Saturday, May 30, 2009

Kaz (7) - Bữa tối

- Yosuke, đây là Liên. Các con làm quen nhau đi - Bà Chikako nói, khi Yosuke từ trên gác hai đi xuống.
- Rất vui được gặp cô - Yosuke nói
- Rất vui được gặp anh - Liên đáp lại, khẽ cúi người về phía trước.
- À, phải rồi, Liên-chan (cách gọi con gái của người Nhật) lớn hơn Yosuke-kun một tuổi. Yosuke phải gọi Liên là chị mới được - Bà Chikako nói.
Yosuke nhìn Liên. Câu cảm thấy cách gọi ấy thật bất cập. Liên trông trẻ hơn tuổi của cô, nếu bà Chikako không vội vàng nói ra thì Yosuke sẽ nghĩ cô mới chỉ khoảng 19, 20 tuổi. Liên hình như cũng cảm thấy như thế.
- Ồ, không cần phải vậy đâu nhỉ? Chúng ta gọi nhau bằng tên cũng được chứ? - cô nói.
- OK, làm như vậy đi - Yosuke nhanh chóng hưởng ứng.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa gia đình đông con và gia đình có con một. Điều đó thể hiện rõ nhất trong bữa ăn. Yosuke không còn cảm giác khó chịu khi cả bố và mẹ cậu thay nhau chất vấn về tình hình ở trường của cậu, và mặc dù chỉ được cậu trả lời qua quít, chiếu lệ, hai ông bà chẳng bao giờ lấy thế làm phiền lòng. Một điều làm hai ông bà gần đây đặc biệt phấn khởi là việc Yosuke tham gia vào nhóm biên tập cho tờ báo của hội sinh viên. Dù đấy không phải là một câu lạc bộ thể thao có khả năng giúp cải thiện cái vóc dáng gầy còm thảm hại của nó như ý muốn thường trực của ông bà, việc nó ghi tên vào nhóm làm báo sẽ bắt nó giảm bớt khoảng thời gian ru rú trong phòng một mình. Nó sẽ phải giao thiệp với người ngoài nhiều hơn! Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, sự giao tiếp rộng rãi sẽ giúp người ta dễ cân bằng được cảm xúc và loại trừ được những nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ, hoặc tệ hơn là bệnh tâm thần.

Có Liên tham dự vào bữa tối của gia đình, Yosuke được rảnh rang. Cậu nghĩ tới việc mang cuốn sách đang đọc dở vào bàn để đọc nốt trong lúc ăn. Tất nhiên cậu đã không làm điều được cho vượt quá giới hạn của phép lịch sự đó, cậu vui vẻ đóng vai người quan sát cuộc trò chuyện giữa bố mẹ cậu với Liên.

Tuy chỉ hơn Yosuke một tuổi nhưng Liên đã tốt nghiệp đại học. Trong mấy năm đại học, cô học thêm tiếng Nhật ở một trung tâm ngoại ngữ và có thể giao tiếp một cách lưu loát.

- Báo chí bảo kinh tế Việt Nam gần đây tăng trưởng rất tốt, có phải không? - Ông Fusao nói.
- Đúng thế đấy, bố ạ - Liên nói - Mấy năm gần đây GDP tăng nhanh vào hàng đầu thế giới, chỉ sau một số nước, ví dụ như Trung Quốc. Thu nhập của người dân cũng tăng nên cuộc sống tốt hơn trước đây rất nhiều. Nhưng tất nhiên là còn lâu mới được như Nhật Bản.
- Bố có một người bạn, mấy năm trước đã sang làm việc ở Việt Nam. Ông ta bảo công việc kinh doanh bên đó rất tốt.
- Ở Việt Nam có rất nhiều công ty Nhật, bố ạ. Chẳng hạn các hãng ô tô, xe máy như Toyota, Honda. Bố biết không, xe máy Honda ở Việt Nam là nhiều nhất thế giới đấy. Thậm chí người ta dùng luôn chữ "xe Honda" để chỉ xe máy, thế đấy. Người Việt Nam rất thích hàng hóa của Nhật, bất cứ cái gì có dòng chữ "Sản xuất ở Nhật Bản" thì đều được ưa chuộng. Nhưng hàng hóa Nhật quá đắt nên người ta nhập về đồ cũ, chẳng hạn xe đạp và đồ điện tử, rồi đem bán lại cho dân chúng. Lợi nhuận từ việc kinh doanh này rất cao, vì con nghe nói họ mua được đồ cũ ở các bãi rác bên này với giá rất rẻ, gần như cho không. Có đúng là có những bãi rác như thế không bố?
- Ồ, cái này bố không rõ lắm đâu - ông Fusao cười xòa - Có thể là có những bãi rác như thế, nhưng bố chưa bao giờ nhìn thấy chúng. Thật đấy, chưa từng thấy bao giờ. Tuy nhiên, có những cửa hàng chuyên thu mua đồ đạc cũ, con biết chứ?
- Có phải các cửa hàng vẫn cho những xe tải nhỏ đi vào các khu phố, vừa đi vừa phát những đoạn băng thu âm nghe rất buồn cười...
- Đấy đấy, chính là những cái xe ấy đấy.
- Nhưng những cái xe ấy rất nhỏ, và mỗi lần thu gom cũng chẳng được nhiều nhặn gì. Còn đồ cũ mà người ta nhập về Việt Nam thì mỗi chuyến tàu phải hàng trăm cái container. Nếu không có những bãi rác thực sự lớn thì thu gom đến bao giờ mới đủ hàng cho những chuyến tàu ấy?
- Phải có một hệ thống cửa hàng từ nhỏ đến lớn. Các cửa hàng nhỏ sẽ bán lại cho các cửa hàng lớn, rồi các cửa hàng lớn sẽ lại bán cho cửa hàng lớn hơn. Cứ như vậy thì sẽ có nhiều hàng thôi, đúng không?
- Ừ nhỉ, thế mà con không nghĩ ra.

Tự nhiên, Liên thấy mình thật là ngu ngơ. Cách nghĩ của cô quá đơn giản. Cô nhận thấy có một khoảng cách lớn giữa thực tế và những gì cô đã được nghe ở Việt Nam. Tệ hơn nữa, cô đã không hề nghi ngờ những gì người ta nói với cô, cô mặc nhiên thừa nhận chúng, và chỉ cố gắng tìm những bằng chứng khẳng định chúng.

Yosuke là người ăn xong cuối cùng. Liên giúp bà Chikako dọn bát đĩa vào chậu rửa. Bữa tráng miệng có dưa hấu và bánh ngọt, một thứ đặc sản của địa phương nơi ông Fusao làm việc. Trong lúc ăn tráng miệng, ông Fusao mở máy tính xách tay cho cả nhà xem những "tác phẩm nhiếp ảnh" của ông chụp được trong tuần vừa rồi. Ông Fusao yêu thích chụp ảnh, nhưng không có nhiều thời gian để đến những nơi có phong cảnh đẹp. Đối tượng để ông chụp là những thứ đồ vật, cây cỏ rất tầm thường xung quanh văn phòng của ông ở miền bắc Kyoto. Điểm đặc biệt trong những bức ảnh của ông là góc nhìn rất khác thường. Có những bức ảnh không thể biết ông chụp cái gì, nếu không có lời giải thích của ông.

Xem hết bộ ảnh mới chụp, ông Fusao mở thư mục ảnh gia đình cho Liên xem. Những bức ảnh kỹ thuật số đầu tiên đã được chụp ở Úc khi cả gia đình đi theo ông Fusao sang đó làm việc một năm. Lúc ấy, thằng Yosuke mới học lớp 6, bé nhỏ một cách đáng thương khi đứng cạnh những đứa bạn da trắng cùng lớp.

Chính trong thời gian ở Úc, đã có một bước ngoặt lớn lao xảy ra, làm thay đổi hẳn cuộc đời của cậu.

No comments:

Post a Comment