đi thi đấu đều thấy anh nó trên ti vi nên bọn trẻ con phố này rất nể anh nó, vì thế nể lây sang cả thằng Hùng. Nhưng không phải vì thế mà thằng Hùng được bầu làm đội trưởng, mà vì nó là thằng đá hay nhất bọn, lại ghi được nhiều bàn thắng. Hôm đấy về đến nhà nó đem chuyện được làm đội trưởng kể cho anh nó nghe, anh nó bảo: "Đội trưởng tiếng Anh là kép-từn. Gọi thế mới oai!" Thằng Hùng khoái lắm, hôm sau bắt cả bọn gọi là "kép-từn", nhưng gọi thế thì rắc rối quá, nên rút cục chỉ gọi mỗi chữ "kép". Từ đấy thằng Hùng có biệt hiệu là Hùng "kép".

Quanh chuyện biệt hiệu này cũng có ối chuyện buồn cười. Thường thì bọn trẻ con đứa nào cũng có một biệt hiệu để phân biệt những đứa trùng tên. Có những biệt hiệu được đặt theo một đặc điểm nổi bật nào đấy của từng đứa. Nhưng có những biệt hiệu chẳng xếp được vào thể loại nào cả, ví dụ như thằng Đức "cự". Đầu đuôi là thế này: Bố thằng Đức làm bên ngoại giao, đi công tác nhiều nước, những nước như Trung Quốc, Nhật Bản bố nó đều đi nhiều lần rồi. Có lần nó nghe bố nó bảo: "Tiếng Nhật gọi Đức là Đức "cự"!" thế là ngay hôm sau nó khoe với cả bọn là nó biết nói tiếng Nhật! Nhiều đứa bĩu môi không tin, bảo mày nói thử xem nào, nó nói ngay "Đức cự". Từ đấy cả lũ gọi nó là thằng Đức "cự". Còn thằng Đức thì sau đợt ấy càng tin tưởng vào vốn tiếng Nhật của mình, mặc dù từ đấy đến giờ nó vẫn chưa học được thêm một từ nào cả.


Cả bọn đang khởi động thì thằng Tùng "beng" và thằng mờ-Sơn đến. Nhoáng một cái, cả cái sân bóng mini bỗng đầy ắp tiếng cười đùa. Thằng Tùng "beng" hôm nay đóng nguyên cả bộ quần áo cầu thủ Chen-xi màu xanh nước biển, trông rất ra dáng. Trời mùa hè, bọn trẻ con cứ đá bóng được một lúc là cởi hết áo, mặc độc cái quần xà lỏn suốt cả buổi, có khi đá xong cũng chẳng thèm mặc áo vào, cứ thế kéo nhau về nhà. Thế nhưng thằng Tùng bao giờ cũng đóng bộ nghiêm chỉnh trước lúc ra sân. Lại nữa, bộ quần áo của nó lúc nào cũng trông như mới, chứng tỏ nó là đứa cẩn thận. Ở cái điểm này thì thằng Tùng và thằng mờ-Sơn khá giống nhau. "Gia tài" của thằng mờ-Sơn là một đôi giày bóng đá, giống như giày của cầu thủ chuyên nghiệp nhưng kích cỡ trẻ em, đế có đinh nhựa, đi rất êm mà lúc sút bóng không hề bị đau chân. Đôi giày ấy là do cô nó ở bên Liên Xô gửi về cho nó vào dịp sinh nhật năm ngoái. Mỗi lần ra sân nó đều quàng đôi giày qua cổ, mỗi bên một chiếc treo lủng lẳng trước ngực, bọn trẻ con đứa nào nhìn thấy cũng thèm nhỏ dãi. Tuy thế, chẳng phải bữa nào đá bóng nó cũng lôi đôi giày ấy ra đi. Thậm chí, những lúc chạy khởi động vòng quanh sân nó cũng bỏ giày ra chạy chân đất cho mát. Vì thế, gần một năm rồi mà đôi giày vẫn bóng loáng, chẳng có lấy một vết xước.

Bài tập khởi động của thằng Hùng "kép" khá bài bản: Đầu tiên là kéo cơ tay và vai, rồi cơ lưng, cuối cùng mới đến động tác ngồi dang chân chữ V, cúi gập ép sát người vào đùi. Động tác này trông giống như vận động viên thể dục dụng cụ hay chiếu trên ti vi. Khởi động xong, cả bọn xếp hàng một bắt đầu chạy vòng quanh sân vận động, vừa chạy vừa hô "Một hai... một hai..." như bộ đội duyệt binh. Lúc mới vào đường chạy thì hàng lối còn khá đều, nhưng được một lúc thì chúng bắt đầu kéo áo, đùn đẩy nhau nên hàng lối chẳng còn ra gì cả, mà đứa nào đứa nấy thở hồng hộc nên cũng chẳng nhớ phải hô khẩu hiệu nữa.

Trong lúc bọn trẻ con phố Đề Ma Chi chạy vòng quanh thì bọn trẻ con khu Liên Cơ lần lượt từng đứa một chui qua cái lỗ hổng trên hàng rào mắt cáo tiến vào sân bóng. Tổng cộng có đến gần chục đứa tất cả. So với bọn trẻ con phố Đề Ma Chi thì bọn này lớn nhỉnh hơn một chút. Chúng là con các gia đình trong khu tập thể liên cơ quan phía sau sân vận động. Vì cả sân vận động này chỉ có một cái sân bóng đá mini nên đã có không ít lần hai bọn trẻ con này cãi cọ, ẩu đả nhau để giành sân. Chỉ đến khi ông bảo vệ sân vận động dọa nếu giành nhau sẽ đuổi cả lũ, chúng mới chịu dàn hòa rồi đi đến thỏa thuận mỗi bữa sẽ chia làm hai phe đấu với nhau.

Vì đã đấu với nhau nhiều trận nên các thủ tục chọn sân, chọn "áo" được nhanh chóng hoàn tất. Thực ra chẳng có bên nào có đồng phục thi đấu cả nên việc chọn áo cũng đồng nghĩa với việc một bên sẽ được mặc áo, còn bên kia sẽ phải cởi trần. Hôm nay thằng Hùng "kép" lại oẳn tù tì thua, nên bọn Đề Ma Chi sẽ phải cởi áo. Trận đấu bắt đầu. Bọn Liên Cơ được giao bóng. Chúng triển khai bóng sang cánh trái. Đấy là cánh có thằng Bản, đội trưởng của bọn Liên Cơ. Nó đi bóng lắt léo qua thằng Đức rồi tạt ngang ngay trước mặt gôn. Một đứa của bọn Liên Cơ băng xuống nhưng bị thằng Tùng xoay lưng cản nên nó với không tới, để bóng lăn hết đường biên dọc. Bọn Đề Ma Chi được hưởng quả đá biên. Thoáng thấy thằng Lý "xét" lẻn ra sau lưng thằng đang kèm nó, thằng Tùng đá mạnh để bóng đi dọc biên. Bóng đi quá nhanh nên thằng Liên Cơ cản hụt, vào đúng tầm chân của thằng Lý. Nó đẩy bóng lên một nhịp, tính chuyền cho thằng Hùng đang đứng khá trống trải phía trên, nhưng bóng lại đập vào chân một thằng Liên Cơ bật sang bên phải vào đúng chân Nam "công chúa". Ngay lập tức thằng tiền vệ bên kia cũng xông vào. Thằng Nam dứ bóng sang bên phải, thằng kia lao theo. Lập tức thằng Nam dùng lòng bàn chân kéo bóng về khiến thằng kia vào hụt. Thằng Nam qua được thằng này thì thấy một thằng khác xộc đến. Nó nghĩ bụng lại dùng chiêu cũ để rê tiếp, nhưng thằng mới đến không bị mắc lừa. Đúng lúc thằng Nam định giật bóng về thì nó dùng cả người ủn vào. Thằng Nam mất chân trụ, mất luôn cả bóng. Bọn Liên Cơ lại ào ạt chạy lên. Thằng Bản có bóng ở thế thuận lợi, nó tung luôn một cú sút chân phải. Thằng Huy "bầu" đổ người, chạm tay vào bóng nhưng bóng đi quá căng, chỉ đổi hướng một chút rồi chui gọn vào lưới.

Trong "lịch sử" hai bên gặp nhau, thông thường bọn Đề Ma Chi luôn bị dẫn trước. Vì thế chúng không bối rối chút nào trước bàn thua khá sớm ấy. Bây giờ bóng đang trong chân thằng Sơn "xét". Thằng Sơn "xét" đá trung vệ vào loại khá nhất đội, đặc biệt là có khả năng đánh đầu tốt. Nó đang tìm cách triển khai bóng sang cánh trái cho thằng Đức, nhưng thấy như thế hơi "tối" nên lại chuyền sang cho thằng Anh "béo" đang đứng thấp hơn một chút. Thằng Bản ập vào lấy bóng khiến thằng Anh "béo" phải trả bóng cho thằng Sơn. Bọn Liên Cơ thấy hậu vệ đối phương chuyền qua chuyền lại trước mặt gôn khá mạo hiểm bèn dồn lên, để thằng Đức đón đường chuyền nhanh của thằng Sơn khá dễ dàng. Thằng Đức đi bóng vào giữa sân, tính chuyền bổng cho thằng Hùng bên cánh phải, nhưng lại liếc thấy thằng mờ-Sơn đang chạy chỗ khá thông minh bên cánh trái nên nó chọc bóng vào đúng khe hở giữa hai thằng hậu vệ bên kia. Thằng Sơn đoán trước đường chuyền ấy nên đã đứng chờ sẵn, khi bóng lăn đến đúng tầm chân thì nó tung luôn cú sút bằng má trong. Cú sút của nó mạnh như sấm sét nhưng bóng lại bay... lên trời, trước khi hạ cánh xuống cái rãnh thoát nước ở tận cuối sân vận động.

Trận đấu càng lúc càng sôi động. Sau khi mất một khoảng thời gian đầu để làm quen bóng và chịu một bàn thua, bọn Đề Ma Chi đã ổn định được đội hình, và khi cự ly giữa các vị trí đã trở nên hợp lý thì chúng bắt đầu triển khai lối đá phối hợp "hai chạm" khá nhuần nhuyễn và đẹp mắt. Bọn Liên Cơ cũng chẳng chịu kém. Với thể lực tốt hơn, chúng di chuyển không biết mệt, tìm mọi cách cắt những đường xuống bóng của đối phương, đặc biệt, khi bóng xuống sâu vào phần sân của chúng thì chúng truy cản rất rát. Thế trận trở nên giằng co, không bên nào thực sự trội hơn cả. Vì thế, bóng cứ trả qua trả lại ở khu vực giữa sân, và thủ môn của cả hai đội cũng ít có việc để làm.


Thủ môn của bọn Đề Ma Chi là thằng Huy "bầu". Để làm một thủ môn thì thường là phải có chiều cao và phản xạ nhanh nhạy. Thằng Huy "bầu" chẳng có được điểm nào trong cả hai điểm ấy, nhưng vì nó đá kém nhất đội nên thằng Hùng "kép" đẩy nó xuống bắt gôn. Mới đầu nó cũng phụng phịu, thấy ấm ức trong lòng nhưng dần dần nó lại trở nên thích cái "nghề" bắt gôn. Nó có cả một bộ sưu tập hình ảnh những thủ môn nổi tiếng của thế giới, từ Lép I-a-xin của Liên Xô cho đến Sin-tơn của đội tuyển Anh ở Guôn-cúp 1986. Rồi đến tháng trước, sau khi dốc toàn bộ số tiền bán đồng nát nó tích cóp từ trước đến nay mua được đôi găng tay thủ môn bằng da thì mọi việc trở nên ngã ngũ. Nó nguyện từ nay sẽ luyện tập để trở thành một thủ môn xuất sắc, bởi thủ môn chính là cầu thủ đặc biệt nhất của một đội bóng, so với tất cả các cầu thủ khác thì thủ môn được trang bị nhiều hơn hẳn một... đôi găng tay. Như vậy rõ ràng thủ môn mới là có "giá" nhất, chứ còn ai vào đây nữa?

Thằng Huy "bầu" đứng không đã một lúc mà bóng vẫn luẩn quẩn giữa sân và chưa có quả sút nào cả. Nó nhìn ngang nhìn ngửa, chợt thấy thằng Thịnh "bác sỹ" đang lò dò đi tới. Nom bộ dạng ấy của thằng Thịnh, thằng Huy hỏi luôn:
- Hôm qua anh mày thắng hay thua?

Thằng Thịnh bảo:
- Hôm qua anh tao bắt tao đi ngủ sớm. Chẳng biết anh ấy thắng hay thua.

Thằng Thịnh sống với anh nó trong khu tập thể giáo viên. Anh nó ban ngày đi dạy, nhưng tối về hôm nào cũng có bạn đến chơi bài ăn tiền. Thằng Thịnh ngồi chầu rìa, thỉnh thoảng được cầm hộ bài để anh nó đi châm thuốc hay pha trà. Có mỗi một việc như thế nhưng nó có thể ngồi không biết chán từ đầu hôm đến bốn năm giờ sáng, trừ bữa nào anh nó nhớ ra và bắt nó đi ngủ sớm.

Thằng Thịnh lại bảo:
- Hôm qua tao cất cho mày sáu cái vỏ lon bia. Tý nữa về qua nhà tao mà lấy.

Đúng lúc ấy, bên kia sân có tiếng reo hò. Hóa ra thằng Đức vừa ghi bàn gỡ hòa. Thằng Đức hôm nay được đôn lên đá tiền vệ vì vắng thằng Dũng "kít", chứ bình thường nó toàn phải đá hậu vệ, chẳng bao giờ có cơ hội ghi bàn. Hôm nay chẳng hiểu sao lại ghi được bàn nên cu cậu khoái chí ra mặt, khuỳnh chân chạy khắp sân để nhận cái đập tay chúc mừng của các "đồng đội".

Bên Đề Ma Chi có sự thay đổi người. Thằng Thịnh vào thay thằng mờ-Sơn lúc ấy đã xuống sức, lại hơi tập tễnh vì cái đôi giày "gia bảo" cứa vào gót chân nó trầy cả da. Cứ hôm nào nó quên lấy băng dính cứu thương quấn gót chân trước khi đá thì hôm đấy lại bị như thế. Có đứa xấu bụng bảo thằng mờ-Sơn lấy kéo cắt béng cái mép giày khó chịu kia đi là xong, nhưng họa có trời sụp thì nó cũng chẳng làm thế.

Thằng Thịnh vào đá được một lúc thì trời bắt đầu mưa. Lúc này trời đã xâm xẩm tối, đèn chiếu sáng trên sân đã được bật lên. Trong ánh sáng huỳnh quang trắng đục, thấy rõ những vệt mưa xiên chéo xuống mặt sân. Thằng Tùng "beng" xoa xoa cái bụng trắng hếu vừa nhảy tưng tưng vừa reo: "Mát quá, mát quá!". Đá bóng giữa trời mưa là một trong những cái thú lớn nhất của bọn con trai. Cơn mưa hôm ấy lại không lớn lắm nên cả lũ trẻ con chẳng vì thế mà dừng trận đấu lấy một phút. Chúng vẫn thoăn thoắt chạy qua chạy lại dưới ánh đèn cao áp đang trở nên mờ ảo hơn sau màn mưa, khiến những người lớn đứng ngoài bỗng có cảm giác như mình đang được chứng kiến một vũ điệu của những thiên thần bé nhỏ. Còn con bé Lan vốn mê xem những bộ phim tình cảm dài tập trên ti vi thì khăng khăng bảo khung cảnh hôm ấy giống hệt như trong một bộ phim Hàn Quốc.

Lúc mưa tạnh thì trời cũng đã tối hẳn và trận đấu cũng kết thúc. Bọn nhóc hối hả thu dọn đống quần áo giày dép ở góc sân lúc này đã ướt sũng nước mưa rồi từng toán từng toán lần lượt kéo nhau về, tiếng í ới của chúng tan dần vào bóng đêm đang trùm xuống khắp sân vận động rồi im hẳn, cuối cùng chỉ còn tiếng côn trùng chốc chốc lại rộ lên, rộ lên...


*********

Thằng Hùng "kép" về gần đến nhà thì đã ngửi thấy mùi thịt nướng thơm nhức mũi, tự nhiên nó cảm thấy đói kinh khủng. Nó lí nhí chào bố nó đang ngồi đọc báo trong phòng khách rồi xông ngay vào bếp. Mẹ nó đang quạt chả trên một cái chậu nhôm con đựng đầy than hoa đã bén đỏ, chốc chốc lại cháy bùng lên vì mỡ trên vỉ nhỏ xuống. Mẹ nó bảo: "Hùng vào giúp mẹ một tay" rồi giúi cái vỉ cho nó lật qua lật lại trong khi mẹ nó xếp những miếng thịt đã cắt nhỏ ướp sẵn trong cái bát ô tô lên một cái vỉ khác. Thằng Hùng bảo mẹ: "Ôi, thơm quá! Ngon nhỉ mẹ nhỉ", vừa nói vừa nhón tay bốc một miếng thịt đã nướng cháy cạnh cho vào miệng. Vị nồng của tỏi ướp làm nó tỉnh cả người, nhưng vẫn thấy nhàn nhạt, chợt nhớ ra là còn thiếu nước chấm. Có tiếng khóa xe đánh cạch một cái ngoài hành lang, chắc là anh nó đi làm về. Quả thật, ngẩng lên đã thấy anh nó thò đầu vào: "Hôm nay nhà mình quạt chả hả mẹ? Nhưng mà con chẳng kịp ăn đâu, mẹ cất phần cho con nhé". Mẹ nó bảo: "Lại đi chơi à? Phải ăn xong mới đi chứ?" Tiếng anh nó từ trong nhà tắm vọng ra: "Con có hẹn. Vả lại, chiều nay ở cơ quan có sinh nhật, con ăn qua loa rồi, chẳng thấy đói" rồi nghe tiếng dội nước rào rào.

Hai anh em thằng Hùng tuổi chênh nhau tới một giáp. Ban đầu bố mẹ nó chỉ định đẻ một đứa, là anh nó, vì hồi đó mới hết chiến tranh, cuộc sống rất vất vả, mà bố nó lại chưa xin được về thành phố. Sau này, khi bố nó về làm giáo viên trường Kinh Đại và được phân nhà ở trong khu tập thể này thì cuộc sống mới dễ thở hơn một chút nên bố mẹ nó mới đẻ thêm nó. Thằng Hùng từ lúc ra đời đã ở trong khu tập thể này, tính nết hiền lành nên người lớn ai cũng quý.


Anh thằng Hùng tắm xong, đóng bộ nghiêm chỉnh, ló đầu vào bếp cười cười, bảo: "Con đi chơi đây. Mẹ nhớ đừng để thằng Hùng ăn hết phần con đấy nhé". Nói xong ào ào đi ra cửa. Tính ra từ lúc về đến nhà, tắm giặt, thay quần áo tất tần tật chỉ mất chưa đến mười phút, không đủ để thằng Hùng nướng xong một cặp chả. Anh nó ra đến hành lang, chợt nghĩ ra một cái gì đó, lại quay vào gọi: "Hùng, mày đi với anh!". Mẹ nó bảo ngay: "Đi đâu? Để nó ở nhà ăn cơm". Anh nó bảo: "Vâng, nó đi chỉ một lúc rồi về ngay ấy mà". Thằng Hùng đi theo anh nó ra cửa. Thấy anh nó mở khóa xe đạp, nó hỏi: "Hôm nay anh đi xe à?". Anh nó bảo: "Ừ. Chút nữa tao giải thích". Lúc đi ra ngõ anh nó bảo: "Hôm nay tao mà đi bộ thì muộn mất. Mày đi với anh đến đấy, xong đi xe về một mình". Nó hiểu "đến đấy" nghĩa là đến nhà chị Bích, người yêu anh nó. Nhưng nó không hiểu tại sao lại phải đi xe về. Nó đang định hỏi anh nó thì xe bắt đầu đổ dốc.


Cái dốc từ nhà nó xuống ngã tư Bách Vạn Biên không cao nhưng dài đến mấy trăm mét. Thường ngày, lúc xuống cái dốc ấy, nó phải bóp phanh liên tục để xe không đi quá nhanh, nhưng anh nó thì chẳng biết phanh là gì cả. Vì thế xe cứ lao vun vút, thỉnh thoảng anh nó còn đạp cố thêm mấy vòng. Thằng Hùng ngồi sau co rúm cả lại, tay giữ rịt cái yên xe, mắt nhắm tịt, chỉ nghe gió vù vù hai bên tai. Sắp ra đến ngã tư xe đi chậm lại, nó mới mở được mắt ra. Đến ngã tư, anh nó rẽ phải rồi thong thả đạp. Thằng Hùng lúc ấy mới có dịp hỏi anh nó về điều nó vẫn đang thắc mắc. Anh nó bảo: "Mày thấy anh từ trước đến giờ đến đấy chơi có đi xe đạp bao giờ chưa?". "Chưa", thằng Hùng đáp. "Nói ra thì mày cũng chẳng hiểu, nhưng đàn ông con trai thì mỗi thằng phải có phong cách riêng. Tiếng Anh gọi là xờ-tai đấy! Và phải giữ được xờ-tai của mình! Xờ-tai của anh mày lập ra từ trước là đi chơi thì chỉ có đi bộ! Hôm nay không thể để chị mày thấy tao đi xe đạp đến được, nên mày phải đạp xe về, hiểu chưa?". Cái từ "xờ-tai" thì thằng Hùng nghe anh nó nói nhiều lần lắm rồi. Tuy không hiểu hết ý nghĩa của từ đó, nhưng nó cũng hiểu lờ mờ rằng "xờ-tai" là phải khác người một chút, phải đặc biệt một chút.

Một lần khác nó nghe anh nó nói câu này là hồi anh nó mới bắt đầu "tán" chị Bích. Chị Bích người thanh mảnh, mắt to, mũi cao trông hơi "tây", xinh nhất phố nên có nhiều anh muốn "tán" - đấy là thằng Hùng nghe người lớn bảo thế. Có nhiều buổi tối, bọn trẻ con chúng nó chơi trong ngõ nhà chị Bích thấy có mấy anh ăn mặc "đóng thùng" lịch sự đi xe máy đến nhà chị Bích. Chị Bích tiếp khách, để cửa mở nên bọn trẻ con thỉnh thoảng lại đùn đẩy nhau ngó đầu vào xem các anh chị ấy làm gì. Mỗi lần thấy bọn nó ló đầu vào chị Bích lại cười, còn mấy anh kia thì có vẻ ngường ngượng, cúi xuống đọc báo. Anh thằng Hùng thì khác. Lần nào đến chơi nhà chị Bích, anh nó cũng chỉ đi bộ. Đến nhà, anh nó cũng chẳng ngồi trong phòng khách mà rủ chị Bích ra ngồi ở ngoài hiên xem bọn trẻ con chơi. Nhiều bữa cao hứng, anh nó còn nhảy xuống chơi trốn tìm với chúng nó, để mặc chị Bích ngồi xem, thỉnh thoảng lại cười ngặt nghẽo. Lần ấy, thằng Hùng hỏi sao anh lúc nào cũng đi bộ, anh nó bảo: "Chúng nó đi xe máy thì tao đi bộ. Kiểu của tao thế. Tiếng Anh gọi là xờ-tai đấy!". Hóa ra là vì "xờ-tai" của anh nó, chứ chẳng phải vì không có xe máy. Trong khu tập thể, nhà nó có xe máy thuộc loại sớm nhất. Hồi mới có xe máy, mỗi lần bố nó đi vào sân, ai ở trong khu tập thể cũng ló đầu ra xem. Nhiều lần nó nghe các cô trong khu tập thể ngồi tán gẫu với nhau bảo: "Kinh tế nhà ông Trường nhất cả khu này". Trường là tên bố nó. Tuy là trẻ con, nhưng nó cũng cảm nhận được chút ghen tỵ trong câu nói đó.

Hôm nay là một ngày vất vả của thằng Hùng. Trận bóng đá buổi chiều đã làm chân nó mỏi nhừ. Vậy mà bây giờ nó lại phải đạp xe leo dốc về nhà. Lúc về đến nhà thì nó thở không ra hơi, thấy mâm cơm đã dọn sẵn bèn nhảy vào ngay, quên cả rửa tay nên mẹ nó phải nhắc. Món bún thịt nướng tối nay là món nó khoái nhất nên nhoáng một cái đã ăn hết hai bát. Bố nó bảo: "Bún hôm nay hơi chua, nhỉ?". Mẹ nó bảo: "Bún mua ở cái hàng này nó thế đấy anh ạ. Chua một tý lại yên tâm hơn. Bún mà càng trắng càng dai lại không chua là có nhiều hàn the, ăn vào không tốt, có khi lại bị ung thư ấy chứ!". Bố nó bảo: "An toàn thực phẩm ở nước mình chẳng ra gì. Chẳng ai quản lý cả!". Mẹ nó bảo: "Ô nhiễm ngộ độc chẳng biết đâu mà lần. Hôm nay, cái Liên cái Thủy bên phòng thí nghiệm nước bảo nước sông Vịt bị ô nhiễm nặng. Cá chép bắt ở đấy lên toàn bị nhiễm chì, ăn vào dễ bị bệnh não". Bố nó bảo: "Nghe mấy bà khoa Sinh nói ăn mất cả ngon, cái gì cũng nhiễm độc thế này thì chẳng còn dám ăn gì nữa". Mẹ nó cười, rồi chợt nhớ ra chuyện chiều nay suýt bị ngã xe máy ở chỗ cổng trường vì đang đi thì tự nhiên xe bị bó phanh. Bố nó bảo: "Sáng mai Hùng dắt xe sang nhà chú Hưng bảo chú kiểm tra cái phanh nhé". Chú Hưng sửa xe đạp xe máy ở trong ngõ. Thằng Hùng nghĩ bụng, thế thì chút nữa phải sửa lại cái thời gian biểu.

Theo thời gian biểu của nó thì tối hôm nay ăn xong thằng Hùng sẽ phải đọc sách tiếng Anh. Chẳng giống anh nó, nó làm cái gì cũng có kế hoạch. Thời gian biểu của nó dài tới hai trang vở dán ngay ngắn trên tường trước góc học tập của nó, ghi rõ ràng từng việc. Chẳng hạn, ngày mai thứ Tư: "Buổi chiều từ 2 giờ đến 4 giờ: Học toán. Từ 4 giờ đến 6 giờ: Đi loăng quăng. Từ 6 giờ đến 8 giờ: Ăn cơm. Từ 8 giờ đến 9 giờ 30: Đọc truyện". Nhưng quãng thời gian mà nó mong đợi nhất trong tuần là từ 2 giờ đến 4 giờ chiều thứ Sáu, trên thời gian biểu nó đã lấy bút đỏ gạch hai gạch đậm dưới dòng chữ: "Làm việc gì cũng được". Nó đang nghĩ tuần này sẽ dành khoảng thời gian ấy đến nhà cái Đào mượn sách. Cái Đào học cùng lớp với nó, con chú Trung cô Hoa thư viện. Nhà cái Đào có nhiều sách thiếu nhi nên hai đứa hay đổi sách cho nhau đọc. Bọn trong lớp hay gán ghép hai đứa với nhau khiến cả hai đứa đều xấu hổ, vì thế dạo này chúng nó chẳng dám gặp nhau nhiều như trước.

Thằng Hùng nằm đọc sách được một chốc thì díp mắt lại rồi ngủ luôn lúc nào không hay. Nó mơ thấy trận đá bóng chiều nay, chỉ có điều là chúng nó lại đá ở cái sân bên bờ sông Vịt. Cái sân ấy thực ra là một khoảng bờ sông khá bằng phẳng nhưng không rộng lắm, đá bóng ở đấy thì chốc chốc bóng lại lăn xuống sông. Cũng may là chỗ mép nước, cỏ khiết mọc um tùm cao lút đầu nên bóng không rơi xuống nước. Loại cỏ này nở hoa vàng như ngồng cải, mùa nước sông lên cao đến ngọn hoa, trên mặt nước chỉ thấy những cánh hoa vàng lấm tấm lay động. Lúc ấy, bọn vịt trời từ đâu bay về đáp xuống đầy mặt sông tranh nhau mổ ăn cái hoa ấy. Một lần bóng của bọn thằng Hùng lăn xuống nước, có một con vịt to lắm, chắc là chúa đàn, đớp lấy quả bóng rồi bay lên. Tất cả bọn vịt dưới sông cũng nhất tề vỗ cánh bay theo con đầu đàn. Bọn thằng Hùng chẳng kịp làm gì, chỉ biết đứng nhìn theo đàn vịt xếp thành một hàng bay lên, bay lên mãi rồi đột nhiên biến thành một cái cầu vồng rực rỡ...


********

Trong đội bóng đá thiếu niên Đề Ma Chi, thằng Huy "bầu" là đứa lớn tuổi nhất, mười ba tuổi. Nó lại là đứa già trước tuổi nên trông có vẻ đàn anh hơn hẳn so với những đứa khác. Vì thế, cả lũ đều nhất trí để nó làm "ông bầu" của đội bóng. Chả là chúng nó thấy khi các anh thanh niên trong xóm đá bóng ăn tiền, đội nào cũng có một ông bầu đứng ra trả tiền nếu đội mình thua, nên cũng bắt chước đặt ra chức "ông bầu", chứ thực ra thằng Huy "bầu" chẳng có nhiệm vụ gì cụ thể. Tất nhiên là bọn trẻ con chẳng bao giờ thi đấu ăn tiền cả, nhưng giả dụ nếu có thì thằng Huy "bầu" cũng chẳng đào đâu ra tiền để trả cho cả đội. Trong đội bóng, có lẽ nhà thằng Huy "bầu" là một trong số các gia đình khó khăn nhất. Ba nó là công nhân xí nghiệp khảo sát địa chất, mẹ nó làm văn thư, nuôi hai anh em nó ăn học, kinh tế gia đình chẳng lấy gì làm khá giả.

Nhà thằng Huy "bầu" ở mãi khu Quế bên bờ sông Quế. Thành phố có cả thảy hai con sông: Sông Vịt nằm phía đông, là hợp lưu của sông Vịt nhánh và sông Cao Dã. Chỗ hai nhánh sông này nhập vào nhau chính là cái ngã ba sông ở mé tây bắc ga Đề Ma Chi. Từ ngã ba ấy, sông Vịt chảy qua khu Tam Điều, Tứ Điều là trung tâm thành phố, rồi tiếp tục xuôi xuống phía nam ra khỏi thành phố trước khi nhập vào sông Quế. Mặc dù có cái tên khá thô kệch nhưng sông Vịt lại là con cưng của thành phố, vì tất cả những phố buôn bán sầm uất và sang trọng nhất đều nằm tập trung hai bên bờ của nó. Để giành đất cho phố xá, từ lâu người ta đã cho nắn thẳng lại dòng chảy và kè cả hai bên bờ sông bằng đá và bê tông kít mít, không còn lấy một chỗ hở. Vì thế trông con sông bây giờ chẳng khác gì một cái kênh thoát nước cho thành phố. Hai bên bờ con "kênh" ấy trồng khá nhiều cây xanh, có lối cho người đi dạo và thỉnh thoảng, ở những chỗ rộng rãi một chút, người ta đặt xích đu, cầu trượt, v.v.. làm sân chơi cho trẻ con. Sông Vịt có thể được ví như đứa "con vàng, con bạc" của một nhà giàu có, lúc nào cũng được giám hộ chặt chẽ, khác hẳn với "người anh em" của nó là con sông Quế.

Trước đây, sông Quế là địa giới phía tây của thành phố, qua sông ấy là huyện lỵ. Càng ngày thành phố càng mở rộng dần ra nên một số vùng ngoại thành được lên chức "quận". Khu Quế nhà thằng Huy "bầu" thuộc quận Tây, một trong số những quận như thế. Mặc dù đã nằm trong một quận nội thành nhưng khu này vẫn giữ nguyên cái dáng vẻ huyện lỵ vốn có, cư dân của nó phần đông là dân làm ruộng bản địa và dân lao động từ các nơi khác đổ về. Nếu đứng trên cái cầu đường sắt bắc qua sông Quế thì có thể thấy rõ sự khác biệt giữa hai bờ: Phía đông nhìn thấy toàn nhà cao tầng, còn bãi sông phía tây là những ruộng rau xanh mướt. Những buổi chiều rảnh rỗi, thằng Huy "bầu" hay đi vào giữa các ruộng hành, cà chua, bắp cải ấy trên đường ra sông câu cá. Không như "kênh" Vịt, sông Quế là một con sông thực thụ, lúc nào cũng no căng nước. Nước sông Quế trong vắt, chảy ra từ các khe suối trên dãy núi Lam. Mặt sông uốn lượn quanh co tự do, có chỗ thu hẹp chỉ còn chừng dăm con sào, có chỗ lại trải rộng ra mênh mang như biển, thỉnh thoảng, ở chỗ gần bờ lại nhô lên một cái cồn nhỏ, trên đó mọc lên vài cái cây lòa xòa, hình dáng cổ quái. Những chỗ ấy, đám lau sậy um tùm từ trong bờ đuổi ra đến tận cồn tạo nên một vùng lấp xấp, có chỗ rậm rạp, có chỗ thưa thớt. Khi hoàng hôn xuống hay vào những đêm trăng đầu tháng, ánh sáng không đủ để len lách vào giữa đám cỏ cây thì những cái vụng ấy bỗng trở nên âm u, có chút huyền bí. Ngắm cái cảnh ấy, thằng Huy bần thần cả người, tự nhiên nó ước được thấy từ trong đám lau lách lướt ra một con thuyền độc mộc, trên đó có một vị anh hùng Lương Sơn Bạc đầu chít khăn đen vừa chống sào đẩy thuyền vừa hát: "Nước sông Dịch Thủy, chừ, lạnh ghê! Tráng sỹ ra đi, chừ, không bao giờ về..."

Núi Lam sông Quế là thắng cảnh lâu đời của thành phố, khi nhắc đến sông Quế thì không thể không nói đến dãy núi Lam nằm án ngữ phía thượng nguồn của nó. Tên của dãy núi này được đặt như vậy có lẽ bởi màu xanh lãng đãng nhàn nhạt bao phủ lấy nó vào mỗi buổi chiều hôm hay sáng sớm, khi hơi nước từ trong các tán lá tỏa ra, hòa với hơi nước bốc lên từ rất nhiều khe suối chảy âm thầm trong các hẽm núi tạo thành một màn sương đã được gọi tên: sương lam. Thuở xa xưa, Lam Sơn đã từng là một trung tâm Phật giáo lớn, trên mỗi ngọn núi đều có một ngôi chùa. Ngày nay, khách lên núi vãn cảnh chùa hàng ngày vẫn đông. Đặc biệt, trong khoảng hai tuần cuối mùa thu, khi lá của những cây phong mọc trong núi chuyển sang màu đỏ thì khách du lịch đổ về nghìn nghịt, nghẽn cả lối lên cầu Độ Nguyệt, cây cầu bắc qua sông nằm dưới chân núi.

Nhà thằng Huy cách chân núi Lam khoảng chục cây số. Có lần, thằng Huy một mình đạp xe đến tận chân núi rồi quay về. Thực ra, những năm trước, cả nhà nó đã lên núi thăm chùa mấy lần rồi, vì mẹ nó rất quý đạo Phật, nhưng lần đó nó muốn xác nhận lại cái khoảng cách mà nó nghĩ là không đến nỗi xa như thế, vì hàng ngày đứng trước sân, nó thấy núi gần ngay trước mặt, tưởng như có thể nhìn rõ từng lùm cây tán lá. Bây giờ thì nó biết là chẳng gần chút nào. Nhưng nó vẫn còn một thắc mắc, đó là vào nhiều buổi tối, nó thấy có một quầng sáng hắt lên phía sau dãy núi không biết là do cái gì? Ban đầu nó nghĩ đó là ánh điện, nhưng nếu thế thì cái bóng điện đó phải lớn lắm, sáng lắm! Nó nghĩ bụng, đợi lớn thêm chút nữa, nhất định nó sẽ tự mình vượt qua dãy núi ấy để tìm ra câu trả lời. Rồi nó nhớ đến những câu chuyện ba nó kể, và ước sau này lớn lên cũng được đi nhiều nơi như ba nó.

Ba thằng Huy là công nhân địa chất, chuyên đi khoan lấy mẫu đất đá phục vụ các công trình xây dựng. Những công trình của ba nó đều ở rất xa và ở nhiều tỉnh khác nhau. Ba nó bảo nước mình rộng lắm, mỗi nơi đều có một cái đặc biệt, chẳng nơi nào giống nơi nào. Ví dụ như ở trên Sơn La, nơi ba nó lên xây dựng nhà máy thủy điện, người ta mời ba nó ăn ruột ngựa, và khi uống rượu, xong một chén lại phải bắt tay nhau. Còn ở trong miền Tây Nam Bộ, có thứ rau mà ngoài Bắc mình không có, mới ăn thì đắng nhưng càng ăn thì càng thấy ngọt, để ăn với cá lóc kho tiêu. Ba nó bảo mỗi lần được ăn một món ngon thì lại thấy nhớ nhà, nhớ ba mẹ con nó. Thằng Huy lúc ấy nghĩ bụng, sau này lớn lên rồi nếu đi đâu thì nó cũng chỉ đi một ngày rồi về, chứ không thì nhớ mẹ lắm.

Ba thằng Huy đi làm công trình nên thường vắng nhà, nhưng mỗi đợt ba nó về thì nhà nó lại hay có khách đến chơi. Khách của ba nó có nhiều người ba nó gọi là "văn nghệ sỹ", trong đó thích nhất là bác Ái "họa sỹ", mỗi lần đến chơi bác đều làm phim "bóng" cho anh em nó xem. Làm phim "bóng" là dùng tay làm các động tác và đưa ra trước ánh đèn để bóng chiếu lên tường có hình các con vật, chẳng hạn con chó, con thỏ, v.v.. Mỗi lần đến chơi, bác Ái lại "chiếu" một hình mới, chẳng lần nào giống lần nào, có lần bác ấy còn làm được cả hình người đội nón cuốc đất trông chẳng khác gì người thật.

Khách đến chơi nhà nó tối hôm ấy là chú Phóng "nhà thơ". Chú Phóng nói giọng Huế vì nhà chú ở Huế, nhưng hiện giờ đang làm ở báo Văn Nghệ. Có lần ba nó nói đùa với chú Phóng: "Ngày xưa các cụ nhà chú đặt cho chú cái tên Giải Phóng, quả nhiên bây giờ chú được vợ giải phóng! Đặt tên con cái quan trọng thật! " Chú Phóng nửa cười nửa mếu: "Được vợ giải phóng thì củng có cái sướng, có nhiều thời gian để viết, nhưng thương mấy đứa nhỏ quá chừng chừng". Hôm ấy chú Phóng đến, ba thằng Huy bảo: "Huy sang nhà bác Nhật bảo ba cháu mời bác sang chơi". Bác Nhật là giáo sư triết học, ở cùng xóm với nhà thằng Huy, bọn trẻ con trong xóm hay gọi là bác Nhật "râu" vì bộ râu quai nón của bác. Lúc thằng Huy sang mời, bác Nhật đang ngồi ngoài sân hút thuốc lào vặt. Bác Nhật bảo: "Bố mày mời tao sang "uống rượu luận anh hùng" hả?". Đấy là tích Lưu Bị uống rượu với Tào Tháo trong truyện "Tam quốc diễn nghĩa". Thằng Huy nhớ rõ tích ấy, bảo: "Thế bác với bố cháu, ai làm Tào Tháo, ai làm Lưu Bị". Bác Nhật bảo: "Bố mày là Tào Tháo chứ. Bố mày mới là gian hùng". Thằng Huy không thích Tào Tháo nhưng nó không hiểu tại sao bác Nhật lại bảo bố nó là "gian hùng" nên nó im lặng suy nghĩ suốt cả quãng đường từ đấy về đến nhà.

Bác Nhật vào nhà, bảo ba nó: "Thằng Huy nhà mày sau này khá đấy. Mày dạy nó cho cẩn thận". Chú Phóng bảo: "Em củng muốn học anh chị ít kinh nghiệm dạy trẻ con". Ba nó bảo: "Phúc đức tại mẫu. Nhờ phụ nữ cả, chứ đàn ông như anh em mình thì chú biết rồi. Ba đồng một mớ đàn ông/ Bắt bỏ vào lồng cho kiến nó tha".

Một lát, mẹ nó bê lên đĩa lạc rang, bảo: "Huy xuống bếp học để ba tiếp khách". Ba nó bảo: "Thôi, cho nó ngồi với ba. Bác Nhật đây chẳng phải giáo sư sao?". Ba nó chuyên rượu từ cái bình lớn sang một cái be nhỏ. Mỗi bận có khách, ba nó đều rót ra đầy một be, uống hết cái be ấy thì khách về. Ba nó bảo: "Rượu mà uống nhiều thì nó uống mình".

Bữa nay, chú Phóng mang đến biếu ba nó một tập thơ của chú mới được in. Chú ngâm mấy bài cho bác Nhật và ba nó nghe. Thơ chú Phóng trúc trắc, chẳng có vần, thằng Huy nghe chẳng hiểu gì cả. Bác Nhật bảo: "Thơ chú thiếu mất cái gốc triết học". Ba nó bảo: "Nhưng thế lại có cái vô ưu". Bác Nhật bảo: "Cũng đúng". Ba nó lại bảo: "Chú trước ở Huế được gặp Trịnh Công Sơn chưa?". Chú Phóng bảo: "Chưa". Ba nó bảo: "Người đấy trong đời gặp được một lần cũng thỏa".

Khoảng mười giờ, khách về. Thằng Huy theo ba nó tiễn khách ra ngõ. Lúc quay vào, nó bảo: "Thơ chú Phóng chẳng bằng thơ ba". Lúc ba nó đi công tác, những bài thơ ba nó gửi về nhà mẹ nó đều đọc cho anh em nó nghe trước lúc đi ngủ, có đoạn: Ba viết bài thơ/ Gửi về bên đó/ Những bài thơ nhỏ/ Kết thành lời ru/ Lời ru cho con/ Ngủ trong tay mẹ/ Lời ru cho mẹ/ Một mình nuôi con...


********

Thằng mờ-Sơn lăn qua lăn lại trên giường mãi mà giấc ngủ vẫn chưa đến với nó. Lần về quê nào cũng thế, đêm hôm trước nó đều khó ngủ. Những kỷ niệm trong lần về quê năm ngoái cứ ùn ùn hiện ra trước mắt nó, rõ ràng như mới xảy ra hôm qua.

Nó nhớ lại những câu chuyện bác Quảng kể cho nó lần ấy. Bác Quảng là anh họ bố nó. Trong dòng họ, bác Quảng thuộc chi trưởng, bố nó thuộc chi thứ. Bác Quảng trước dạy cấp ba ở thành phố, sau khi nghỉ hưu thì về sống ở quê. Bác học chữ Hán, lúc nói chuyện thường dùng nhiều điển tích, điển cố dài dòng nên người lớn chẳng ai thích nói chuyện cùng, nhưng thằng Sơn thì lại mê chuyện của bác.

Bác Quảng kể: "Họ Trần ta ở Hưng Yên là một nhánh của họ Trần đại tôn ở Nam Định, nghĩa là dòng dõi vua Trần. Người mang họ Trần ở nước mình nhiều lắm, nhiều như...", bác Quảng nói đến đấy thì ngắc ngứ một chút, dừng lại tìm từ diễn đạt, "ờ, phải rồi, nhiều như khoai vậy". Dạo này, người ta thường nói "nhiều như quân Nguyên" để tả một cái gì có số lượng rất lớn, nhưng người họ Trần thì không thể ví như thế được, vì quân Nguyên là kẻ thù của nhà Trần, bị Trần Hưng Đạo ba lần đánh cho đại bại. Bác Quảng bảo, tổ tiên của các vua Trần ở nước ta là người Phúc Kiến bên Trung Quốc nối đời làm nghề chài lưới, có lần xuôi xuống phía nam đánh cá ở vùng cửa sông Tức Mạc, Nam Định, lấy vợ người Việt rồi sinh con đẻ cái ở đấy. Con cái sinh ra đều được đặt tên nôm na theo các loài cá. Đến đời thứ ba thì có ông Chép sinh ra ông Dưa và bà Ngừ. Ông Dưa sinh ra ông Leo và ông Lành Canh. Ông Lành Canh chính là vị vua đầu tiên của nhà Trần, còn ông Leo thì sinh ra ông Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông đấy.

Thằng Sơn nghe đến đấy thì ngạc nhiên lắm, bảo: "Sao trong sách cháu đọc lại kể rằng vua đầu tiên là Trần Cảnh, còn bố ông Trần Hưng Đạo là ông Trần Liễu?". Bác Quảng nhìn nó, cười hiền từ: "Cháu nhớ giỏi lắm. Đấy là một điều rất thú vị đấy". Rồi bác nó thong thả giải thích, rằng thời đó nước ta phải dùng chữ Hán để viết. Tiếng nói của người Việt ta từ ngàn xưa đến giờ vẫn thế, nhưng cách viết thì trước đây dùng chữ Hán, còn bây giờ thì dùng chữ la-tinh. Dùng chữ Hán để viết thì khá rắc rối, có nhiều từ tiếng Việt không có trong tiếng Hán thì phải dịch nghĩa sang tiếng Hán rồi mới dùng chữ Hán để ghi lại. Chẳng hạn như con cá chép, tiếng Hán gọi là "lý ngư" tức là con cá "lý". Vì thế tên ông Trần Chép được ghi thành Trần Lý, ông Dưa có tên là Trần Thừa, bà Ngừ chính là hoàng hậu Trần Thị Dung vợ vua Lý Huệ Tông. Còn tên ông Leo thì trong sách sử ghi là Trần Liễu, ông Lành Canh chính là ông Trần Cảnh, tức là vua Trần Thái Tông đấy.

Thằng Sơn há hốc mồm nghe bác nó giảng. Chuyện của bác nó quả thật không giống bất cứ truyện nào mà nó đã được đọc. Nó lại hỏi: "Thế ông Trần Hưng Đạo là cá gì?". Bác Quảng bảo: "Đến đời ông Trần Hưng Đạo thì không còn đặt tên theo tên cá, vì lúc đó nhà Trần làm vua rồi, tên con cái được đặt theo chữ Hán chứ không gọi nôm na như trước nữa".

Sau đợt ấy, bố thằng Sơn mời thầy đến nhà dạy chữ Hán cho nó. Thầy giáo tên Bảo, người bé như đứa trẻ con, cặp mắt rất sáng. Hôm đầu tiên, thầy viết lên bảng bốn chữ Hán rồi bảo: "Bốn chữ này là Phong, Lâm, Hỏa, Sơn, nghĩa là Gió, Rừng, Lửa, Núi. Chữ cuối cùng chính là tên của em đấy". Ngừng một chút, lại bảo: "Đời Chiến Quốc bên nước Nhật Bản, có ông lãnh chúa tên là Vũ Điền Tín Huyền, uy dũng vô song, đánh đâu thắng đấy. Trong tòa chính điện nơi ông ấy thiết triều có bức thư pháp to bằng bốn chiếc chiếu, viết bốn chữ này. Đấy là bí quyết chiến đấu và trị nước của ông ấy, giảng ra là: Lúc tiến thì nhanh như gió, lúc lặng thì im như rừng, lúc đánh thì dữ dội như lửa, lúc giữ thì vững chãi như núi".

Thầy Bảo dạy chữ cho thằng Sơn, mỗi chữ đều kể một câu chuyện, khiến thằng Sơn càng học càng thấy mê đắm, học đến đâu nhớ đến đấy, sau một năm thì vốn chữ Hán đã kha khá. Lúc này, nó nằm nghĩ đến lúc được "biểu diễn tài năng" với bác Quảng, bác ấy thể nào chẳng ngạc nhiên rồi khen nó hết lời?

Làng quê thằng Sơn nằm sát bờ đê. Từ đầu làng, đứng trên đê có thể nhìn thấy mái ngói ngôi nhà thờ của dòng họ nó. Ngôi nhà thờ ấy đã có được gần trăm năm nay, mái ngói đã bạc màu nhưng còn ngay ngắn. Họ nhà nó có nhiều người hiển đạt, làm chức lớn trên thành phố, vào những dịp rằm tháng giêng, tháng bảy lại về làm lễ ở nhà thờ, xe ô tô đỗ chật cả đường làng.

Lúc bố con thằng Sơn dắt xe vào sân thì đã thấy cửa nhà thờ mở quang, trên bàn thờ có mấy nén hương đang cháy, khói hương tỏa ra tận sân, không khí trầm lắng, thanh sạch. Bố nó bảo: "Chắc bác Quảng vừa mới lên đây quét dọn". Hai bố con thằng Sơn lấy lễ thắp hương mà mẹ nó đã chuẩn bị sẵn trong ba túi bóng, mỗi túi đều có một mẩu giấy dặn dò chỗ đặt lễ. Vào trong nhà thờ, thằng Sơn thấy một bức hoành phi mới được treo lên giữa gian chính, có bốn chữ, nhưng nó chỉ đọc được hai chữ cuối. Hai bố con nó đang lúi húi làm lễ thì nghe tiếng bác Quảng đi vào. Bác Quảng bảo: "Tôi đoán hôm nay bố con chú thể nào cũng về nên lên mở cửa trước". Hôm nay là ngày giỗ bà nội nó. Bà mới mất hai năm nay. Lúc bà còn sống, thằng Sơn được bà yêu nhất nhì đám cháu chắt.

Bác Quảng với bố nó ra trước sân ngồi nói chuyện. Được một lúc, bác quay sang hỏi thằng Sơn: "Dạo này cháu học chữ Hán chắc là đã tiến bộ lắm? Thế có hiểu được bức hoành phi bác mới treo kia không?". Thằng Sơn bảo: "Cháu chỉ đọc được hai chữ "Thâm Ân"". Bác Quảng bảo: "Thế cũng đã là khá. Trọn vẹn phải là "Bảo Dục Thâm Ân". Câu này ngụ ý nhắc nhở đời con cháu phải nhớ cái ơn sâu dưỡng dục của cha mẹ". Lại bảo: "Chữ "Bảo" này viết theo lối phồn thể, tức là kiểu viết chữ ngày xưa. Kiểu chữ bây giờ cháu đang học là chữ giản thể, đã được đơn giản hóa đi nhiều cho dễ viết. Phải biết cả chữ phồn thể thì mới đọc được cổ văn". Nghe bác Quảng nói, thằng Sơn nhớ ngay đến câu nói của một nhà ngôn ngữ học Trung Quốc nổi tiếng: "Chữ Hán nhiều như lông của một con bò, tôi cũng chỉ biết được cái đuôi bò mà thôi".

Làm lễ ở nhà thờ xong, bác Quảng đi cùng bố con nó ra nghĩa trang thắp hương trên mộ bà nội. Nghĩa trang nằm giữa cánh đồng. Gió thổi lồng lộng. Lúa đang trổ. Lũ cào cào áo xanh áo đỏ trong các đám lúa cứ bay túa ra ràn rạt mỗi khi chân người bước tới. Lúc đang thắp hương, bác Quảng bảo: "Người Việt mình có tính coi trọng tổ tiên làng xóm, hay thì cũng hay, nhưng có cái dở là nó buộc chân mình, chẳng muốn đi xa. Thằng Sơn sau này đừng có thế nhé, chỉ cần trong lòng nhớ đến cha mẹ là đủ". Thằng Sơn thấy dường như bác Quảng nói câu đó là nói với bố nó, quay sang thấy bố nó hơi gật gù, vẻ trầm ngâm. Nó không hiểu được ý của bác Quảng, và dù có hiểu thì nó cũng không thể nào ngờ được rằng câu nói ấy sẽ đi theo nó suốt cả cuộc đời, như một lời tiên đoán về số phận của nó.

No comments:

Post a Comment