Saturday, January 9, 2010

Thoát Thân Luận

Tác giả: Giáp Văn Dương
(Nguồn: Viet-studies)

Tựa: Cóp bết là việc mình cố hết sức để tránh, trừ một ít ngoại lệ. Đó là những bài mình thấy cần phải lưu để nghiền ngẫm, ví dụ như bài này.

Ngày 16 tháng 3 năm 1885, tờ Thời Sự Tân Báo của Nhật Bản cho đăng bài “Thoát Á Luận” của Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Bài báo cổ vũ phong trào Minh Trị Duy Tân và chủ trương cải cách văn hóa Nhật Bản để phát triển kịp các nước phương Tây.

Nội dung chính của bài luận nổi tiếng này, cũng là chủ trương của Fukuzawa Yukichi, được tóm gọn trong hai chữ “Thoát Á”. Nghĩa là thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông, cổ hủ lạc hậu, nặng về hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu Á mà Trung Quốc là điển hình, để học theo nền văn minh phương Tây và hội nhập vào thế giới bên ngoài.

Mục đích của chủ trương Thoát Á là giữ độc lập cho nước Nhật và giúp nước này phát triển theo kịp các nước phương Tây đương thời.

Chính nhờ chủ trương này, cộng với sự triển khai thành công của phong trào Duy Tân, nước Nhật đã hình thành được một hệ thống các thang giá trị mới và hội nhập được với bên ngoài, giúp cho nước Nhật không chỉ giữ được độc lập mà còn trở thành một cường quốc về kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật sau này.

Đến nay, bài Thoát Á Luận vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đến mức có nhiều người chủ trương: muốn phát triển, Việt Nam cũng cần phải làm một cuộc Thoát Á như Nhật Bản đã từng làm.

Nhưng như vậy có thực sự khôn ngoan, khi châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ, và thế kỉ 21 được cho là thế kỉ của châu Á? Và Việt Nam có thực sự cần thiết phải học lại từ đầu bài học của nước Nhật 125 năm về trước?

Muốn trả lời câu hỏi này, phải tìm xem những cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam hiện thời là gì?

Quan sát sẽ thấy đó là sức ì văn hóa và tâm lý tự mãn, không muốn thay đổi, thậm chí lảng tránh thay đổi trong một thế giới đang biến đổi không ngừng.

Những giáo điều cũ kĩ, những mô hình và luận thuyết lạc hậu, tuy đã thoái hóa trở thành hình thức và giả tạo, nhưng lại kịp trở thành những thang giá trị lưu hành trong xã hội.

Chúng không chỉ là những rào cản đơn thuần, mà thực sự trở thành những gông cùm, tuy vô hình và được che đậy bằng những mỹ từ, nhưng lại kìm kẹp và trói chặt sự phát triển.

Chúng trở thành những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... mà mỗi người, thậm chí cả dân tộc, sa vào và tốn hàng chục năm loay hoay không thoát ra được.

Vì thế, muốn phát triển, không còn cách nào khác là phải chỉ rõ mặt, gọi đúng tên và tìm cách thoát khỏi những gông cùm và bẫy vô hình này.

Chúng là gì?

- Là sự nhạo báng những giá trị phổ quát như Chân-Thiện-Mỹ: dối trá tràn lan; tin trộm cắp giết người hãm hiếp nhan nhản trên mặt báo hàng ngày; tranh giành, cướp, giật hỗn loạn sau mỗi lễ hội hoa...

- Là những giáo điều xa lạ, nhập khẩu từ bên ngoài bằng cách này hay cách khác, do chủ ý của con người hay ngẫu nhiên của lịch sử, làm biến dạng văn hóa và tư tưởng Việt.

- Là những thang giá trị lạc hậu, phản tiến bộ nhưng vẫn được phép, thậm chí dung túng để tồn tại, cản trở hoặc chặn đứng sự ra đời của những thang giá trị mới.

- Là những chỉ tiêu duy ý chí, lửng lơ ở trên trời nhưng lại bắt cả xã hội phải vắt sức chạy theo.

- Là bệnh thành tích, sẵn sàng đánh đổi tất cả, thậm chí phẩm giá con người, chỉ để làm đẹp các con số.

- Là quan liêu trì trệ, không quản được thì cấm, trói tay trói chân tất cả mọi người.

- Là những dự án treo, kế hoạch treo lãng phí hàng chục năm nguồn lực.

- Là văn hóa tiểu nông, tư duy nhỏ mọn, địa phương cục bộ, nhiệm kì.

- Là sự xuống cấp đạo đức, vô cảm trước cái xấu và cái ác.

- Là niềm tin đang bị xói mòn và vỡ ra từng mảng.

- Là im lặng đến rợn người.

- Là giả dối.

- V.v...

Chúng nhan nhản khắp mọi nơi, mọi cấp bậc, mọi mặt của đời sống. Phải gỡ bỏ chúng, thoát khỏi chúng trước hết.

Vì thế, thay vì tính chuyện Thoát Á hay Thoát Âu, Thoát Mỹ, hãy tính chuyện thoát khỏi những những gông cùm kìm kẹp và những thứ xấu xa phản tiến bộ đang nằm trong chính bản thân mình này trước hết. Nghĩa là phải vượt lên bản thân mình, tổ chức lại bản thân mình, thay đổi những thang giá trị đã bị lịch sử chứng minh là lạc hậu để hình thành nên những thang giá trị mới, trong một hình hài mới. Nếu không, những gông cùm kìm kẹp phản tiến bộ này không chỉ cản trở sự phát triển, mà còn trực tiếp đẩy đất nước đến đến bờ tụt hậu, suy vong do sập phải những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... do chúng tạo ra.

Chủ trương này có thể gọi bằng một tên ngắn gọn: “Thoát Thân”, với hàm nghĩa: vượt lên bản thân mình, thoát khỏi những thang giá trị, những tư tưởng lạc hậu đang nằm trong chính bản thân mình để tránh sa lầy vào những bẫy vô hình do chúng tạo ra, từ đó hình thành những thang giá trị mới, tư tưởng mới, tiến bộ, hiện đại, mở đường cho phát triển.

Chủ trương thoát thân và thoát thân liên tục sẽ giúp gạt bỏ những cản trở nội tại để đổi mới và sáng tạo không ngừng. Suy cho cùng, phát triển chỉ đạt được từ đổi mới và sáng tạo. Và những cản trở đáng kể nhất cho sự đổi mới và sáng tạo là những cản trở nội tại, nằm ngay trong chính bản thân mình.

Chỉ có như thế, năng lực mọi mặt của đất nước mới được giải phóng. Đất nước mới có thể đương đầu và thích nghi được với một thế giới đầy biến động và thay đổi từng ngày, và quan trọng hơn, không sa vào những bẫy vô hình, do sự vô tình hay cố ý của con người, hoặc ngẫu nhiên của lịch sử tạo ra.

Cho nên, thay vì tính chuyện Thoát Á, Thoát Âu, Thoát Mỹ..., hãy tính chuyện Thoát Thân trước hết.

7 comments:

  1. Bài của chú Dê này có cái tựa được! Đọc bản đầy đủ này thấy còn hay, đọc bản 12 cái "LÀ" bị xóa thì thấy cũng bình thường như nhiều bài khác bro nhể?

    ReplyDelete
  2. @Diện: Mấy cái Là gạch đầu dòng quá cụ tỉ, quá nhạy cảm nên bị Vietnamnet cắt trym là điều dễ hiểu. Bài biên nầy mà không có mấy cái Là ấy thì giống như Lao Ái bị thiến, còn gì là phong độ đàn ông, phỏng?

    Phong độ, nói một cách nôm na là khả năng chém gió (Huy bầu). Đối với đàn ông, chém gió vừa là nhu cầu, vừa là trải nghiệm. Không thể không có!

    Bài biên của anh Dương, vì thế, có ý nghĩa rất to nhớn. Điểm yếu của anh em minh khi chém gió về thế sự, ngoài đời cũng như trong chiếu phỏm, là khả năng tổng hợp các vứn đề, sự kiện nhỏ lẻ và sắp xếp chúng vào các nhóm nguyên nhân. Vì thế, ní nuận hay bị lan man, tủn mủn, thiếu khái quát. Tóm lại là sức gió không được phần phật phần phật dư ý.

    Bài biên của anh Dương, tuy chưa Hoàn Mỹ như bể nước inox, nhưng có thể là nền tảng rất tốt để anh em mình phát triển kỹ năng chém gió. Thật đáng quý!

    ReplyDelete
  3. Bro phân tích chém gió chuẩn! He he! Chém loạng quạng như anh em mình chỉ khổ mấy con muỗi! Dưng bro chém gió bên Đông Á vãi hàng còn gì!

    Hôm qua gặp GS Vương, GS cũng phần phật một hồi, có vẻ khoái bài của anh Dê lắm nhưng bực vì vài đoạn hay bị xẻo mất. Em bẩu chú Vương làm phát đê, chú lắc nguầy nguậy bẩu tụi danchi giục hoài nhưng làm lên nó xẻo hết của em chán bỏ mịa. He he!

    Chờ quả chém gió Friedman của Namazu chắc phê bro nhể?

    GS Vương hỏi thăm anh đấy!

    ReplyDelete
  4. Cu Đông A đọc nhiều dưng narrow minded, cực thiển cận. Cãi nhau với củ cực chán, vì củ chuyên trò vứt ra một cái mệnh đề nổ rất to, viện rất nhiều sách vở để khoe chữ là chính chứ chẳng ní nuận mẹ, rùi khi bị vặn thì tuyền né. Dưng khoản haiku mới cả hoa hoét trong nhà củ thì ổn.

    Giáo Vương trăn trở phết, chém gió hay, tao thích. Dưng chém gió trên mấy tờ cướp giết hiếp thì nhục như gâu gâu, báu gì.

    Tao cũng đang ngỏng cổ chờ xem quả chém của Namazu có thành bão không đây, hehe.

    ReplyDelete
  5. Bài ni phải đọc đi đọc lại nhiều lần để thuộc. Nhiều "Là" quá nên đọc ít lần sẽ quên.

    Tác giả ẩn ý rất hay ngay qua tiêu đề "Thoát thân". Nhưng nghe cứ đau sờ cau thế nào ấy bro nhỉ. Liệu có mấy ai thoát thân được như mong ước này.

    Khả năng chém gió của Huy Bầu thì khỏi phải chê roài, Namazu đang học "chém" những bài đầu tiên thôi. Cần phải phát triển các kĩ năng tổng hợp vấn đề và phân tích chúng một cách logic như Huy Bầu đề cập.

    Gambarimasu.

    ReplyDelete
  6. Chém gió tiếp về vụ "Thoát y luận":

    Sau khi anh Dương Dê tung ra chiêu "Thoát thân luận", bạn Minh Phạm biên bài "Thoát Á rùi mới thoát thân" chọc anh Dương Dê một gậy. Anh Dương Dê bèn tung tiếp một chiêu nữa, chiêu "Thoát thân theo chiều thẳng đứng", hay còn gọi là "Thoát thân kiểu khinh công". Thế mới húng!

    Đại khái anh Dương Dê kêu gọi thay đổi ý thức hệ, cải tạo đạo đức xã hội, còn bạn Minh Phạm thì bẩu An nam ta trì trệ là vì kinh tế vẫn rập theo lối châu Á, muốn cải tạo xã hội thì nên cải tạo kinh tế trước. Ngụ ý của bạn Minh là ý thức hệ thì như thế là được dồi, thay đổi làm giề, blah blah...

    Vụ "Thoát y luận" nhẽ sẽ còn một số tiết mục hay ho nữa, anh em đón xem.

    @Diện: Mày thích cái tựa "Thoát thân luận" hả? Anh cũng thế. "Thoát thân" nghĩa là "chuồn" chứ còn gì? Nó bảo mình "Chuồn đi, chuồn đi", hehe...

    ReplyDelete
  7. Ôi trùi! "Thoát y luận"! Mỗi lần đọc còm của Huy bầu không nhịn được cười! Chú Dê chắc hôm trước xem trận Liverpool thua xong về dormitory bồi thêm quả thăng thiên giả nhời Minh Phạm. Chắc truyện còn dài kỳ!

    Chứng tỏ Ông cụ nói vẫn chuẩn anh nhể? "Đất nước đẹp vô cùng...đẹp thật":D

    ReplyDelete